(Baonghean) - Mang trong mình nhiều bệnh hiểm nghèo: u bẩm sinh ở hậu môn, khe hở cột sống gây thoát vị màng não tủy, bàng quang trướng, hằng ngày em Nguyễn Thị Hiền ở đội 1, thôn Hòa Hợp, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương phải chống chọi với những cơn đau vật vã... Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ ốm yếu nên đành chấp nhận để con chống chọi với những cơn đau. May mắn thay, nhờ những thông tin qua mạng internet, biết được hoàn cảnh của Hiền, Hội đồng hương Thanh Chương đã quyên góp, hỗ trợ Hiền kinh phí ra Hà Nội chữa bệnh… Hy vọng sống của Hiền được nhen nhóm…
 
images1155359_3.jpgEm Nguyễn Thị Hiền và bố mẹ.
 
Bệnh thoát vị màng não tủy đã khiến chân phải của Hiền bị teo, xương sống cong vẹo. Còn căn bênh u hậu môn làm cho bàng quang trướng nên việc vệ sinh của em rất khó khăn. Chị Hoàng Thị Minh (mẹ của Hiền) ngày đêm túc trực bên con gái, khóc cạn cả nước mắt. Chị cho biết: “Hai mẹ con vào viện từ ngày 31/3, các bác sĩ ở bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An sau khi thăm khám đã trao đổi với tôi là phải chuyển cháu ra bệnh viện  Hà Nội phẫu thuật, mới hy vọng sẽ cứu sống được cháu. Nhưng hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, không có tiền, tôi không biết phải làm sao để đưa cháu đi Hà Nội chữa trị được”.
 
Chị Minh bị hỏng một mắt nên việc chăm sóc Hiền cũng rất vất vả. Anh Nguyễn Đình Kỳ (bố Hiền) mắc bệnh phổi, mỗi lúc trái gió trở trời là lên cơn ho, khó thở. Sức khỏe yếu nên anh Kỳ chẳng làm được việc nặng. Nhà chỉ có 4 sào ruộng khoán, 2 con bò nhỏ mới mua từ vốn vay xóa đói giảm nghèo cũng đã bán mất 1 con để đưa Hiền đi viện. Không có tiền, người mẹ không dám ăn uống, chỉ nhờ những bữa cơm cháo từ thiện, hoặc sự sẻ chia của những người cùng phòng bệnh.
 
Đau ốm, lại không bồi dưỡng đầy đủ Hiền ngày càng gầy yếu, xanh xao. 7 tuổi em chỉ nặng 14 kg, nằm viện 2 tuần nay sụt xuống còn 9 kg. Ở viện chỉ có 2 mẹ con, mỗi lúc tiêm thuốc, hay cơn đau đến, mẹ lại cõng, bồng em đi khắp hành lang để dỗ dành, mong cơn đau của em dịu bớt. Dáng người mẹ tần tảo, gầy yếu cõng đứa con đi liêu xiêu khiến ai nhìn thấy cũng thương xót. Những người nhà bệnh nhân cùng phòng với Hiền cho biết, mỗi lần hết cơn đau, bé Hiền lại lấy sách vở ra học. Bé học bài say sưa lắm... 
 
Ở tuổi 23, sau một thời gian dài đi giúp việc, chị Minh theo chồng về Võ Liệt làm dâu. Nhà chồng nghèo khó lại neo người, hai vợ chồng bảo nhau chăm chỉ trồng lúa trồng khoai. Nhưng cuộc đời chẳng dành cho vợ chồng chị chút may mắn nào cả. 8 bận sinh chỉ nuôi được 4 đứa. Người con trai cả năm nay 32 tuổi mà vẫn khờ dại, không biết đường làm ăn nên cũng chẳng dám lập gia đình riêng. Người con trai thứ hai mới mất năm ngoái vì tai nạn giao thông. Cô con gái thứ 3 hiện đang học lớp 5. Hiền là con út.
 
Từ khi sinh ra, em đã có một khối u ở đốt sống cuối. Vất vả chạy ăn từng bữa, anh chị chẳng có tiền để đưa con đi kiểm tra sức khỏe. Đến lúc khối u to ra, Hiền không thể đi vệ sinh được, những cơn đau kéo đến dữ dội, vợ chồng chị mới hốt hoảng đưa con đến bệnh viện. Nghe bác sỹ bảo cháu phải phẫu thuật, nước mắt chị giàn dụa, vừa thương con vừa tủi phận. Biết lấy tiền đâu để chữa bệnh cho con? Câu hỏi ấy xoắn lấy tâm trí chị.
 
