(Baonghean) - Căng thẳng giữa Ukraine - Nga tiếp tục leo thang, đánh bom liên hoàn ở Thái Lan sau bản dự thảo hiến pháp mới được thông qua… Dường như, đây là những dấu hiệu dự báo về một cơn “giông tố” mới trên chính trường thế giới lại sắp bắt đầu.
Đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao
Trong bài phát biểu tại phiên họp Hội đồng liên chính phủ Á - Âu ngày 12/8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo, Nga có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine. Tuyên bố này đưa ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine tiến hành các vụ tấn công khủng bố ở Crimea hồi đầu tuần vừa rồi.
Những âm mưu tấn công ở Crimea, theo ông Medvedev, là hành động phá hoại chính trị, mang tính chất tội phạm và sẽ được điều tra để tiến hành các thủ tục pháp lý. Những người liên quan cùng những người đứng đằng sau hành động này cần phải chịu trách nhiệm. Mặc dù không thích đến phương án cắt đứt quan hệ ngoại giao nhưng nếu không có cách nào khác để thay đổi tình hình thì Nga có thể sẽ đưa ra quyết định như vậy. Tất nhiên, việc cắt đứt quan hệ với Ukraine chỉ là một phương án và chính quyền Nga chưa có quyết định chính thức nào về vấn đề này.
Tuyên bố của Thủ tướng Medvedev được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa 2 quốc gia về các vấn đề an ninh và sau khi Ukraina đặt quân đội ở dọc biên giới bán đảo Crimea vào tình trạng báo động. Đáp lại động thái của Ukraine, Nga cũng tuyên bố tiến hành một cuộc tập trận trên biển Đen.
Trước những diễn biến tại Nga - Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây đều bày tỏ quan ngại đồng thời kêu gọi cả 2 quốc gia kiềm chế, tránh các hành động làm leo thang căng thẳng. Trong ngày 12/8, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhằm hối thúc ông Poroshenko thực hiện nhiệm vụ của mình để tránh leo thang căng thẳng với Nga. Ông Biden cho biết, Mỹ sẽ làm kêu gọi Nga làm điều tương tự.
Đây cũng là tuyên bố của bà Federica Mogherini, người phụ trách chính sách an ninh đối ngoại của liên minh châu Âu. Bà Mogherini cho rằng, hòa bình là giải pháp duy nhất có thể cho cuộc xung đột hiện nay. EU sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và sẽ thảo luận những diễn biến mới trong cuộc họp vào ngày 17/8.
Nhiều dự báo về diễn biến xấu là xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã được đưa ra bởi đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã ra lệnh cho các lực lượng an ninh Ukraine sẵn sàng chiến tranh. Theo dự đoán của giới chuyên gia, Ukraine đưa quân đội tới mức sẵn sàng cho chiến tranh một cách toàn diện trong giai đoạn từ 20/8 tới 20/9. Tiếp đến, Ukraine có thể sẽ xem xét khả năng ban bố tình trạng chiến tranh tại những tỉnh giáp ranh từ Chernigiv tới Odessa, đồng thời kêu gọi Phương Tây gia tăng áp lực lên lãnh đạo Nga.
Bùng phát bạo lực ở Thái Lan
Ngày 7/8, đa số cử tri Thái Lan đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo hiến pháp mới do một ủy ban được quân đội bổ nhiệm soạn thảo. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Thái Lan Suphanchai Somcharoen cho biết, có 29.740.000 cử tri tương đương với tỷ lệ 59% đã đi bỏ phiếu trong đó có 61,35% người đồng ý với bản dự thảo hiến pháp mới còn 38,65% còn lại phản đối. Mặc dù còn rất nhiều ý kiến trái chiều về bản dự thảo hiến pháp này nhưng nhiều người vẫn hy vọng đây sẽ là bản dự thảo mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017, đảm bảo nền kinh tế Thái phát triển vững mạnh cũng như chấm dứt một thập kỷ bất ổn về chính trị.
Tuy nhiên, chưa đầy 3 ngày sau cuộc bỏ phiếu, ít nhất 11 vụ nổ bom đã xảy ra chỉ trong vòng 24 h đồng hồ, kể từ đêm 11/8 kéo sang ngày 12/8, khiến 4 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Các vụ tấn công đều nhắm vào các khu du lịch ở miền Nam đất nước. Bắt đầu từ lúc 22h30 ngày 11/8, 2 quả bom đã phát nổ ở Hua Hin - thành phố du lịch nổi tiếng của xứ sở Chùa vàng đồng thời cũng là nơi nghỉ dưỡng vào mùa hè của hoàng gia Thái. Gia đình hoàng gia Thái Lan có khả năng đến khu nghỉ mát vào tối ngày 11/8 nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của Nữ hoàng vào ngày 12/8.
Chỉ vài tiếng sau vụ đánh bom kép trên, hàng loạt các vụ tấn công khác đã diễn ra tại 4 tỉnh khác ở khu vực phía Nam Thái Lan gồm Phang Nga, Surat Thani, Trang và Phuket. Hiện tại chưa có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công ở Thái Lan.
Trong cuộc họp báo tại Bangkok sau loạt vụ tấn công, ông Piyapan Pingmuang, phát ngôn viên cảnh sát Thái Lan đảm bảo, “Đây không phải là một vụ tấn công khủng bố. Vụ tấn công chỉ nhằm phá hoại địa phương.” Theo đó, các vụ tấn công có khả năng do lực lượng người Hồi giáo cực đoan đòi ly khai ở phía Nam thực hiện nhằm trả thù chính trị kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014. Được biết, ở Thái Lan, những cuộc xung đột về thương mại hay chính trị thường được giải quyết bằng cách ném lựu đạn hoặc các vật liệu gây nổ.
Thủ tướng Prayuth Chan Ocha, ngay lập tức lên án các vụ đánh bom là nhằm "gieo rắc hỗn loạn" cũng như ra lệnh siết chặt an ninh tại các thành phố, các khu vực tập trung đông người, đặc biệt ở những địa điểm du lịch.
Tại Thái Lan, khu vực phía Nam gần biên giới Malaysia là nơi duy nhất thường bị đánh bom. Từ 10 năm nay, cuộc nổi dậy đòi ly khai của người Hồi giáo ở đây đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Các cuộc tấn công thường xuyên xảy ra, đặc biệt là nhằm vào quân đội - lực lượng đang kiểm soát khu vực này kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014. Tuy nhiên, cho đến nay, lực lượng đòi ly khai không nhận trách nhiệm về các vụ tấn công ở bên ngoài khu vực.
Nhiều chuyên gia chính trị cho rằng, các vụ đánh bom ở Thái Lan không có dấu ấn của lực lượng phiến quân mà những kẻ thực hiện các vụ đánh bom đang muốn kinh tế Thái Lan phải chịu nhiều tổn hại. Đó chính là gót chân Achilles của Chính phủ quân sự cầm quyền tại Thái Lan./.
Chu Thanh
(Theo Le Monde)