Chuyện rồi cũng đến tai Ủy ban Dân tộc của Chính phủ.

Chuyện là lâu nay đồng bào dân tộc Mông gặp không ít khó khăn trong việc định danh, viết tên gọi dân tộc mình trên các giấy tờ, văn bản hành chính. Khi thực hiện các thủ tục hành chính tại cấp xã, cấp huyện, thậm chí cả cấp tỉnh nữa, ở phần khai xác định dân tộc, có người viết là dân tộc “Hơ Mông”, người lại viết “H’Mông”, “Mông”… Nói tóm lại là rối tung cả lên.

bna__phu_nu_mong_hoc_xoa_mu_anh_ho_phuong_46491459_14102019.jpgPhụ nữ dân tộc Mông xã Tri Lễ, huyện Quế Phong học chữ. Ảnh tư liệu: Hồ Phương

Đối với bà con - chủ thể tham gia các hoạt động hành chính, dân sự thì có phải ai cũng “giỏi” tiếng phổ thông hay đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ đâu. Nhiều người cũng không biết tên gọi của dân tộc mình được các cán bộ viết ra sao, nói ra sao. Cán bộ yêu cầu viết “H’Mông” thì viết “H’Mông”, bảo viết “Mông” thì viết “Mông”.

Cách đây phải đến vài chục năm, Chính phủ đã thống nhất gọi bà con là người Mông hay dân tộc Mông, thay cho cách gọi H’Mông trước đó. Vậy nhưng trên nhiều văn bản, giấy tờ, thậm chí nhiều cơ quan báo chí vẫn viết và gọi theo cách cũ. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ Nhà nước có nhiệm vụ xử lý, giải quyết các thủ tục hành chính đều không nắm được quy định về định danh, tên gọi đối với đồng bào dân tộc Mông nên mới xảy ra sự lộn xộn nói trên.

Cũng vì việc này mà ngày 10/5 vừa qua Ủy ban Dân tộc của Chính phủ đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và lắng nghe ý kiến của người dân. Tại huyện Quế Phong - một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống (gần 3.900 người), lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An nhận thấy, phần lớn người dân đều đề nghị vẫn duy trì tên gọi dân tộc Mông như lâu nay. Và quy định này cần được thống nhất từ trên xuống dưới, từ văn bản hành chính đến việc ứng xử, giao tiếp hằng ngày. Qua đó nhằm chấm dứt sự rắc rối trong văn bản, giấy tờ và tránh làm tổn thương người dân qua cách gọi.

Trò chơi ném pao của đồng bào dân tộc Mông. Ảnh tư liệu: Đình Tuân