(Baonghean) - Những ngày đầu năm 2014, chúng tôi lại có dịp trở lại bản Cao Vều - một trong những vùng sâu, vùng xa, biên giới của huyện Anh Sơn, được tận mắt chứng kiến những giáo viên miệt mài bám bản “gieo mầm” những ước mơ cho học sinh vùng cao mới thấm thía nỗi nhọc nhằn, cơ cực của họ.

Con đường gập ghềnh  đưa chúng tôi đến với bản Cao Vều. Đây là một trong những bản vùng biên đặc biệt khó khăn của huyện miền núi này. Bản Vều lớn có 358 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, trong đó có hơn một nửa số hộ thuộc diện nghèo. Chính vì lẽ đó, việc học hành của học sinh nơi đây cũng khó khăn không kém. Để đến được lớp, nhiều học sinh phải đi bộ từ 7 đến 8 cây số, nếu học cả ngày thì các em còn phải mang theo cơm đến lớp.
 
images907265_20131231_093226__1_.jpgMột lớp học ở bản Cao Vều.
 
Bằng lòng nhiệt huyết của mình, những thầy, cô giáo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thiệt thòi, hàng tháng lại chia nhau đến từng thôn, từng bản để vận động học sinh đến lớp. Sau nhiều năm cắm bản gieo chữ, giờ đây những người thầy, người cô như đã trở thành người dân bản địa thực thụ, họ thuộc làu từng con đường, từng nóc nhà của những bản làng. Sự học ở vùng biên đã có nhiều đổi thay khi các Chương trình 134, 135 của Chính phủ đến được với vùng cao, trường lớp đã được kiên cố hóa, đường sá đi lại thuận lợi hơn…
 
Tuy nhiên, cuộc sống ở vùng biên vẫn còn đó những khó khăn, gian khổ. Đời sống giáo viên vẫn “thừa sự thiếu thốn, thiếu sự đủ đầy”, nhiều giáo viên hợp đồng còn hưởng mức lương thấp. Với đồng lương ít ỏi đó lo cho bản thân đã khó chứ nói gì đến lo cho gia đình, con cái... Nhưng tình yêu nghề, niềm vui được truyền con chữ cho những đứa trẻ nơi đây đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho họ. Thầy Nguyễn Cảnh Thành, đã 14 năm bám bản cho biết:  “Là giáo viên hợp đồng, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng tình yêu nghề tôi vẫn cố gắng bám trường bám lớp…”.
 
Trường Tiểu học, THCS Cao Vều có 168 học sinh, trong đó có 103 học sinh tiểu học và 65 học sinh  THCS. Mặc dù đã được sáp nhập từ nhiều năm trước nhưng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở cao Vều vẫn nằm ở hai địa điểm khác nhau, cơ sở vật chất còn yếu và thiếu thốn, tạm bợ, đến cả một phòng chờ của giáo viên vẫn còn chưa có, các phòng chức năng như thư viện, phòng thí nghiệm thực hành đều thiếu. Nhiều phòng học bị xuống cấp nghiêm trọng. Có thể nói để chăm lo sự học vùng biên cần hơn nữa sự quan tâm chăm lo của toàn xã hội. Thầy Nguyễn Thượng Hiền - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, mong các cấp, các ngành quan tâm giúp đỡ để cuộc sống cũng như việc học hành của giáo viên và học sinh đỡ vất vả hơn…”.
 
Chia tay các thầy, cô giáo Trường Tiểu học – THCS Cao Vều, những người ngày đêm miệt mài bám bản, bám làng, chúng tôi càng thấy quý hơn tấm lòng của những nhà giáo nơi đây. Bởi dù khó khăn, vất vả đến đâu họ vẫn cần mẫn, miệt mài ươm mầm ước mơ cho những trẻ nghèo vùng biên.
 
Huyền Trang (Đài Anh Sơn)