(Baonghean) -Xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương) nằm ở độ cao độ 1500 m so với mực nước biển. Đây là xã vùng sâu biên giới, quanh năm sương mù bao phủ. Không điện, không đường, không có thông tin liên lạc... thế nhưng những chàng trai, cô gái miền xuôi vẫn lặn lội vượt đèo cao, suối sâu, nhọc nhằn “cõng” con chữ đến với trẻ con miền sơn cước. Bằng niềm tin, lòng yêu nghề, họ đã biến nơi sơn cùng thủy tận này thành “điểm hẹn tình yêu”.
Gian nan điểm trường
Chúng tôi theo thuyền khách lên Nhôn Mai theo lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Từng cơn gió mang theo cái rét miền sơn cước hút qua từng sườn núi, phả vào khiến chúng tôi tê buốt, co ro. Bốn bên núi dựng im lìm, những mái nhà sàn lợp lá tuyềnh toàng, xập xệ nằm khúm rúm ven hồ. Nghe nói, chủ nhân của nó là những hộ đã chuyển về khu tái định cư ở Thanh Chương, nay trở về đây làm ăn sinh sống.
Những ngày cuối năm, thuyền bè đi lại trên hồ nhộn nhịp hơn, khách trên thuyền cũng nhiều hơn. Những chiếc thuyền chở lương thực, thực phẩm đang ngược xuôi đưa Tết đến với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Sau hơn 3 giờ đồng hồ, thuyền cập bến Nhôn Mai khi ánh chiều đã trải rộng. Trường THCS Nhôn Mai nằm hướng mặt ra bến đò. Dãy nhà cấp bốn đơn sơ, nép mình dưới những bóng cây cổ thụ. Các đoàn cán bộ của tỉnh, huyện lên công tác ở Nhôn Mai, trước khi vào bản thường nghỉ chân tại trường. Vì lẽ đó mà người ta ví ngôi trường này là “trạm trung chuyển” khách dưới xuôi lên. Và chúng tôi cũng không ngoại lệ. Mặc dù điều kiện ăn ở và công tác còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng trên mỗi gương mặt thầy cô đều toát lên niềm lạc quan, vui vẻ.
Giáo viên Trường Tiểu học Nhôn Mai vật lộn với con đường để đến trường
Sau bữa cơm đầm ấm, thân tình, mọi người quay quần bên bếp lửa. Bóng đêm trên núi cao thường xuất hiện sớm hơn, đặc quánh. Không điện, không trăng, chỉ có tiếng suối chảy róc rách, tiếng côn trùng rỉ rả, một không gian dễ khiến con người ta gợi chuyện.
Xoa xoa đôi bàn tay hơ lửa, thầy giáo Lê Văn Tú mở đầu câu chuyện về kỷ niệm lần đầu đặt chân đến vùng đất này. Quê thầy ở Anh Sơn, cũng như bao sinh viên sư phạm mới ra trường, hăng hái đi đến bất cứ nơi đâu, miễn là được thỏa đam mê, được đứng trên bục giảng, thầy về với Nhôn Mai làm bạn cùng phấn trắng, bảng đen. “Ngày tui mới về đây, trường còn lợp lá, tuyềnh toàng, rách nát, nhìn mà ái ngại vô cùng”. Những ngày đầu đứng lớp, nhìn những đứa đứa trẻ lem luốc, quần áo tả tơi đang đánh vật với từng con chữ, lòng thầy quặn thắt. Rồi những ý nghĩ buồn tủi, chán chường đều tan biến, thay vào đó là tình thương, là nỗi niềm đau đáu làm thế nào để những đứa trẻ này trưởng thành, lĩnh hội được tri thức, để cái đói, cái nghèo không bám theo cuộc đời chúng như đã từng bám riết lấy bố mẹ chúng. Thấm thoắt đã hơn 10 năm, bao nhiêu con dốc, con suối đều in đậm bước chân thầy. Và cũng từng ấy năm, thầy phải xa dòng sông Lam yêu dấu, xa xóm làng, quê hương.
Niềm xúc động chợt ùa về, giọng thầy nghẹn lại. Cô Lô Thị Lịch ngồi bên cạnh tiếp lời: “Ở đây giá thực phẩm đắt đỏ lắm, thậm chí không có mà mua. Thầy cô suốt ngày “làm bạn” với bầu, bí, cá khô, vừng lạc. Các loại thực phẩm tươi phải nhờ người nhà mua từ Thị trấn Hòa Bình gửi lên, nhanh thì sáng gửi, chiều nhận được. Còn thầy cô ở các điểm trường thì cách vài ba ngày sau mới ra lấy được, thức ăn đã có mùi”. Vào mùa mưa lũ, đường sá bị sạt lở không đi lại được, thức ăn dự trữ đã hết, thầy cô giáo phải nướng ớt cay để làm chẻo, hoặc nước mắm chan cơm cho qua bữa.
