Bê bối Cambridge Analytica đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về cách thức thu thập trái phép thông tin người dùng mạng xã hội Facebook.
Tuy nhiên, xét dưới góc độ thu thập dữ liệu người dùng, Facebook chưa là gì so với Google. Chính Google mới là “cá mập” trên mạng hiện nay, theo Wall Street Journal.
Người dùng đâu biết rằng mỗi từ khóa họ gõ vào trang tìm kiếm Google, thời điểm vào Gmail hoặc bất cứ dịch vụ nào khác của Google đều được ghi lại tỉ mỉ nhằm dựng lên một bức tranh hoàn chỉnh về họ.
Theo Chandler Givens, giám đốc công ty TrackOff chuyên phát triển phần mềm ngăn đánh cắp danh tính, Google âm thầm triển khai nhiều công nghệ bí mật thu thập thông tin người dùng như cách Facebook đã làm.
Google nắm rõ thông tin người dùng kể cả khi họ không dùng các dịch vụ như Gmail hoặc công cụ tìm kiếm của hãng.
Hiện Google Analytics là nền tảng phân tích được nhiều người tin dùng nhất. Một nửa trong số các công ty lớn của Mỹ đang là khách hàng của Google Analytics. Khoảng 50 triệu website trên thế giới đang sử dụng dịch vụ này.
Google Analytics có thể theo dõi người dùng cả khi họ không đăng nhập sử dụng dịch vụ. Đó là chưa kể tới hàng tỷ người sở hữu tài khoản Gmail còn bị theo dõi gắt gao hơn.
Năm 2016, Google đã thay đổi điều khoản sử dụng, cho phép sáp nhập phần dữ liệu theo dõi và quảng cáo với thông tin định danh cá nhân từ tài khoản Google.
Google nắm trọn thông tin từ duyệt web, lịch sử tìm kiếm, ứng dụng cài đặt, tới biểu đồ về độ tuổi, giới tính và nhiều thông tin cá nhân khác.
Công ty của Sundar Pichai nói rằng họ không sử dụng các thông tin phân loại nhạy cảm như chủng tộc, tôn giáo, xu hướng tình dục hoặc sức khỏe nhưng thực tế không ai kiểm soát được điều này.
Do Google sử dụng phương pháp theo dấu liên nền tảng nên hãng này có thể nắm bắt thông tin người dùng trên mọi thiết bị sử dụng, từ máy tính tới điện thoại, TV và các thiết bị kết nối khác.
Đó là lý do tại sao Google và Facebook đang chiếm lĩnh mảng quảng cáo trực tuyến hiện nay. Bằng các nạp một lượng lớn dữ liệu cá nhân cho công nghệ trí tuệ nhân tạo mới nhất, những hãng này có thể biết rõ bạn là ai, đang làm gì, ở đâu, thậm chí không cần bạn khai báo.
Google thu nhiều dữ liệu hơn qua công cụ quảng cáo trực tuyến. Chỉ tính riêng tại Mỹ, công ty này có tới 4.000 nhà môi giới dữ liệu ngày đêm thu thập thông tin người dùng.
Trong lĩnh vực di động, Google cũng là hãng thu thập dữ liệu nhiều nhất qua hai tỷ thiết bị Android đang hoạt động.
“Tội đồ” AndroidThế giới có 2 tỷ thiết bị Android hoạt động và đây thực sự là mỏ vàng để Google khai thác thông tin người dùng. Không những thế, Android còn bị các công ty khác lợi dụng cho mục đích riêng.
Chẳng hạn Facebook từng bị tố đọc lén dữ liệu cuộc gọi và lịch sử tin nhắn người dùng Android. Facebook không thể làm việc này với iPhone bởi Apple không cho phép, trong khi Android lại quá dễ dàng.
Thậm chí, hệ điều hành di động của Google còn thu thập lượng lớn dữ liệu người dùng mà không nói rõ dữ liệu đó được sử dụng như thế nào và cho mục đích gì.
Để được xuất hiện trên kho ứng dụng Android của Google, nhà phát triển phải đồng ý với điều khoản chỉ yêu cầu thông tin (từ người dùng) mà họ cần. Nhưng quy định đó vẫn bị lách dễ dàng.
Trong khi đó, Google lại sử dụng nhiều phương pháp không minh bạch khác nhằm ép người dùng chuyển sang ứng dụng của hãng, chẳng hạn Gmail hoặc trình duyệt web Chrome.
Người dùng Android khi nhấp vào Gmail sẽ được yêu cầu cho phép ứng dụng này được quyền truy xuất camera và microphone điện thoại cho tới khi được đồng ý.
Tương tự như vậy, Google Maps trên Android cũng yêu cầu người dùng bật tính năng vị trí để dễ bề quảng cáo hơn.
Tất nhiên, những việc này đều cần người dùng đồng ý nhưng rất khó xác định, ngay cả với chuyên gia, về ngữ cảnh dữ liệu được sử dụng.
Quy định mới của EU sẽ yêu cầu các công ty như Google, Facebook phải làm rõ dữ liệu và cách sử dụng dữ liệu như thế nào.
Trong phần lớn trường hợp, Google luôn tỏ ra khôn ngoan khi đùn đẩy trách nhiệm này cho đối tác quảng cáo./.