(Baonghean) -Những năm trước đây, chợ Vinh liên tiếp xảy ra những cuộc ẩu đả, tranh giành công việc, thậm chí tình trạng thao túng lãnh địa bốc xếp đã diễn ra khiến hoạt động buôn bán cực kỳ lộn xộn và phức tạp. Từ cuối năm 2009 đến nay, với sự vào cuộc của Công an TP Vinh, trật tự ở chợ Vinh đã được thiết lập. Giờ đây, phía sau đình chính chợ Vinh, các hoạt động đã đi vào nề nếp, nơi đây đã trở thành ngôi nhà tập hợp những cửu vạn tứ xứ…

Những người cửu vạn

Mới 6 giờ sáng, các tiểu thương chợ Vinh chưa kịp mở hàng. Những cửu vạn ngồi chờ sẵn ở cửa sau đình chính. Một số người tranh thủ ăn vội nắm xôi sáng vừa mua chỉ với 5.000đ. Khoảng 6h30’, một người đàn ông tóc húi cua phóng xe máy đến thông báo ngắn gọn: “Anh em chuẩn bị, xe hàng sắp đến”. Mọi người lập tức đứng dậy, tập trung ở bậc thềm. Chưa đầy 5 phút sau, lần lượt những chiếc ô tô tải, xe ba gác nối đuôi nhau tiến đến. Gần 20 cửa vạn khẩn trương nhảy lên các xe chở hàng, khuân từng bao tải nặng trịch đưa lên bậc thềm. Trong chốc lát, toàn bộ số hàng hóa được giải quyết gọn gàng. Một người cầm quyển sổ ghi chép, lật từng bao tải lên xem địa chỉ giao nhận, rồi phân công cho từng người vận chuyển đến tận các quầy hàng.

Tôi tò mò nhấc thử một bao tải, nhưng không nổi. Người đàn ông tóc húi cua cười lớn: “Hơn 1 tạ đấy, không quen không vác được đâu”. Ấy vậy mà, những cửu vạn chạy băng băng, leo lên tầng 2 đình chợ cứ như mang bị bông nhẹ tênh. Khoảng 30 phút, toàn bộ đống hàng, nào là quần áo, dày dép, mỹ phẩm,… được giao đến từng ki-ốt. Một đoàn xe chở hàng khác lại nối đuôi nhau chờ trước cửa. Không kịp nghỉ ngơi, những cửu vạn lại khẩn trương tiếp tục chuyển hàng. Hỏi chuyện người đàn ông tóc húi cua, được biết, anh tên Phan Hùng Sơn, người quản lý đội bốc xếp chợ Vinh. Anh Sơn cho biết, đầu giờ sáng là giờ cao điểm của công việc bốc xếp ở chợ, phải chuyển hàng đến cho các quầy một cách nhanh chóng để họ còn soạn hàng.

“Đội bốc xếp có chưa đầy 20 người. Hàng ngày đội phục vụ hơn 1000 ki-ốt trong đình. Nếu các quầy không kịp có hàng bán trong buổi sáng vì sự chậm trễ của đội bốc vác, thì lần sau họ sẽ không thuê chúng tôi nữa. Như thế đồng nghĩa với việc sẽ không có việc làm. Bởi vậy, anh em ai cũng ý thức được điều đó và dốc sức để làm tốt nhất, nhanh nhất có thể. Nếu nhà báo muốn phỏng vấn ai thì phải chờ xong việc”.

Trước đó, hỏi chuyện ông Tô Thanh Nhân – Trưởng Ban Quản lý chợ Vinh, được biết: Từ khi đình chợ Vinh được đầu tư nâng cấp, công việc bốc xếp hàng hóa được tổ chức lại và đưa vào quản lý. Nạn tranh giành việc làm đã không còn xảy ra. Ở khu vực trong đình, hoạt động của đội bốc xếp do anh Phan Hùng Sơn phụ trách toàn bộ. Hàng tháng họ phải nộp lệ phí, đồng thời chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn và đảm bảo trật tự. Còn bên ngoài đình, vẫn tạo điều kiện cho những người lao động tự do kiếm công ăn việc làm và tuyệt đối ngăn cấm tình trạng thao túng, bảo kê, chèn ép và tranh giành gây mất trật tự.

801355_small_103539.jpg

Các thành viên trong đội bốc vác do anh Hùng
phụ trách chuyển hàng hóa vào chợ.

Nhiều mảnh đời vất vả

Cuối buổi sáng, công việc bốc xếp và vận chuyển hàng hóa cho các chủ hàng xong xuôi. Tôi theo những cửu vạn sà vào quán nước chè phía sau chợ Vinh. Qua cuộc trò chuyện cởi mở, mới biết, những người làm nghề bốc xếp ở chợ Vinh đến từ nhiều nơi khác nhau và đều có gia cảnh hết sức khó khăn.

