(Baonghean) - Sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, anh Hồ Hữu Thân vinh dự là điển hình tiên tiến đại diện cho hàng vạn nông dân tỉnh nhà tham dự Hội nghị tuyên dương toàn tỉnh. Xuất thân là một nông dân nghèo, gắn bó với công tác Hội Nông dân xã Quỳnh Văn gần 15 năm nay, anh luôn trăn trở tìm mọi cách giúp nông dân làm ăn có hiệu quả, tạo niềm tin cho hội viên vượt qua hoàn cảnh, vươn lên thoát nghèo.

Tay trắng làm nên

Sinh năm 1968 trong gia đình nông dân đông con ở Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu), Hai mươi tuổi, lập gia đình, anh Thân ra ở riêng. “Ngày đó, hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không. Tài sản là mảnh vườn hoang, túp lều tranh dựng tạm. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp muôn vàn khó khăn. Rồi lần lượt, hai đứa con ra đời, khó khăn thêm chồng chất. Xác định, nếu chỉ cần cù bươn chải, lam lũ làm ăn mà không bứt phá, không dám nghĩ, dám làm thì biết bao giờ mới khá lên được…”. Anh Thân nhớ lại, sau một thời gian trăn trở, vốn liếng tích góp từ chăn nuôi, bán đi từng cân lúa, cân ngô, củ khoai… anh dồn tiền đầu tư vào kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc. Anh lặn lội ra Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình… đặt vấn đề trực tiếp với nhà máy để làm đại lý cấp 1. Trung bình, mỗi tháng đại lý của gia đình anh cấp khoảng 40 tấn thức ăn gia súc cho nông dân trong xã và các vùng lân cận.

Năm 2008, khi trên địa bàn bắt đầu phát triển nghề xây dựng, anh đầu tư máy móc để sản xuất gạch sò. Hiện, anh có 5 máy đúc gạch sò, 3 xe tải vận chuyển hàng hóa, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động địa phương với mức thu nhập 2,5 triệu đồng – 6 triệu đồng/lao động/tháng. Mỗi năm trừ chi phí anh lãi ròng khoảng 400 triệu đồng. Anh được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi; được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng, tôn vinh. Khi kinh tế phát triển, anh có thêm điều kiện để giúp đỡ những người nghèo, tham gia các hoạt động xã hội.

Anh Hồ Hữu Thân và xưởng sản xuất gạch sò.

Giúp người nghèo bằng cả tấm lòng

Chúng tôi đến thăm hộ anh Đậu Xuân Phan (xóm 15, Quỳnh Văn) đúng lúc cả gia đình đang bàn chuyện xây dựng nhà mới. Gia đình anh Phan thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã, ngoài 4 đứa con nhỏ, anh còn nuôi bà mẹ già thường xuyên đau yếu, đã lú lẫn và cô em gái tàn tật. Ngôi nhà cấp 4 xây dựng từ những năm 1960 nay đã xuống cấp trầm trọng, phần gỗ bị mối mọt, móng bị sụt lún, tường đã đổ sập một bên. Đã mấy tháng nay, gia đình không dám ở trong nhà mà dọn hẳn xuống ở tạm nhà ông chú, căng bạt để nấu nướng, sinh hoạt.  Ước mơ có một căn nhà kiên cố với gia đình anh thật quá xa vời.

Nắm bắt được hoàn cảnh của gia đình anh Phan, anh Hồ Hữu Thân đã quyết định hỗ trợ toàn bộ gạch xây nhà cho anh Phan, hướng dẫn anh làm thủ tục vay 30 triệu đồng tiền Ngân hàng Chính sách để làm nhà mới.  Anh Phan cảm động cho biết: “Nhà cửa xuống cấp, nhưng không dám mơ làm nhà mới, tiền mô mà làm. Sự giúp đỡ của anh Thân là chỗ dựa để gia đình quyết tâm làm nhà... ”. Sang tháng 6 này, gia đình anh Phan sẽ khởi công xây dựng nhà mới.

Ngoài ra, hàng năm anh Thân còn hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học: tặng sách vở, mua đồng phục và tặng xe đạp cho những em đặc biệt khó khăn. Riêng năm 2012, anh đã bỏ tiền túi hỗ trợ 5,5 triệu đồng cho các đối tượng đặc biệt khó khăn trong xã; tặng 1 sổ tiết kiệm cho hộ nghèo; tặng hàng chục suất quà cho trẻ tàn tật… Xác định “cho cần câu hơn cho xâu cá”, anh tạo điều kiện cho các lao động nhàn rỗi địa phương vào làm việc tại các xưởng sản xuất gạch sò do anh làm chủ; chủ động tạo nguồn vốn vay bằng tiền mặt, vay vật tư, con giống không lấy lãi cho các hộ nghèo phát triển kinh tế. Mỗi năm, anh trực tiếp giúp đỡ 1 - 2 hộ thoát nghèo.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Văn, anh còn vận động, kêu gọi hội viên chung tay, góp sức giúp đỡ hộ nghèo. Riêng 2 năm qua, Hội Nông dân Quỳnh Văn đã đóng góp 53 triệu đồng giúp đỡ 2 hộ nghèo xây dựng nhà ở; tặng 11 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách; trao 40 suất quà khuyến học cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Nói về những việc làm của mình, anh khiêm tốn: “Cũng là “thợ cày” nên tôi hiểu hơn ai hết những vất vả của người nông dân. Họ có ý chí, có nghị lực, lại sẵn sức lao động, cần cù, chịu khó. Những việc mình giúp đỡ họ, tạo điều kiện vốn vay, vật tư con giống cho họ chỉ là chất “xúc tác” để họ vươn lên… Được tôn vinh là điển hình tiên tiến làm theo Bác, đó là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm để tôi cố gắng có nhiều việc làm ý nghĩa giúp đỡ những người xung quanh mình…”.

Bài, ảnh: DUY NAM