Bà Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Thông tin XTDL trả lời PV Báo Nghệ An.

Phóng viên: Xin bà cho biết chức năng, nhiệm vụ chính của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Nghệ An?

Bà Nguyễn Thị Hương:Cách đây 10 năm, ngày 29/4/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 1601/QĐ.UB về việc thành lập Trung tâm xúc tiến Du lịch Nghệ An trực thuộc Sở Du lịch (cũ). Ngày 10/8/2004, UBND tỉnh ra Quyết định số 86/2004/QĐ.UB.NV về việc Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm xúc tiến Du lịch Nghệ An. Sau khi đi vào hoạt động 4 năm, ngày 6/6/2008, Căn cứ Thông tư Liên tịch số 43/2008/TTLT-BVHTTDL-BNV của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thuộc 
 
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Văn hóa và thông tin thuộc UBND cấp huyện. Theo đó, Trung tâm xúc tiến Du lịch đổi tên thành Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Nghệ An. Trung tâm có nhiệm vụ: tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch Nghệ An ở trong và ngoài nước theo chiến lược xúc tiến du lịch đã được UBND tỉnh và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt; nghiên cứu, tổng hợp và cung cấp thông tin về du lịch, xúc tiến các hoạt động mở rộng thị trường; xúc tiến kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực du lịch vào Nghệ An. Thực hiện các nhiệm vụ do Giám đốc Sở VHTTDL Nghệ An giao.
 
Phóng viên: Du lịch được tỉnh ta xác định là một trong những ngành kinh tế trọng điểm. 10 năm qua, Trung tâm đã góp phần quảng bá, xúc tiến tiềm năng du lịch Nghệ An như thế nào, thưa bà?
 
Bà Nguyễn Thị Hương: Nhằm góp phần quảng bá, tuyên truyền phát huy tiềm năng du lịch phong phú của tỉnh, 10 năm qua, Trung tâm luôn chủ động sáng tạo trong việc tìm tòi các hình thức tuyên truyền quảng cáo mới, khai thác hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tốt công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức du lịch, nghiên cứu phát triển du lịch Nghệ An… Nhờ đó, Trung tâm đã tạo được dấu ấn trên các mặt hoạt động.
 
Về công tác tuyên truyền quảng bá du lịch trong nước và ngoài nước: tổ chức và tham gia hàng chục sự kiện du lịch tại các thành phố: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Điện Biên, các tỉnh phía Nam mà chủ yếu là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh, các nước như: Lào, Thái Lan, Trung Quốc để quảng bá giới thiệu du lịch Nghệ An đến với đông đảo du khách và nhân dân. Biên soạn, in ấn và phát hành hàng vạn ấn phẩm quảng bá du lịch với chất lượng ngày càng được nâng lên, nội dung phong phú và có nhiều đổi mới. Hình thành cổng thông tin điện tử kết nối với hầu hết các sở, ngành, địa phương, riêng trang website du lịch Nghệ An được kết nối theo đường truyền của Tổng cục Du lịch, liên kết với website du lịch các địa phương trong cả nước; phát hành bản tin du lịch nội bộ đến 64 tỉnh thành trong cả nước; phối hợp cùng các đài truyền hình địa phương, đài truyền hình trung ương xây dựng và phát sóng nhiều phim giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, sản phẩm, dịch vụ du lịch Nghệ An …. 
 
images1005014_gi_i_thi_u__qu_ng_b__v__du_l_ch_ngh__an_tr_n_d_t_th_i_lan__nh___o_tu_n.jpgGiới thiệu, quảng bá về du lịch Nghệ An trên đất Thái Lan. Ảnh: Đào Tuấn
 
