Phan Đăng Lưu rèn việc lớn là tôi luyện ý chí chiến đấu, giữ vững khí tiết, nhân cách của một người cách mạng trước kẻ thù, luôn luôn lạc quan, tin tưởng, kiên định, giữ vững lập trường cách mạng và kỷ luật của tổ chức ngay trước những đòn tra tấn, khủng bố của kẻ thù. Đồng chí rèn việc hằng ngày như giữ gìn sức khỏe với quan điểm phải có sức khỏe mới có thể duy trì được cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ và đánh bại được âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù là hủy hoại thể xác và tinh thần của người cách mạng. Trong lao tù, dưới đòn roi, những bài báo của Phan Đăng Lưu thể hiện trí, dũng, niềm lạc quan, tin tưởng; là vũ khí chiến đấu có sức mạnh to lớn cho lý tưởng cách mạng.

Giữ vững khí tiết của người cách mạng, sẵn sàng hy sinh tính mệnh cho Đảng và dân tộc ảnh 1
Chân dung nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu. Ảnh: Tư liệu

Thời gian bị bắt, giam ở Sài Gòn (tháng 11/1940), trước mọi mánh khóe, thủ đoạn xảo quyệt, dã man tra tấn, vừa đe dọa vừa mua chuộc của kẻ thù, Phan Đăng Lưu vẫn nêu cao khí tiết cộng sản, bảo vệ tuyệt đối bí mật của Đảng. Những ngày trong xà lim, Phan Đăng Lưu vẫn tỏ rõ bản lĩnh, kiên cường, trí tuệ, lạc quan tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh quật khởi, nổi dậy làm cách mạng không gì ngăn cản được của Nhân dân và sự tất thắng của cách mạng. Phan Đăng Lưu nói với anh em rằng, Nhật sẽ hất cẳng Pháp, nhưng rồi Nhật sẽ ngã quỵ. Lúc đó là thời cơ tốt để Đảng lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành thắng lợi. Trước lúc qua đời, Phan Đăng Lưu không có điều gì phải hối hận, chỉ nghĩ rằng nếu còn sống nhất định sẽ tìm cách trở về với Tổ quốc, với Đảng để tiếp tục được phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân nhiều hơn nữa.

Nhận án tử, nhưng Phan Đăng Lưu vẫn tìm mọi cơ hội dù nhỏ nhất tổ chức anh em trong tù kiểm điểm rút kinh nghiệm về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Điều đó tỏ rõ một tinh thần cách mạng bất diệt còn sống còn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; còn kẻ thù xâm lược còn làm cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn; ở tù sẽ tìm cách vượt ngục về với Đảng, với dân để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Nhà tù Buôn Ma Thuột - nơi đồng chí Phan Đăng Lưu bị giam cầm. Ảnh: Tư liệu

Từ giữa năm 1940 khi các đồng chí Trung ương lần lượt rơi vào tay giặc, Phan Đăng Lưu một mình chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những mỏm đá ngầm trong phong ba bão táp. Đồng chí đã thể hiện tấm lòng trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với cách mạng, với Đảng. Trên cơ sở nắm vững quy luật của cách mạng, phân tích đầy đủ những điều kiện khách quan và chủ quan từ thực tiễn, tương quan so sánh lực lượng ta và địch, chịu trách nhiệm trước nhân dân và trọng trách về sự tồn vong của Đảng, Phan Đăng Lưu tỏ rõ nhân cách của một người lãnh đạo chủ chốt kiên quyết giữ vững nguyên tắc tổ chức Đảng, xin ý kiến, mệnh lệnh của Trung ương. Đồng thời phải bằng mọi cách, nhanh chóng tái lập được Ban Chấp hành Trung ương Đảng để có được sự lãnh đạo tập thể. Đặc biệt trong tình hình Nam Kỳ nói chung, Sài Gòn nói riêng hết sức khó khăn, phức tạp vì kẻ địch và bọn chỉ điểm chống phá, tư tưởng lệch lạc “tả” và “hữu” trong Đảng, Phan Đăng Lưu tỏ rõ bản lĩnh, sáng suốt, trách nhiệm với Đảng, với cách mạng, với dân. Ra Bắc họp với Xứ ủy Bắc Kỳ, hoàn thành chủ trì Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng xong, đồng chí tự nguyện trở vào Nam, nơi tuy rất hiểm nguy nhưng đó là nơi Xứ ủy Nam Kỳ từng ngày từng phút đang chờ mong đồng chí.

Phan Đăng Lưu - một cái tên như bao cái tên khác, nhưng - như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: đó là người cộng sản lỗi lạc, mẫu mực. Cần làm cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết rõ hơn về một con người, về một trí tuệ, một nhân cách đã có những đóng góp lớn cho cách mạng Việt Nam để phấn đấu tu dưỡng rèn luyện theo gương Bác Hồ và những chiến sỹ cách mạng tiền bối như Phan Đăng Lưu”. Phan Đăng Lưu tỏ rõ một nhân cách cộng sản sáng ngời, mẫu mực. Một con người, một nhân cách mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói là: “Vì nước, vì dân, một tấm lòng son nêu chính nghĩa/Yêu dân, yêu Đảng, nghìn năm sử sách khắc tim gan”.

GS.TS Bùi Đình Phong - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phan Đăng Lưu không phải là một kỷ niệm của quá khứ. Phan Đăng Lưu đang hiện hữu với chúng ta ngày hôm nay với biết bao giá trị lớn lao, xét đến cùng đó là những giá trị văn hóa, đạo đức. Phan Đăng Lưu hy sinh cách đây hơn 80 năm, ở tuổi chưa tròn 40, nhưng tấm gương đạo đức sáng ngời của nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam vẫn soi sáng hôm nay và mai sau. Đó là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Thực hiện chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết. Hết lòng, hết sức phụng sự cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Gương mẫu trong mọi công việc. Giữ nghiêm kỷ luật của Đảng với quyết tâm và tín tâm cao. Không tham địa vị quyền hành; tránh xa, không dính líu gì tới vòng danh lợi, tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân. Với Phan Đăng Lưu, danh dự là điều cao quý nhất. Không giấu giếm khuyết điểm, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, dám rút ra những bài học chưa thành công như khởi nghĩa Nam Kỳ để tiếp tục còn sống còn chiến đấu, còn hơi thở còn xây dựng Đảng. Làm việc không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc.

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và thế hệ trẻ hôm nay phải luôn luôn ghi nhớ, hiểu thấu, làm đúng, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức của đồng chí Phan Đăng Lưu.

Chúng ta phải tự soi, tự sửa, tự rèn, tự điều chỉnh, tự vượt lên chính mình, tu thân, chính tâm với tinh thần, thái độ tự giác, nuôi dưỡng khát vọng phát triển đất nước vì một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, của các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam và ước vọng của toàn dân tộc ta.