Mỗi khi con lên cơn đau, người mẹ như đứt từng khúc ruột. Những nơi vay mượn được chị cũng đã vay rồi. Chị chạy đến van xin bác sỹ hãy nghĩ cách cứu con gái mình, rồi quay về ôm chặt lấy con gái. Trong lúc chị Minh đang ở viện chăm sóc con gái út, anh Kỳ ở nhà cũng như ngồi trên đống lửa. Anh mắc bệnh phổi, sức khỏe yếu nên chẳng ai thuê mướn. Nhìn thấy hoàn cảnh đáng thương của 2 mẹ con, mỗi người góp một ít thăm cháu. Rồi họ đưa thông tin lên mạng internet, kêu gọi mọi người ủng hộ. Hội đồng hương huyện Thanh Chương đã nhận lời giúp đỡ toàn bộ số tiền phẫu thuật cho em Hiền. Niềm hy vọng sống đến với cô con gái bé nhỏ thật bất ngờ khiến chị Minh không cầm nổi nước mắt. 
 
Ngôi nhà xập xệ của bố mẹ Hiền.
 
Nhân chuyến về Thanh Chương, chúng tôi tìm đến nhà anh Kỳ chị Minh. Căn nhà xiêu vẹo, trống hoác. Bà con xóm giềng biết tin mẹ con Hiền về làm thủ tục chuyển ra bệnh viện tuyến Trung ương đều đến thăm hỏi. Ai nấy đều vui mừng và cầu chúc cho Hiền gặp may mắn.
 
Chị Minh nghẹn ngào: “May có sự giúp đỡ của những người hảo tâm, con gái tôi mới có điều kiện ra Hà Nội khám chữa. Hai bữa nay về nhà, không có thuốc giảm đau nên cháu không ngủ được. Tôi chẳng ước gì hơn chỉ mong con gái sớm khỏi bệnh”. Nói rồi, chị đưa mắt sang nhìn tấm gỗ kê tạm nơi góc nhà làm bàn thờ còn nghi ngút khói nhang và khóc. Dường như nỗi đau mất con chưa nguôi ngoai, nay lại thêm đứa con út đang ngày đêm đấu tranh giành lại sự sống khiến lòng chị như xát muối... 
 
Còn anh Kỳ ôm lấy cô con gái nhỏ bé lâu ngày được về nhà. Anh rót nước mời chúng tôi rồi ngồi thừ. Nỗi đau của người cha anh đành chôn chặt trong lòng. Như hiểu được nỗi lòng bố mẹ nên chẳng mấy khi Hiền kêu khóc vì đau đớn. Mỗi lúc không chịu được cơn đau, Hiền thường nói mẹ gọi bác sỹ. Nhưng rồi cơn đau dịu lại em nằng nặc đòi về nhà để đi học.
 
Chị Minh bảo: “Có lần Hiền ngồi chờ mẹ ở hành lang bệnh viện, thấy con khóc, tôi hốt hoảng gọi bác sỹ nhưng em xua tay và mếu máo nói, không phải con khóc vì đau mà con thương mẹ. Con biết nhà ta không có tiền chứ có phải vì con sợ tiêm mà đòi về mô”. Hai hôm nay về nhà, em lại tranh thủ học bài. Những tờ giấy khen của hai chị em Hiền là món “tài sản” quý giá nhất trong ngôi nhà dột nát. 
 
Chúng tôi ra về khi mặt trời vừa đứng bóng. Những tia nắng xuyên qua tấm phên dọi thẳng vào nhà. Hiền vẫn say sưa xem lại bài vở. Vợ chồng chị Minh đang gói ghém mấy bộ quần áo cũ cho vào cái túi bóng để chuẩn bị đưa Hiền đi Hà Nội. Niềm hạnh phúc xen lẫn buồn tủi hiện lên trên khuôn mặt già nua khắc khổ. Không chỉ có bố mẹ Hiền mà chúng tôi cũng chợt thấy ấm lòng khi giữa những bon chen, xô bồ của cuộc sống vẫn có  những tấm lòng vàng. Họ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, quyên góp ủng hộ để cứu giúp những hoàn cảnh éo le, mở ra một niềm hy vọng sống mà bấy lâu họ chưa từng dám nghĩ tới. 
 
Nguyễn Lê