Sáng 16/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị Góp ý xây dựng dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Đồng chí Trần Văn Mão - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì.
Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có bố cục gồm 8 chương, 69 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
Tại Hội nghị góp ý xây dựng dự án Luật, các đại biểu cho rằng, trước tình hình tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, việc cần sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy để điều chỉnh quy định phù hợp với thực tiễn... Hội nghị cơ bản thống nhất với phạm vi điều chỉnh, bố cục các nội dung của dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Tuy nhiên, để Luật có tính khả thi cao trong thực tiễn, các đại biểu tiếp tục góp ý bổ sung, làm rõ các quy định về một số vấn đề như: Trách nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; các quy định về cơ sở cai nghiện ma túy công lập và tư nhân; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và cai nghiện ma túy, đặc biệt là quy định về thời gian cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy...
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị tại Khoản 1, Điều 8 cần xem xét bổ sung trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy cho giáo viên, nhân viên nhà trường. Cùng với đó cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng. Đề nghị nghiên cứu xem xét lại Khoản 1, Điều 24 để đảm bảo tính khả thi trong thực tế trường hợp cung cấp thông tin về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình với cơ quan tổ chức nơi làm việc hoặc Công an cấp xã nơi cư trú.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị tại Khoản 2, Điều 26 nghiên cứu, xem xét lại thẩm quyền của Công an xã trong việc đưa ra khỏi danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy để thống nhất với Khoản 1, Điều này.
Tại Khoản 4, Điều 11 quy định trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của cơ quan phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì “xử lý ban đầu và chuyển giao hồ sơ” tuy nhiên, việc quy định “xử lý ban đầu” là chưa rõ ràng, có thể gây nhiều cách hiểu khác nhau, đề nghị làm rõ nội dung này.
Nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng lâu nay chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức, đề nghị cần có giải pháp rõ ràng.
Thượng tá Trần Đình Vinh - Phó Trưởng Công an TP. Vinh cho rằng, các đối tượng cai nghiện theo quyết định của UBND phường, xã và tập trung cắt cơn từ 8-10 ngày và sau đó tiếp tục sử dụng ma túy, gia đình, chính quyền địa phương không quản lý, kiểm soát được. Nếu đối tượng ở ngoài cộng đồng rất khó thực hiện việc cai nghiện do nhiều tác động từ bên ngoài xã hội...
Một số vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm, gồm: Tại Khoản 2, Điều 30, 31 quy định nếu thực hiện cai nghiện đầy đủ được hỗ trợ kinh phí như thế nào; Khoản 1, 2, Điều 22 quy định về xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể còn chưa cụ thể; Điểm D, Khoản 2, Điều 35, quy định các khu cai nghiện, có cần sự tách biệt giữa đối tượng bắt buộc và tự nguyện hay không; Khoản 3, Điều 4 cần bổ sung nguồn lực cho các cơ sở cai nghiện để nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng việc đào tạo nghề, dạy văn hóa; Điều 43 quy định trách nhiệm UBND cấp xã cần cụ thể hơn…
Kết thúc Hội nghị, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trần Văn Mão đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu. Đoàn xin tiếp thu đầy đủ, tổng hợp, chuyển tải đến Kỳ họp thứ 11 sắp tới.