Thắng (quê ở xã Diễn Phong – huyện Diễn Châu) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Tuy ở nông thôn, nhưng sau khi lập gia đình riêng, Thắng không có ruộng để làm, hai vợ chồng đành khăn gói vào chợ Vinh làm thuê kiếm sống. Vợ Thắng xin được công việc bán hàng cho một quầy tạp hóa, còn Thắng lang thang quanh chợ làm nghề bốc vác thuê. Thấy Thắng hiền lành chịu khó, anh Sơn cảm thương đã nhận vào đội bốc xếp. Từ đó Thắng có công việc ổn định hơn. Hiện nay, tổng thu nhập của hai vợ chồng Thắng mỗi tháng được khoảng 5 - 6 triệu đồng. Riêng Thắng, trung bình mỗi ngày anh kiếm được khoảng 100 đến 120 nghìn đồng.

Ông Võ Quý Luân (quê ở xã Hưng Mỹ - Hưng Nguyên) cho biết, gia đình ông có 11 sào ruộng, nhưng thu nhập từ làm nông không đủ nuôi 3 đứa con ăn học. Bởi vậy, tranh thủ những lúc xong mùa vụ, ông đạp xe xuống chợ Vinh bốc vác thuê để thêm thu nhập. Hơn 20 năm lặn lội ruộng vườn và làm cửu vạn, ông Luân đã nuôi được 3 đứa con học hành đến nơi đến chốn, 2 đứa đầu đã tốt nghiệp đại học, còn đứa con út năm nay lên lớp 12. Ông dự định, sau khi lo cho đứa út trưởng thành, sẽ từ giã cái nghề vất vả này để ở nhà làm những việc nhẹ nhàng hơn.

Không phải chỉ có những nông dân lên làm thuê mà ở đội bốc xếp còn có không ít người là dân thành phố. Như trường hợp của hai anh em Trương Quang Đức – Trương Quang Thắng (nhà ở phường Đội Cung – TP Vinh). Do hoàn cảnh khó khăn, Đức và Thắng phải nghỉ học sớm ở nhà đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Cả hai anh em năm nay mới ngoài 20 tuổi và là những cửu vạn trẻ nhất đội bốc xếp.

Anh Phan Hùng Sơn nói: “Làm nghề này ngoài sức khỏe tốt, còn phải chịu khó và phải có đức tính thật thà. Đội của tôi mỗi ngày vận chuyển không biết bao nhiêu là hàng hóa, trong đó, nhiều loại hàng có giá trị lớn. Nếu để mất mát, không những phải đền cho chủ hàng mà còn mất uy tín. Bởi vậy, người nào có biểu hiện gian dối là tôi loại ra khỏi đội ngay lập tức”.

Dường như bị gợi lại quá khứ buồn, Nguyễn Đắc Tùng lên tiếng: “Em trở về đây làm là để được làm người. Trước đây, em mắc phải lỗi lầm, bây giờ mới thấy những đồng tiền mình làm ra bằng mồ hôi nước mắt quý giá như thế nào”. Tùng tâm sự, anh sinh ra ở phường Vinh Tân – TP Vinh, nhà có 7 anh chị em, bố mẹ mất sớm. Từ nhỏ Tùng đã phải lang thang kiếm sống. Không được học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống của Tùng không có định hướng. Anh lăn lộn làm đủ nghề để mưu sinh qua ngày, lơ xe rồi lái xe, đi hết trong Nam rồi ngoài Bắc, có những lúc kiếm được rất nhiều tiền, nhưng nhiều lúc trong túi không còn đồng nào. Khi trong túi rủng rỉnh, anh giao du bạn bè, gặp gỡ đàn đúm tiêu pha vô tội vạ, nhưng đến khi hoạn nạn thì chẳng còn ai bên cạnh.

Có những ngày Tùng lang thang nơi đất khách quê người, bụng đói cồn cào và chỉ ước có một chiếc bánh mỳ để ăn. Thấm thía nỗi khổ cùng cực của kiếp sống phiêu dạt. Tùng trở về nhà, quyết chí tìm công việc phù hợp để tạo lập cuộc sống ổn định. Phải trải qua rất nhiều thử thách và những cam kết, Tùng mới được anh Phan Hùng Sơn nhận vào đội bốc xếp. Thời gian đầu chưa quen với việc mang vác nặng, chỉ trong vòng 2 năm Tùng đã 3 lần bị trật khớp vai, phải nghỉ điều trị cả tháng trời. May nhờ anh Sơn và các anh em trong đội bốc xếp quan tâm giúp đỡ, Tùng vượt qua những khó khăn và trở lại tiếp tục công việc. Giờ đây, đã gần 35 tuổi nhưng Tùng vẫn độc thân. “Em sẽ cố gắng dành dụm ít vốn rồi lập gia đình”, Tùng mỉm cười chia sẻ.

