(Baonghean)- Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào
P.V: Nhân Hội nghị tổng kết thực hiện Kế hoạch tổng thể công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2015, đồng chí có thể cho biết một số nét nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ này?
Đồng chí Lê Xuân Đại: Nghệ An có 419 km đường biên giới quốc gia trên đất liền giáp nước bạn Lào, với dự án triển khai tôn tạo, tăng dày 116 cột mốc và 44 cọc dấu, nằm trên địa bàn của 6 huyện, 27 xã biên giới. Như vậy, Nghệ An là tỉnh có đường biên giới trên bộ giáp Lào dài nhất cả nước, nên việc khẳng định tính pháp lý về chủ quyền lãnh thổ 2 nước, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị trên nền tảng hợp tác cùng phát triển bền vững được Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Ngay từ đầu năm 2008, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập BCĐ cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào tỉnh Nghệ An theo đúng quy định của Bộ Ngoại giao, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Các thành viên BCĐ gồm đại diện các sở, ngành, đơn vị có liên quan, đại diện lãnh đạo các huyện có đường biên giới với Lào. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã thành lập nhóm chuyên viên giúp việc của cơ quan thường trực BCĐ gồm cán bộ các sở, ngành có liên quan như các Sở: Xây dựng, Tài chính, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Viện Quy hoạch kiến trúc xây dựng... do 1 đồng chí chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh làm trưởng nhóm.
Tháng 12/2008, tỉnh thành lập đội cắm mốc số 1 với biên chế là 18 người, tăng cường thành lập thêm Đội cắm mốc số 2 vào tháng 10/2010 do yêu cầu đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc. Hiện, Đội cắm mốc số 1 thực hiện nhiệm vụ trên tuyến Hủa Phăn (39 vị trí/39 mốc), Đội cắm mốc số 2 thực hiện nhiệm vụ trên tuyến Bô Ly Khăm Xay (39 vị trí/39 mốc).
Nói về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ tôn tạo, tăng dày mốc quốc giới, phải kể đến sự tham mưu tích cực, chủ động của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An trong việc ban hành quy chế, phân công giao nhiệm vụ cho các tổ giúp việc, đội cắm mốc cũng như trách nhiệm phối hợp của các sở, ban, ngành các cấp. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng kịp thời tham mưu, phối hợp với Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh tổ chức tập huấn, quán triệt cho các thành viên đội cắm mốc, Chỉ huy đồn biên phòng về phương pháp, cách thức tổ chức, bồi dưỡng kỹ năng trong công tác quản lý, bảo vệ, đảm bảo an toàn đường biên giới.
P.V: Nhìn lại chặng đường 2008 - 2015 thực hiện nhiệm vụ tôn tạo, tăng dày mốc quốc giới trên địa bàn tỉnh, kết quả mà chúng ta đạt được là gì thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Xuân Đại: Đến tháng 10/2015, trên toàn tuyến biên giới đất liền của tỉnh ta đã hoàn thành xây dựng xong 116 cột mốc và 44 cọc dấu. Tổ chức khánh thành cột mốc đại 460 cấp quốc gia tại Cửa khẩu Thanh Thủy tỉnh Nghệ An - Nậm On tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào); kết thúc, hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Hiện đang tiến hành sửa chữa cột mốc 359; 397 (3); 411 và xây kè bảo vệ mốc 402 (2).
Bên cạnh những kết quả cụ thể nói trên, chúng ta cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền vận động, hướng dẫn quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới tích cực phối hợp giúp đỡ các đội cắm mốc thực hiện nhiệm vụ; nâng cao hiểu biết của nhân dân về pháp luật, chỉ thị, nghị quyết, chủ trương liên quan đến nhiệm vụ giữ vững chủ quyền và bình yên trên tuyến biên giới. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị địa phương đã tổ chức được 5.216 buổi tuyên truyền/151.938 lượt người nghe.
Các đơn vị trong BĐBP tỉnh cũng đã ký kết các kế hoạch với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đài Phát thanh - Truyền hình; Báo Nghệ An; Báo Công an Nghệ An… mở các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc giới Việt - Lào. Nhờ đó, các hoạt động giao dịch, đi lại, thăm thân của nhân dân hai bên biên giới diễn ra ổn định, giữ vững an ninh trật tự, tăng cường tình hữu nghị đoàn kết, không để các phần tử xấu xúi giục, phá hoại.
Đạt được những kết quả trên là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, ban chỉ đạo và các cơ quan chuyên môn cũng như sự giao lưu, trao đổi thông tin kịp thời giữa 2 bên biên giới. Định kỳ hàng tháng, quý, năm tổ chức giao ban, trao đổi để nắm vững tình hình biên giới, từ đó có chỉ đạo và hành động cụ thể. Chế độ báo cáo thông tin, cơ yếu được quan tâm chỉ đạo sát sao, cách thức liên lạc giữa các đội cắm mốc với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, với Ban Chỉ đạo cắm mốc, Bộ Tư lệnh BĐBP và với Ủy ban biên giới quốc gia được thực hiện theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo.
P.V: Trong thời gian tới, tỉnh có kế hoạch, phương hướng hoạt động như thế nào để duy trì an ninh biên giới, giữ vững tình hữu nghị Việt - Lào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Xuân Đại: Trong thời gian tới, Nghệ An sẽ tiếp tục quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, chỉ thị, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP về nhiệm vụ công tác tôn tạo, tăng dày mốc giới Việt Nam - Lào. Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh sẽ cùng BĐBP tỉnh và các cơ quan chuyên môn tập trung chỉ đạo tu sửa các mốc bị hư hỏng, theo dõi đôn đốc, hướng dẫn hoạt động của 2 đội cắm mốc trên các tuyến biên giới.
Hội nghị tổng kết thực hiện Kế hoạch tổng thể công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2015 này là dịp để chúng ta nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài các nguyên nhân khách quan như địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, hạ tầng giao thông vùng biên giới chưa đồng bộ, gây khó khăn cho công tác khảo sát và cắm mốc, sự phối hợp giữa các bên cùng thực hiện nhiệm vụ có lúc chưa nhịp nhàng, chưa hình thành nề nếp. Số lượng hồ sơ và phê duyệt thiết kế kỹ thuật mốc, cung cấp mốc còn tồn đọng nhiều so với tổng số các vị trí mốc đã khảo sát, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công mốc theo kế hoạch.
Nghệ An xác định rõ, giữ vững an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ dân tộc và củng cố mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt - Lào là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đặc biệt trong bối cảnh Nghệ An hội nhập sâu rộng vào khối và vào cộng đồng quốc tế, cần phải quan tâm chú trọng đến công tác tôn tạo, phân giới, cắm mốc quốc giới, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, củng cố công tác đối ngoại, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế - xã hội phát triển.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thục Anh (Thực hiện)