Cái lạnh càng về khuya càng trở nên buốt giá. Đêm nơi biên giới này dường như dài hơn, sâu hơn. Hình ảnh bếp lửa hồng rực sáng sưởi ấm những đôi bàn tay buốt giá đã theo tôi vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi tiếp tục men theo sườn núi đến với Trường Tiểu học Nhôn Mai cách đó khoảng 10 cây số. Trường Tiểu học Nhôn Mai nằm ở bản Na Hỷ, nơi đây tệ nạn ma túy đang rất phức tạp. Những con nghiện lúc nào cũng rình rập để lấy trộm bất cứ thứ gì. Trường có 35 lớp, trong đó 12 lớp ghép, gồm 10 điểm trường: Huồi Măn, Huồi Cọ, Thăm Thẩm, Xói Voi, Na Lật, Na Hỷ, Nhôn Mai, Piêng Òi, Piêng Luống, Phá Mựt. Các điểm trường nằm cách xa nhau, việc đi lại khó khăn nên Ban Giám hiệu nhà trường đã phân chia hai điểm trường thành một tổ chuyên môn. Mỗi tổ có một đảng viên và một giáo viên có năng lực làm cốt cán, kết hợp với giáo viên bản địa thường xuyên sinh hoạt chuyên môn, đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Sau bữa cơm trưa ở Huồi Cọ, thầy Tuấn cùng với một số thầy, cô giáo dẫn chúng tôi vào điểm trường Na Lật. Ngôi trường nằm trên một con dốc, bên cạnh dòng suối. Gọi là trường học nhưng nơi đây chỉ có hai dãy nhà thấp bé với 3 lớp, một lớp khối 1, một lớp ghép khối 2, 3 và một lớp ghép khối 4, 5. Ba giáo viên phụ trách điểm trường này là Phan Thị Nương, Vi Thị Thúy, La Thị Quyên, tuổi đời còn rất trẻ, tình nguyện vào “cắm bản”, nhọc nhằn gieo trồng con chữ. Họ vừa dạy chữ vừa phục vụ cơm nước cho học sinh bán trú. Mỗi lúc ốm đau, họ phải vào rừng tìm lá thuốc về sắc. Đêm xuống, núi rừng thanh vắng, không có điện thắp sáng, không có sóng điện thoại, 3 “phận nữ nhi” chỉ biết cài then cửa cho thật chặt rồi nói chuyện với nhau để vơi đi nỗi buồn, nỗi lo sợ mơ hồ.
Điểm trường Xói Voi nằm giữa một thung lũng. Cổng trường Xói Voi là một con dốc nhỏ, dựng ngược. Những cái rãnh nước lâu ngày xói sâu vào đất như những đường ray. Ngồi bên bếp lửa mà những cơn gió vẫn luồn qua khe cửa thổi rào rạt. Cô giáo Vi Thị Xoa cho biết: “Nước nôi sinh hoạt của thầy trò nơi đây đều phụ thuộc vào con suối sau trường”. Còn nhiều thiếu thốn, nhưng cuộc sống của những giáo viên vùng cao luôn ấm áp tình người.
Xã Nhôn Mai có 12 bản gồm 3 dân tộc cùng chung sống: Thái, Khơ mú, Mông. Mỗi dân tộc có một phong tục tập quán riêng, thứ ngôn ngữ riêng nên nhiều cô giáo mầm non dưới xuôi mới lên dạy chỉ biết nhìn trò mà khóc. Cô nói trò không nghe, trò nói cô không hiểu. Cô, trò nhìn nhau ngơ ngác, tò mò rồi mếu máo.
