"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh..." - Chỉ nghe đôi câu đối này người ta đã hình dung ra ngay không khí đón Tết của người Việt, không hẳn vì nó luôn được nhắc đến trong những ngày đầu năm mới, mà chỉ những món ăn kia thôi đã gợi nhớ đến hương vị Tết cổ truyền.

Vì là “ăn Tết”

Những đứa trẻ với tất cả sự háo hức, mong ngóng, tíu tít bên bố mẹ xem chuẩn bị những món ăn, ngủ gật cả bên cạnh bếp củi để chờ bánh chưng chín... Dường như, những điều giản dị đó đã làm nên những cái Tết đầm ấm, hạnh phúc cho tuổi thơ biết bao thế hệ người Việt. Bởi thế, nhắc đến ngày Tết, người ta nghĩ ngay đến mâm cỗ. 

Hiếm thấy hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng trong cuộc sống hiện đại. Ảnh minh họa
Hiếm thấy hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng trong cuộc sống hiện đại. Ảnh minh họa

Cũng có lẽ vì thế mà người ta thường gọi là “ăn Tết” chứ không phải “chơi Tết” hay gì khác, những món ăn cổ truyền đã làm nên dư vị đặc biệt của ngày đầu năm, và mâm cỗ Tết cũng quan trọng hơn tất cả, bởi mâm cơm ấy là mâm cơm sum họp, mâm cơm đoàn viên...

Ngoài các công việc khác, chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên chiều ngày 30, giao thừa và sáng mồng 1 là công việc quan trọng nhất của mỗi gia đình. Cỗ tết truyền thống của người Việt trên khắp mọi miền đất nước đều có những món truyền thống như bánh chưng, gà luộc, xôi, giò chả... nhưng cũng có những nét khác biệt, thêm bớt các món, tùy vào tập quán, khí hậu của mỗi vùng miền.

Là người có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu và phục dựng thành công nhiều món ăn cổ truyền, chuyên gia ẩm thực Nguyễn Phương Hải chia sẻ: “Tùy từng nơi mà có cách tổ chức mâm cơm Tết khác nhau. Cũng tùy từng điều kiện mỗi gia đình, có thể chuẩn bị mâm cơm Tết theo kiểu 8 bát, 8 đĩa với nhà giàu hay 6 bát, 6 đĩa hoặc 6 đĩa 3 bát với những gia đình trung lưu hoặc ít có điều kiện. Với người Hà Nội, dù làm cỗ to, nhỏ thế nào thì mâm cơm cúng cũng không thể thiếu các món ăn cổ truyền như: hành muối, thịt đông, thịt gà, xôi gấc, giò lụa, chả quế, canh bóng, măng, miến nấu... Ngoài cơm cúng, còn có các món chè, bánh tự làm như: chè kho, chè con ong, mứt quất, mứt hồng bì... Mỗi món đều được chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu chọn thực phẩm từ vài tháng trước, đến cách chế biến tỉ mẩn, tinh tế, cầu kỳ, và trình bày theo kiểu “đủ lệ, đủ món” nhưng cũng hết sức tiết kiệm”.

Mâm cỗ có vị trí đặc biệt trong ngày Tết không chỉ vì truyền thống của người Việt từ xưa là muốn thể hiện sự no ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt, mà quanh mâm cơm ấy, ông bà, con cháu còn được xum vầy, nói những câu chuyện vui vẻ và dành tặng nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Mâm cỗ Tết mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp là vậy, nhưng cuộc sống hiện đại ngày nay lại đang khiến vai trò của nó dần phai nhạt, không chỉ bởi sự giản tiện các món ăn hơn xưa mà còn bởi tâm huyết của người chuẩn bị cũng “giản tiện” dần khi cái ăn, cái mặc đã đủ đầy.

Nói về mâm cỗ Tết ngày nay, bà Nguyễn Thị Kim, 70 tuổi phố Lò Sũ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, lắc đầu tiếc nuối: “Tết bây giờ khác xưa nhiều lắm, tôi nhớ khi còn nhỏ, không khí chuẩn bị Tết của nhà nào cũng rất rộn ràng, nhất là lúc cùng nhau chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên. Các món ăn ngày Tết, tuy vẫn có những thứ phải đi mua như: giò, chả, các nguyên liệu làm bánh, nhưng hầu hết các món còn lại đều do tự tay làm. Bây giờ thì khác xưa rất nhiều, thứ quan trọng nhất là bánh chưng thì người ta thường đi mua sẵn, không phải nhà nào cũng giữ được các món truyền thống trong mâm cỗ nữa. Ngay như gia đình tôi cũng vậy, mặc dù tôi cũng luôn cố gắng giữ mâm cỗ theo truyền thống nhưng theo thời gian cũng mai một đi dần. Nhiều gia đình trẻ còn đơn giản đến mức chỉ cúng xôi gà cho có lệ, xong rồi tổ chức họp mặt gia đình, bạn bè bằng nồi lẩu thế là xong”. 

“Có lẽ do thời xưa thiếu thốn nhiều, mọi người chờ đến Tết mới dám làm gà, mổ lợn, bao nhiêu món ngon để dành đến Tết, nên các món ăn trở nên quý hơn, mâm cơm Tết vì thế cũng được mong đợi hơn. Còn ngày nay, lúc nào cuộc sống cũng đủ đầy nên cỗ Tết đơn giản hơn. Chỉ cần ra quán là thứ gì cũng có, thậm chí người ta còn mang đến tận nhà.. Tuy vậy, tôi vẫn thích cách tổ chức mâm cơm Tết xưa, bởi không chỉ để thưởng thức, mà việc chuẩn bị mâm cơm sẽ làm cho ông, bà, con cháu thêm yêu thương nhau, hiểu được nhiều giá trị của cuộc sống”, bà Nguyễn Thị Tường, 65 tuổi, ở phố Hàng Cá, Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ.

Cũng bởi đủ đầy mà ngày nay, trẻ con lại “thiếu thốn” khi không còn được ngồi xem bố mẹ, ông bà gói bánh chưng và thấp thỏm chờ ít gạo còn thừa để tự tay gói chiếc bánh nhỏ cho mình, các cô thiếu nữ đã dần quên đi nữ công gia chánh, thậm chí không biết hết các món ăn truyền thống trong ngày Tết.

“Nhiều khi tôi giật mình khi nhìn lại mâm cỗ Tết ngày nay, sự khéo léo, vun vé, đảm đang của người phụ nữ đang dần biến mất, nhưng quan trọng hơn là nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp mỗi khi Tết đến, xuân về cũng đang dần mai một và bị cuốn theo nhịp sống hiện đại”, chuyên gia ẩm thực Nguyễn Phương Hải chia sẻ.

Theo Tin tức

TIN LIÊN QUAN