Rượu nếp: Mỗi dịp Tết Đoan ngọ, những gian hàng bán rượu nếp thêm nhộn nhịp người mua cúng ban thờ tổ tiên. Từ lâu đời, người Việt Nam cho rằng ăn cơm rượu nếp khi bụng đói sẽ khiến "sâu bọ" trong người say men rượu mà biến mất. Tập tục riêng của người Việt Nam khiến cơm rượu nếp mỗi vùng miền có phiên bản khác nhau. Người miền Bắc thường chế biến cơm rượu từ nếp cẩm, lên men với công thức đặc trưng làm nên hương vị riêng. Ở miền Nam, người dân lại vo viên cơm rượu thành từng nắm rồi thưởng thức. Ý nghĩa chung của việc ăn cơm rượu, nếp cẩm là diệt sâu bọ phòng trừ dịch bệnh. Họ sẽ chuẩn bị những bát rượu nếp sạch sẽ để cúng gia tiên kèm các loại hoa quả. Bánh gio mật mía: Tiết trời nóng bức của tháng 5 Âm lịch khiến người dân từ lâu đời luôn chọn những món ăn thanh mát dịp Tết Đoan ngọ. Bánh gio (hay bánh tro) làm từ gạo nếp và đường, mật mía luôn góp mặt trong mâm cúng của người Việt Nam từ đó. Mọi người thường ăn bánh khi nguội để cảm nhận vị thanh mát, ngọt thơm với công dụng dễ tiêu, thanh nhiệt và giải độc. Chè trôi nước: Món tráng miệng, ăn vặt không thể thiếu của người miền Nam mỗi dịp Tết Đoan ngọ. Bánh trôi nhân đậu xanh truyền thống hoặc nhiều màu sắc sẽ ăn kèm nước đường gừng ấm nóng. Món ăn thơm đậm vị gừng, béo ngậy của nước cốt dừa ăn kèm, gần giống món bánh trôi của người miền Bắc. Hoa quả đầu mùa: Tùy sở thích, người nội trợ các vùng miền sẽ chọn những loại hoa quả đang vào mùa dịp tháng 5 Âm lịch. Với người miền Bắc, những loại trái cây thường góp mặt trong mâm cúng gia tiên là mận, roi, đào, táo hay vải... Sự đa dạng của hoa quả nhập khẩu ngày nay cũng giúp các gia đình có thêm sự bày biện đẹp mắt đón Tết Đoan ngọ. Với những người kinh doanh hay người đi làm bận rộn, họ thường chuẩn bị hoa quả cúng Tết Đoan ngọ khá đơn giản với quả mận, ổi và một cốc rượu nếp mua sẵn. Tùy sở thích và thời gian cá nhân, bạn có thể đón ngày diệt sâu bọ truyền thống với các loại thực phẩm khác nhau mà vẫn giữ trọn vẹn ý nghĩa. Bánh ú tro: Nếu người miền Bắc có bánh gio thì người miền Nam thường cúng bánh ú tro mỗi dịp Tết Đoan ngọ. Bánh làm từ gạo nếp nấu với nước tro, nhân đậu xanh và có hình chóp. Bọc bên ngoài bởi lá tre, bánh có vị ngậy và thơm nhẹ. Mỗi dịp Tết Đoan ngọ, người miền Nam lại nhộn nhịp tự làm hoặc mua những gói bánh ú thắp hương, làm quà tặng cho người thân.