Về hoạt động tổng hợp thông tin, xúc tiến đầu tư: Bước đầu hình thành hệ thống dữ liệu thông tin du lịch từ cơ sở đến tỉnh. Đặc biệt, triển khai thực hiện có hiệu qủa các hoạt động xúc tiến phát triển tuyến du lịch đường bộ tại các thị trường trọng điểm như các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, các tỉnh phía Nam mà chủ yếu là Thành phố Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Viêng Chăn – Lào, 18 tỉnh Đông Bắc Thái Lan (Khonkean, Udonthani…), Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Châu…); Pháp, Nhật Bản, Nga… Cung cấp thông tin du lịch được triển khai tích cực, ngoài các hội chợ, hội thảo, việc cung cấp thông tin cho khách du lịch qua trang website được thực hiện có hiệu quả. Ngoài ra, ngành du lịch cũng đã liên kết để cung cấp thông tin về du lịch Nghệ An tại các địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh… Khai thác phát triển sản phẩm du lịch mới mà Nghệ An có thế mạnh như văn hóa, lịch sử, tâm linh, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng miền Tây. Hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành trong nước, trong khu vực xây dựng một số tour, tuyến du lịch hấp dẫn theo đường bộ và đường hàng không như tour du lịch một ngày ăn cơm ba nước theo đường 8, ba quốc gia một điểm đến, hành trình du lịch con đường di sản miền Trung, hành trình 1.000 năm kinh đô Việt cổ, tuyến du lịch Nghệ An – Xiêng Khoảng – Luangprabang theo đường 7 về đường 8, tour du lịch cung đường Trường Sơn; hỗ trợ các địa phương trong tỉnh như Cửa Lò, Nam Đàn, Thành phố Vinh, Con Cuông, Quỳ Châu… trong việc quảng bá hình ảnh điểm đến và xây dựng các tuyến điểm du lịch nội tỉnh. Tham gia các hội thảo khu vực, trong nước và quốc tế. 
 
Về hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp: Tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch nội tỉnh, liên tỉnh, liên quốc gia, đồng thời tiếp cận các thị trường khách du lịch trong nước, quốc tế góp phần định hình thị trường khách cho du lịch tỉnh Nghệ An. Từ năm 2004 đến nay, được sự hỗ trợ của dự án Hợp phần 1 BSPS của tỉnh, Trung tâm đã phối hợp với các cơ sở đào tạo lớn như Khoa du lịch - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch, nghiệp vụ quản lý du lịch và khách sạn, nghiệp vụ xúc tiến du lịch. Công tác đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động trực tiếp làm du lịch được tổ chức và thực hiện sát với nhu cầu đào tạo thực tế, qua đó kiến thức chuyên môn nghiệp vụ du lịch ngày càng nâng cao, thái độ làm việc tích cực hơn và khả năng giao tiếp ngoại ngữ của đội ngũ lao động tiến bộ rõ nét, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và hình ảnh du lịch Nghệ An trong thời gian qua. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chương trình xúc tiến Du lịch Nghệ An đến năm 2015; Đề án xây dựng thương hiệu doanh nghiệp du lịch Nghệ An và hàng loạt văn bản chỉ đạo về hoạt động xúc tiến du lịch trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận kết quả đó, tập thể Trung tâm đã 6 lần đạt danh hiệu Tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 7 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 4 lần Trung tâm được Bộ trưởng Bộ VHTTDL tặng Bằng khen cho Đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác, Bằng khen tổ chức tốt các sự kiện lớn trong khu vực Bắc Trung bộ. Đặc biệt năm 2014, Trung tâm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. 
 
Phóng viên: Bên cạnh thành tích đã đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhận thấy rằng hoạt động xúc tiến du lịch vẫn còn những hạn chế. Vậy để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, Trung tâm tập trung vào những nội dung gì, thưa bà?
 
Bà Nguyễn Thị Hương:Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, nhất là góp phần quảng bá xúc tiến du lịch Nghệ An, Trung tâm đã đặt ra những nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới như: đẩy mạnh công tác xúc tiến, mở rộng thị trường du lịch, coi du lịch nội địa là trọng tâm, đồng thời tiếp tục củng cố thị trường quốc tế Thái Lan, Lào, Trung Quốc, từng bước mở rộng sang các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền với nội dung sâu sắc, có chọn lọc nhằm quảng bá có hiệu quả tiềm năng sản phẩm du lịch Nghệ An; tăng cường xúc tiến đầu tư để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư cho du lịch; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức Trung tâm cả về số lượng, chuyên môn và ngoại ngữ; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch Nghệ An về sản phẩm du lịch, về công tác nghiên cứu thị trường; tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra của Chương trình xúc tiến du lịch Nghệ An đến năm 2015; trên cơ sở đó chủ động tham mưu chuẩn bị xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch 5 năm (2015-2020) góp phần cùng toàn ngành thực hiện tốt các chỉ tiêu về tăng trưởng lượng khách, doanh thu.
 
Phóng viên: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
 
Thanh Thủy(thực hiện)