Thể dục giữa giờ của học sinh Nhôn Mai
Điểm hẹn tình yêu
Vượt lên mọi khó khăn, vất vả, bằng tình yêu nghề, yêu trẻ, các thầy cô giáo tại các điểm trường vùng sâu Nhôn Mai đã nỗ lực học tiếng của dân bản, giao lưu văn hóa, văn nghệ để hiểu hơn phong tục tập quán. Gần 20 năm gắn bó với mảnh đất Nhôn Mai, thầy Trần Đức Quỳ - Hiệu phó Trường Tiểu học Nhôn Mai không chỉ thông thạo tiếng Thái mà còn nói được tiếng Khơ mú, Mông và bén duyên cùng với một sơn nữ người Thái. Ở nơi sơn cùng thủy tận này, giá trị của tình thương, tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ giữa con người với con người càng trở nên lung linh. Ngôi trường này là nơi bắt đầu và vun đắp tình yêu của biết bao cặp vợ chồng như thầy Nguyễn Đức Sơn (ở xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương) và cô giáo Moong Thùy Dương (Con Cuông), thầy Lê Văn Tú (ở Anh Sơn) và cô Cao Thị Thu Hòa (Lam Sơn, Đô Lương)... Họ chia sẻ với nhau những chuyện buồn vui thường ngày, cùng quây quần bên bếp lửa, chia nhau từng bát cơm, củ sắn… Để rồi từ đồng nghiệp, họ trở thành người yêu của nhau và xây dựng tổ ấm gia đình ngay trên vùng đất gian khó này. Cô Dương tâm sự: “Mới đầu lên đây buồn lắm, không có sóng điện thoại nên liên lạc với gia đình, bạn bè rất khó. Thông cảm, thấu hiểu nỗi niềm của nhau nên chúng tôi đã trở thành một nửa của nhau”. Đứa con trai 17 tháng tuổi đang bi bô tập nói là nguồn động viên vô giá của hai vợ chồng. Bé cũng là niềm vui chung của những người giáo viên nơi đây để họ vơi đi nỗi vất vả, nhọc nhằn, cũng như niềm mong nhớ quê nhà...
Đây cũng là điểm hẹn tình yêu của thầy Bùi Văn Phương và cô Phạm Thị Thu Phương, thầy Vi Văn Cương và cô Lô Thị Mơ. Họ yêu nhau khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Vượt bao đèo cao, vực thẳm, họ đến với Nhôn Mai với tình yêu đích thực. Nối tiếp cô Mơ, thầy Cường, thầy Đức… thầy Bằng, cô Nương, thầy Thanh là những giáo viên trẻ của Trường Tiểu học Nhôn Mai cũng đang ấp ủ tình yêu của mình nơi miền biên giới này. Sau những giờ vất vả chăm lo cho học trò, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, họ lại lặn lội đến thăm nhau, động viên nhau vượt qua gian khó.
Phần lớn các thầy giáo, cô giáo đều chung cảnh xa nhà, vài ba tháng mới về thăm vợ, thăm chồng, thăm con được một lần. Không được sớm hôm cùng nhau gánh vác việc gia đình, thông tin liên lạc cũng rất ít, tình cảm vợ chồng của những giáo viên vùng cao này chỉ có thể được vun đắp bằng niềm tin tưởng, lạc quan và sự cảm thông. Muốn gọi điện thoại hỏi thăm gia đình, các thầy cô ở đây phải vượt đèo dốc hơn 3 cây số mới đến điểm có sóng điện thoại. Đây là điểm sóng “rớt” từ bên Kỳ Sơn sang nên sóng rất kém, phải mở loa ngoài ra mới nghe rõ được. Ba bốn người đứng chen lưng vào nhau chờ điện thoại dò sóng. Nhà nào có chuyện vui, chuyện buồn gì là cả trường đều biết. Vì thế, họ thường “tếu” nhau cảnh đi gọi điện thoại là “một bức thư nhà cả đơn vị đọc chung”. Những cánh sóng “rớt” hiếm hoi, yếu ớt lại trở thành điểm hẹn tình yêu, nơi những người thân lâu ngày không gặp hỏi thăm nhau, nơi để vợ chồng thể hiện nỗi lòng thổn thức, và là nơi để những đứa trẻ nơi quê nhà nghe được giọng nói của bố, của mẹ. Họ hỏi thăm tình hình sức khỏe, an ủi, động viên nhau và cùng nhau hứa hẹn ngày về. Những câu chuyện tưởng chừng như đã quá quen thuộc nhưng giữa trời đêm nơi núi rừng trùng điệp này tôi nghe mà xốn xang. Tôi đứng lặng để cảm nhận tình người, tình đời đang ùa về dào dạt. Và trong muôn vàn thứ chuyện, tôi nghe được cả chuyện mua sắm chuẩn bị đón Tết của những thầy cô giáo vùng cao.
Cái Tết đang về. Những cành đào ở Huồi Cọ, Thăm Thẩm đã khoe sắc thắm. Mùa Xuân đã đến với bản làng. Nghe đâu đó tiếng mầm non đang cựa mình tỉnh giấc. Và đâu đó nỗi lòng thổn thức, hồi hộp, đợi chờ ngày trở về quây quần đoàn tụ với gia đình của những người gieo chữ trên non cao.