Mô hình một HTX nhỏ

Theo anh Phan Hùng Sơn, đội bốc xếp của anh giống như một HTX nhỏ. Những người tham gia đội bốc xếp đều hoàn toàn tự nguyện, muốn làm hay muốn nghỉ bất cứ lúc nào cũng được, miễn là báo trước cho tổ trưởng để có kế hoạch công việc phù hợp. Mỗi khi có ai thuê bốc vác vận chuyển hàng hóa, tất cả mọi người cùng xúm vào làm. Cuối ngày cộng tiền công lại, chia đều cho mỗi người, ai tích cực, làm nhiều thì được thưởng, ai làm ít thì bị trừ tiền công để đảm bảo công bằng. Quân số của đội dao động từ khoảng 15 đến 20 người, tùy từng thời điểm, dịp gần Tết hàng hóa nhiều, quân số có thể lên đến 30 người. Khi cần bổ sung thêm lao động, các thành viên có thể đứng ra giới thiệu và phải bảo lãnh, nếu xảy ra chuyện mất cắp hàng và người đó bỏ trốn thì người giới thiệu phải chịu trách nhiệm đền bù. Luật bất thành văn, nhưng ai cũng ý thức được trách nhiệm và biết sống nương tựa vào nhau, nên mấy năm nay mọi việc đều thuận lợi và không có những điều đáng tiếc xảy ra.

Trước đây, khi đội bốc xếp chưa thành lập, mọi người mạnh ai nấy làm. Đã nhiều lần xảy ra mất hàng. Có người phải làm quần quật cả năm mới đền bù được cho chủ hàng. Ông Ngô Tiến Bình, người cao tuổi nhất đội kể: Cách đây 7 năm, trong lúc tôi đang cúi xuống bốc hàng lên xích lô để chở ra bến xe, thì bị hai thanh niên đi xe máy chạy qua lấy trộm mất 1 bì hàng. Tôi phải về nhà bán lợn vẫn không đủ đền bù. Cuối cùng, chủ hàng cảm thông hoàn cảnh, cho trả dần mỗi tháng 300 nghìn đồng, phải mất gần 2 năm trời tôi mới trả xong nợ. Hoặc như trường hợp anh Quý, trên đường đi giao hàng thì bị lấy trộm mất 1 bao tải quần bò. Sau đó, tìm ra được người lấy trộm là một thanh niên nghiện ma túy. Anh ta đã bán mất bao tải hàng và mua ma túy sử dụng nên không có trả lại. Anh Quý phải bán chiếc xe xích lô để đền…

Từ khi đội bốc xếp ra đời, không những an ninh trật tự ở chợ Vinh tốt hơn mà quyền lợi của những cửu vạn ở chợ cũng được phân phối công bằng, nên họ yên tâm làm việc. Bất kể ngày hay đêm, cả lúc trời mưa gió, hễ có người gọi là đội bốc xếp lập tức có mặt. Các thành viên không sống tập trung ăn ở cùng nhau, nhưng cùng làm việc với nhau nhiều năm nên tình cảm luôn gắn bó mật thiết. Mỗi khi gia đình ai có chuyện khó khăn, cả đội lại quyên góp giúp đỡ. Chuyện trộm cắp, móc ví ở Chợ Vinh những năm trước xảy ra thường xuyên. Từ khi có đội bốc xếp tham gia giữ gìn trật tự, đấu tranh tố giác tội phạm, vấn nạn trộm cắp, móc ví giảm hẳn. Không phải chỉ biết lao động quần quật để kiếm sống, đội bốc xếp chợ Vinh còn tham gia các hoạt động xã hội cùng Ban Quản lý chợ. Những dịp lễ tết, các chương trình văn nghệ, thể thao đều có sự tham gia nhiệt tình của đội bốc xếp. Họ còn quyên góp, mua bánh Trung Thu ủng hộ trẻ em nghèo trong dịp Rằm tháng Tám hàng năm…

Có mặt trên SVĐ Vinh theo dõi trận bóng đá giữa SLNA và T&T HN, phát hiện ra một điều khá thú vị, anh Phan Hùng Sơn – người quản lý đội bốc xếp chợ Vinh là Hội phó Hội CĐV SLNA.


Bài, ảnh: Hoàng Hảo