bna_banhchung8972344_222019.jpgBàng vuông là biểu tượng của sức sống mãnh liệt ở Trường Sa. Nhiều năm trước, khi việc vận tải còn nhiều khó khăn, lá dong từ đất liền ra đến nơi cũng đã bị khô héo, quân và dân ở Trường Sa nghĩ ra cách gói bánh chưng đón Tết bằng lá bàng vuông. Đến nay mặc dù lá dong đã ra kịp thời hơn nhưng mỗi dịp Tết đến Xuân về, lính đảo vẫn thường hái lá bàng để gói bánh.
Lá bàng vuông to, dày và xanh như lá dong. Có lá thậm chí dài đến nửa mét. Để gói bánh, cán bộ, chiến sĩ phải chọn lá bàng vuông to nhất, rửa sạch, dùng kéo tước bớt phần cọng lá trước khi gập cho vào khuôn.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa cho biết, ở nơi đầu sóng, ngọn gió, quanh năm sống với sự mặn mòi của biển cả, việc gói và ăn miếng bánh gói bằng lá bàng vuông thêm ý nghĩa dịp đầu năm mới.
Những chiếc lá được rửa sạch, sau đó cắt gọn. Gói bánh chưng bằng lá bàng thường tốn nhiều lá hơn gói bằng lá dong.
Quy trình gói bánh cũng tương tự gói bằng lá dong ở đất liền.
Cũng như đất liền, gói bánh chưng ở Trường Sa cũng có đầy đủ nhân thịt lợn, đậu xanh...
Chỉ sau ít phút, qua bàn tay khéo léo của bộ đội, chiếc bánh chưng được hoàn thành.
Ăn Tết xa nhà, quân và dân trên đảo quây quần bên nhau gói bánh chưng, sum họp thành một gia đình, động viên và san sẻ tình yêu thương, giúp vơi đi nỗi nhớ người thân ở đất liền.
Chiếc bánh chưng gói lá bàng vuông, mang hương vị đặc trưng của Trường Sa, nhắc nhở các chiến sĩ trẻ nhớ về một thời gian khó của cha anh đi trước, khi chưa có lá dong phải dùng lá bàng vuông.