Chiều 17/3, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo Đề án trình Bộ Chính trị về phương án xác định độ tuổi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và thực hiện chế độ chính sách theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021.
Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Ban Tổ chức Trung ương.
Từ Đại hội VIII và nhất là từ khóa X đến nay, Trung ương đã kế thừa, căn cứ cơ sở lấy tuổi nghỉ hưu để xác định tuổi bổ nhiệm. Theo quy định hiện hành, tuổi bổ nhiệm lần đầu đối với nam không quá 55 tuổi, đối với nữ không quá 50 tuổi.
Riêng với độ tuổi tham gia cấp ủy, ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND các cấp, Bộ Chính trị đều có hướng dẫn cụ thể theo tinh thần này đối với từng nhiệm kỳ.
Các quy định về tuổi bổ nhiệm nêu trên đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đi vào nền nếp và không vướng mắc.
Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 28 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Bộ Luật Lao động năm 2019, từ năm 2021 bắt đầu thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung, trong đó có cán bộ quản lý, cho nên phải xác định lại tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, quy hoạch, thực hiện chế độ chính sách.
Trong điều kiện lao động bình thường, tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Cụ thể, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ.
Tại Hội nghị, để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến các tỉnh, thành ủy một số nội dung chủ yếu trong xác định tuổi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu và cán bộ ứng cử theo tinh thần Nghị quyết 28 và Bộ Luật Lao động năm 2019. Đặc biệt là lấy ý kiến về quan điểm, nguyên tắc và yêu cầu trong việc xác định tuổi bổ nhiệm; đối tượng, phạm vi điều chỉnh; từ đó đưa ra cách tính cụ thể.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đồng tình với phương án Ban Tổ chức Trung ương tham mưu xác định tuổi bổ nhiệm theo lộ trình hàng năm; chứ không theo phương pháp cộng dồn. Phương án này không vi phạm nguyên tắc, vừa đảm bảo hợp lý và tránh được nhiều hệ lụy.
Tuy nhiên, cho rằng bất cứ một quy định nào ban hành khi điều chỉnh cũng không thể phù hợp nhất cho tất cả các đối tượng, mà sẽ có những tình huống đặc biệt. Do đó, để tránh thiệt thòi cho những tình huống đặc biệt và cũng là giải pháp để xử lý những vướng mắc trong thực tiễn cho các địa phương, đơn vị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An kiến nghị nên quy định rõ những trường hợp đặc biệt, để tránh sự tùy tiện và bảo đảm được công bằng khi áp dụng ở các địa phương, các cấp, các ngành.
Các ý kiến tại Hội nghị đồng tình với phương án xác định tuổi bổ nhiệm phải lấy tuổi nghỉ hưu được tăng thêm theo lộ trình hàng năm nêu tại Nghị quyết số 28 và Bộ Luật Lao động 2019 để làm cơ sở xác định; không thực hiện cách tính cộng dồn, ứng trước tuổi nghỉ hưu cả lộ trình theo số năm công tác còn lại.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, ngay sau Hội nghị, Ban Tổ chức Trung ương sẽ hoàn thiện dự thảo và tiếp tục lấy ý kiến bằng văn bản đóng góp của các cấp ủy trực thuộc. Tinh thần của cơ quan soạn thảo khi xây dựng đề án là rất thận trọng, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, đảm bảo sự đồng thuận cao.