(Baonghean.vn) -Chiều nay 1/4, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, BTV Tỉnh ủy có buổi làm việc với các sở, ban, ngành để lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo về kết quả thực hiện Kết luận 20-KL/TƯ ngày 02/6/2003 của Bộ Chính trị về Nghệ An. Dự buổi làm có các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Qua 10 năm thực hiện Kết luận 20-KL/TƯ ngày 02/6/2003 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh XVII, trong điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền các cấp, của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội Nghệ An vẫn có những bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong 5 năm 2006-2010 đạt 9,75%, bình quân giai đoạn 2011-2012 tăng trưởng 8,18%; GDP bình quân năm 2012 đạt 20,23 triệu đồng/người/năm, tăng 4 lần so với năm 2002.
Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thu ngân sách hàng năm tăng khá, chi ngân sách đã có nhiều cố gắng đảm bảo đáp ứng các yêu cầu thiết yếu. Các lĩnh vực văn hoá xã hội có tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện; hạ tầng được đầu tư nâng cấp và mở rộng đáng kể; QPAN được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và có nhiều mặt chuyển biến tốt, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trong thời gian qua và cho thời kỳ mới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường phát biểu kết luận buổi làm việc
Thực hiện Kết luận 20-KL/TƯ của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đề án Xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ, Thành phố Vinh đã được công nhận là đô thị loại I. Báo cáo cũng đánh giá về Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020, với mục tiêu đưa miền Tây thoát khỏi tình trạng kém phát triển, bảo vệ tốt quốc phòng, an ninh biên giới và môi trường sinh thái bền vững, Nghệ An đã tập trung chỉ đạo quan tâm, đầu tư cho phát triển miền Tây. Đến nay, miền Tây Nghệ An đã có chuyển biến theo hướng tích cực trên mọi lĩnh vực, từng bước nâng cao đời sống cho người dân.
Tuy nhiên, đến nay Nghệ An vẫn còn là một tỉnh nghèo, mức tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra và chưa bền vững; tích lũy từ nội bộ nền kinh tế còn thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; nhiều lao động thiếu việc làm; tội phạm và tệ nạn ma túy còn diễn biến và tiềm ẩn phức tạp; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn; một số nơi thuộc vùng đặc thù còn tiềm ẩn những yếu tố dễ gây mất ổn định về an ninh trật tự. Công tác cải cách hành chính và năng lực chỉ đạo điều hành chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Mục tiêu, định hướng Nghệ An đặt ra trong thời gian tới: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; tăng cường đoàn kết, thống nhất; đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015; tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Xây dựng Nghệ An trở thành một trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, giáo dục, y tế, văn hoá của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân không ngừng được nâng cao, có nền văn hóa lành mạnh và đậm đà bản sắc dân tộc; quốc phòng - an ninh vững mạnh.
Sau khi nghe đại diện các sở, ban, ngành đóng góp ý kiến, kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Đường yêu cầu ban chỉ đạo tổng kết Kết luận 20 KL/TƯ cần thống nhất về tài liệu; bổ sung dự kiến phân công các ngành phụ trách làm việc với các bộ, ban, ngành TƯ. Nội dung của các báo cáo phải thống nhất tên gọi, báo cáo cần chỉnh sửa ngắn gọn, súc tích hơn; cần tiếp thu, tổng hợp ý kiến các đại biểu đã đóng góp để hoàn thiện dự thảo báo cáo, trình BTV Tỉnh ủy cho ý kiến, trình BCH Tỉnh ủy và làm việc với các bộ, ban, ngành TƯ và Bộ Chính trị trong thời gian sắp tới.