(Baongehan) - Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Sở Thông tin & Truyền thông, Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc, ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của ngành Thông tin & Truyền thông trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thông tin & Truyền thông (TT&TT) là một ngành kinh tế, kỹ thuật - công nghệ cao (công nghệ thông tin (CNTT), bưu chính, viễn thông, điện tử) và về chính trị, tư tưởng (báo chí, xuất bản). Nhận thức đúng đắn vai trò của TT&TT trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà, mặc dù hết sức khó khăn từ buổi đầu thành lập, Sở TT&TT đã sớm khắc phục, ổn định bộ máy tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất, gắn liền với triển khai quán triệt và vận dụng sáng tạo các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước đẩy mạnh phát triển sự nghiệp TT&TT theo từng bước đi cụ thể. Đồng thời, Sở đã làm tốt vai trò cơ quan tham mưu, quản lý Nhà nước giúp lãnh đạo tỉnh quản lý, điều hành các lĩnh vực về công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã - hội của tỉnh. 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khảo sát tại Tập đoàn FPT về liên kết ứng dụng và phát triển CNTT. Ảnh: nguyên sơn
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khảo sát tại Tập đoàn FPT về liên kết ứng dụng và phát triển CNTT. Ảnh: nguyên sơn

Thực tế, Nghệ An đã nhanh chóng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin hiện đại như đường cáp quang, trạm BTS, internet đến tận các xã; cơ sở dữ liệu số, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, các phần mềm quản lý hồ sơ, công việc được triển khai trong toàn tỉnh đã thu được hiệu quả rất cao trong đời sống nói chung và trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động đầu tư, quản lý Nhà nước. Hệ thống giao ban trực tuyến của tỉnh xuống đến 21/21 huyện, thành, thị đã tạo điều kiện thuận lợi trong chỉ đạo điều hành công việc của lãnh đạo tỉnh đối với cơ sở vừa nhanh, vừa hiệu quả, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại.

Cổng thông tin điện tử, hộp thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý văn bản, phần mềm kế toán, phần mềm quản lý, trung tâm hành chính một cửa,... đã tạo nền tảng để thực hiện vận hành Chính phủ điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, số máy điện thoại và sử dụng internet tăng nhanh (mục tiêu Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2010 có 33 máy điện thoại/100 dân, nhưng thực tế đã đạt 145 máy/100 dân). Hoạt động báo chí, xuất bản ngày càng đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trên địa bàn tỉnh đã có 47 đại diện cơ quan báo chí đang hoạt động, đáp ứng nhu cầu thông tin cho mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tạo ra một diện mạo mới về TT&TT của Nghệ An, đưa lại nhiều tiện ích trong lãnh đạo, điều hành và tổ chức sản xuất. Từ vị trí thứ 37 (năm 2006) đến năm 2010 Nghệ An đã vào tốp 10 cả nước về ứng dụng CNTT, và năm 2013 đứng thứ 4 cả nước. Đây là thành quả đáng ghi nhận về sự nỗ lực của ngành TT&TT và các cấp, các ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Tỉnh ta đã có ngành Thuế ứng dụng CNTT đạt thứ Nhất và ngành Hải quan ứng dụng CNTT đạt Nhì toàn quốc; hàng chục ngân hàng được đáp ứng tối đa về băng thông rộng, liên thông ngân hàng...   

Nhiều năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ưu tiên quan tâm, tạo điều kiện cho Nghệ An tiếp nhận được nhiều nguồn lực TT-TT. Nghệ An được Bộ TT&TT chọn là 1 trong 4 tỉnh thí điểm xây dựng Chính phủ điện tử, hoàn thiện và đưa vào sử dụng và quản lý tốt hệ thống thông tin điện tử của tỉnh; là 1 trong 3 tỉnh thực hiện dự án của Quỹ Bill Melinda Gates về thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam. Nhờ đó, tạo được môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và CNTT trên địa bàn tỉnh phát triển, tạo cơ sở hạ tầng về CNTT tốt để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT được chú trọng, trên địa bàn tỉnh có 6 trường đại học, 9 trường cao đẳng, hàng trăm trung tâm dạy nghề đào tạo về CNTT, đã tạo ra nguồn nhân lực dồi dào cung cấp cho tỉnh và vùng Bắc Trung bộ.

Sở TT&TT Nghệ An chủ trì tổ chức diễn tập ứng cứu sự cố máy tính năm 2014. Ảnh: Thục Anh

Ngày 30/7/2013, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng ký ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, là trung tâm kinh tế khu vực Bắc Trung bộ trên 7 lĩnh vực. Nghị quyết khẳng định Nghệ An sẽ là trung tâm công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; xây dựng Thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về khoa học - công nghệ (KHCN), công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao; xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa chức năng, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao... Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các trường đại học, trường dạy nghề chất lượng cao về lĩnh vực CNTT; phát triển hệ thống các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao KHCN; thu hút các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng KHCN của các bộ, ngành Trung ương, quốc tế đặt trụ sở tại Nghệ An. Để sớm đạt được kết quả và hoàn thành tốt Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra, đặc biệt xây dựng Nghệ An thành trung tâm CNTT vùng Bắc Trung bộ, chúng ta phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển. Các sở, ban, ngành, các địa phương phải xác định trách nhiệm của mình đối với sự phát triển công nghệ thông tin trong tình hình mới.

Nghệ An là đất học, có nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, học sinh có điểm thi đại học cao vào tốp đầu cả nước, nên phải trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực CNTT cho cả nước, cho  ngành Ngân hàng, Y tế, cho các doanh nghiệp trong tỉnh và các khu công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh)...  Nghệ An có đầy đủ điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư các trường đại học quốc tế có uy tín để đào tạo nguồn nhân lực CNTT, viễn thông, báo chí đẳng cấp quốc tế. Cần nâng cao chất lượng đào tạo CNTT tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, liên kết với các trường trong nước và quốc tế để cập nhật kiến thức, tạo nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế; có chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin về tỉnh công tác; tăng cường đầu tư hạ tầng CNTT hiện đại, tiện ích, phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, doanh nghiệp; tập trung ứng dụng CNTT nhanh chóng thực hiện Chính phủ điện tử; trước mắt, triển khai ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong cải cách hành chính, quản lý, điều hành của các cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai xây dựng công viên phần mềm, hạ tầng khu công nghiệp và thu hút đầu tư doanh nghiệp CNTT về sản xuất phần cứng, công nghiệp phụ trợ, phần mềm CNTT hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm công nghệ thông tin trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Thực tiễn cho thấy, CNTT phát triển nhanh, đa ngành và phạm vi ảnh hưởng rộng, vì vậy công tác quản lý nhà nước của Sở TT&TT phải nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển. Sở cần tham mưu xây dựng quy hoạch và bám sát quy hoạch để phát triển đúng, đồng thời cũng phải hết sức linh hoạt để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong quá trình phát triển ở các lĩnh vực như báo chí, mạng xã hội, công nghệ số, công nghiệp phần mềm, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động viễn thông...; chủ động thu hút các nguồn lực thông tin và truyền thông phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là yêu cầu trước mắt và lâu dài. 

Trong 10 năm qua, ngành TT&TT Nghệ An ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, những thành tích ngành đã đạt được là hết sức to lớn. Các lĩnh vực hoạt động TT&TT có bước phát triển mạnh mẽ, mức độ phổ cập rộng, nhanh, phù hợp với xu thế chung hiện nay, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian tới, với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, nhất định Nghệ An sẽ sớm trở thành trung tâm CNTT của vùng Bắc Trung bộ.

Hồ Đức Phớc

(Bí thư Tỉnh ủy)