(Baonghean) - Với địa hình đồi núi là chủ yếu, ruộng đồng thấp trũng, phần lớn chỉ trồng lúa vào vụ Đông Xuân, nên bà con xã Thanh Tùng (Thanh Chương) đang nhân rộng mô hình nuôi dê sinh sản…

Việc nuôi dê ở đây đã có từ lâu, nhưng phát triển cầm chừng vì giá cả thấp. Trong những năm qua, dê thịt được giá, phong trào nuôi dê trở lại và phát triển rộng khắp với hơn 90% hộ dân toàn xã tham gia. 11 xóm, xóm nào cũng có người nuôi dê, nhiều nhất là xóm Tùng Tân, Yên Thành, Kim Long, Tân Phượng.., nhà nuôi ít thì từ một đến vài con, nhà nuôi nhiều thì hàng chục con. Kết hợp chăn thả vườn đồi và nuôi nhốt tại gia, nuôi nhốt là chủ yếu.

Ông Nguyễn Lâm Thân (xóm Thuần Trung, xã Thanh Tùng, Thanh Chương) chăm sóc đàn dê.
Ông Nguyễn Lâm Thân (xóm Thuần Trung, xã Thanh Tùng, Thanh Chương) chăm sóc đàn dê.

Theo bà con, nuôi dê ít vốn, xoay vòng nhanh, chuồng trại đơn giản, thức ăn dễ kiếm; nên ai cũng có thể nuôi được. Có những gia đình neo người, chỉ còn ông bà cao tuổi, vẫn tích cực mua dê để nuôi. Dê được nuôi ở các xóm chủ yếu là dê cỏ và dê lai. Dê cỏ mắn đẻ nhưng nhỏ con. Dê lai đẻ thưa nhưng trọng lượng lớn. Xóm Tùng Tân có 116 hộ thì gần như hộ nào cũng nuôi dê. Đến nhà nào cũng có chuồng dê được xây cất cẩn thận và chăm sóc chu đáo. Ông Nguyễn Văn Lâm – Xóm trưởng chia sẻ: Nuôi dê không khó nhưng phải biết cách chăm sóc, phải hiểu rõ tập tính, sở thích ăn uống của đàn dê để đáp ứng cho phù hợp. 

Hộ anh Bùi Văn Thắng (xóm Tùng Tân) có thâm niên nuôi dê hàng chục năm, bất chấp dê được giá hay rớt giá, trong chuồng trại nhà anh vẫn thường xuyên có dê, năm nhiều có khi hơn 20 con. Hiện tại, đàn dê của anh có 10 con, trong đó có 3 dê mẹ và 1 dê đực giống. Anh Thắng thực hiện chăn nuôi kết hợp nhiều thứ “con” như dê, bồ câu, lợn, gà ngan… Sau thời gian dài chăn nuôi, anh kết luận, nuôi dê và bồ câu, đem lại hiệu quả cao nhất, gấp mấy lần nuôi lợn và gà.

Hộ ông Nguyễn Lâm Thân (xóm Thuần Trung) nuôi dê nhiều nhất ở xã Thanh Tùng. Mặc dù chỉ mới nuôi trong vòng mấy năm nay, số lượng đã hơn 23 con, trong đó có 9 dê mẹ và 1 dê đực giống. Chuồng trại chăn nuôi ở đây, được xây dựng quy củ, cao ráo, có chuồng nhốt và sân chơi. Năm 2013, hộ ông được Sở Khoa học – Công nghệ giao nuôi 7 con dê theo chương trình phát triển mô hình nuôi dê sinh sản, đến nay số lượng dê không ngừng tăng lên. Bên cạnh nguồn thức ăn khô dự trữ như ngô, lúa, cỏ, rơm, gia đình ông còn trồng thêm 1 sào cỏ voi và hàng ngày đi lấy lá cây khắp nơi về cung cấp thức ăn tươi cho dê. Mỗi năm, dê mẹ sinh 2 lứa, mỗi lứa trung bình khoảng 2 con. Dê con sau 2- 3 tháng (tuỳ vào chăm sóc và khí hậu) nặng khoảng 15 kg là có thể xuất chuồng làm giống. Theo ông, mỗi năm trừ chi phí, đàn dê đem lại cho gia đình nguồn thu nhập trên dưới 55 triệu đồng.

Ở xã Thanh Tùng, trong chương trình phát triển kinh tế, mỗi tổ chức đoàn thể còn đảm nhận thêm những nhiệm vụ về nông nghiệp. Hội Nông dân phụ trách đàn trâu. Hội Phụ nữ phụ trách đàn lợn. Hội CCB phụ trách đàn dê… Năm 2014, với mô hình “nuôi dê sinh sản, nông thôn mới” chương trình hỗ trợ nuôi dê sinh sản của trên, đã cấp cho xã  16 con dê, phân phát cho 10 hộ gia đình có điều kiện chuồng trại và chăn nuôi tốt, tạo động lực, khích lệ cho các gia đình đẩy mạnh chăn nuôi dê.

 Ông Nguyễn Đình Huệ - Chủ tịch Hội CCB xã, cho biết: Sau một quá trình nuôi lợn, gà… với chi phí cao, nhiều dịch bệnh, giá cả bấp bênh, thu nhập thấp, những năm qua, bà con trong xã đã đẩy mạnh phong trào nuôi dê sinh sản và dê lấy thịt, thực sự góp phần đem lại cuộc sống ổn định cho nhiều gia đình vùng quê chiêm trũng này. Tuy nhiên, chưa có trang trại lớn, chỉ nuôi nhỏ lẻ ở các hộ gia đình, nhà nhiều nhất mới có vài chục con. Hiện tại số dê toàn xã cũng chỉ có gần 900 con. Dê thịt bán trên thị trường (dê sống cả con) là 150.000 đồng/ kg, giá cả tương đối ổn định; thịt dê chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường... là những điều kiện về đầu ra thuận lợi, để bà con tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh chăn nuôi dê theo hướng thâm canh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm tới, chắc chắn việc nuôi dê ở địa phương sẽ phát triển mạnh hơn nữa…

 Huy Thư