(Baonghean) - Giếng làng Trung Hậu xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu được Tiến sỹ Thái Doãn Nguyên xây dựng từ giữa thế kỷ XVIII, khi ông đến đây khai ấp lập làng. Trải qua gần 300 năm, giếng chưa bao giờ cạn, luôn là một mỏ nước ngọt mát của làng. Trước đây, giếng làng được sử dụng để ăn uống, được bà con dùng để nấu rượu, làm bún bánh ngon nổi tiếng một vùng. Với quan niệm là nguồn nước được vị Thành Hoàng làng ban phát nên mỗi dịp Tết đến, bà con lấy nước giếng để lau rửa đồ thờ cúng với mong muốn tổ tiên che chở, làm ăn phát đạt. Qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, thành giếng bị đổ sập, lòng giếng bị bồi lấp. Tuy vậy, hình ảnh giếng làng gắn bó với thế hệ cha ông cùng không gian văn hóa của nó mãi mãi vẫn còn in đậm trong tâm trí, trong ký ức của lớp người cao tuổi xã Diễn Hoa. 

Với mong muốn giữ lại được di tích của vị Thành Hoàng làng, ông Nguyễn Trọng Bảng, một cán bộ về hưu đã đứng ra vận động con cháu trong gia đình, bà con làng xóm, con cháu xa quê ủng hộ trùng tu, tôn tạo lại giếng làng. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã quyên góp được 50 triệu đồng, bà con đã bỏ gần 100 ngày công san lấp mặt bằng, xây lại khuôn viên, nạo vét lại lòng giếng, trồng lại gốc đa xưa. Từ ngày hoàn thành, bà con không chỉ đến đây lấy nước mà giếng làng còn là nơi các cụ già thường ngồi chơi, ngắm cảnh, hóng mát, trò chuyện với nhau về mùa màng, đình đám và cả chuyện nhân tình thế thái gần xa. Còn trẻ nhỏ, chiều mát rủ nhau ra chơi đùa, chạy nhảy, đánh cù, đánh đáo, thả diều quanh giếng làng… Ông Nguyễn Trọng Bảng tâm sự: Nguồn nước này đã nuôi sống bao đời cha ông mà không bao giờ cạn, không chỉ cho nhân dân làng Trung Hậu mà tất cả các làng, xã lân cận. Việc làm của mình cũng là nghĩa cử để gìn giữ nếp làng cho muôn đời sau.

Giếng làng Trung Hậu, xã Diễn Hoa (Diễn Châu).
Giếng làng Trung Hậu, xã Diễn Hoa (Diễn Châu).

Tại xã Diễn Bích, trong khi hầu hết giếng khoan, giếng đào của bà con nhân dân trong xóm đều bị nhiễm mặn và đục vàng thì giếng làng Đền nước vẫn trong mát. Không ai giải thích được sự đặc biệt này nhưng bà con làng biển luôn quan niệm đó là sự chở che, ban lộc của của vị thần làng. Không chỉ phục vụ nước cho bà con trong làng mà hầu hết ngư dân đều đến đây lấy nước để vừa sử dụng và cũng là lấy may mắn cho cả chuyến biển.  Bà Vũ Thị Yên, một người dân cho biết: Giếng đây sạch sẽ lắm, nước trong như nước suối không khi nào đục đâu. Dân cứ đến đây múc ăn, tàu bè đến đây múc nước để đi biển ăn cả. Chúng tôi ở gần giếng thì luôn bảo vệ, giữ gìn vệ sinh để bà con có nguồn nước sạch để dùng.

Hay tại xã Diễn Quảng vẫn còn giếng làng được đào từ năm 1266 do bà Hồng Thị Châu Nương, vợ của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải xây dựng khi bà theo chồng vào Nghệ An để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông. Tại đây, bà đã chiêu dân lập ấp, mở một trang trại lớn gọi là Giang Lâm (gồm xã Hạnh Lâm và Đào Viên cũ) tức đất của xã Diễn Quảng, Diễn Hạnh và Diễn Hoa hiện nay. Công việc đầu tiên khi đến khai ấp lập làng của Bà là huy động nhân dân đào một chiếc giếng to, đầy ắp nước để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Tại Giang Lâm, bà đã dạy cho dân cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, trồng bông, dệt vải… Sau khi công chúa Hồng Thị Châu Nương qua đời, dân làng đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của bà. Cũng nhờ nước giếng này mà bà con Diễn Quảng phát triển nghề làm bún nổi tiếng nhất vùng. Giếng vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay. 

Theo quan niệm của người xưa, giếng làng là nguồn sống của cả làng vì vậy mà mỗi xã ở Diễn Châu đều có từ 5 - 7 giếng, tuổi thọ lên đến hàng trăm năm tuổi. Xưa các cụ đào giếng phải tính toán rất cẩn trọng, xem địa lý, phong thủy nơi đặt giếng, chú ý đến mạch nước ngầm nên hầu hết các giếng đều có nguồn nước dồi dào quanh năm trong mát, ngọt ngào, không đục, không mặn. 

Trải qua thăng trầm thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, nước máy đã về khắp mọi nơi kể cả nông thôn. Nhưng trong tâm thức người Diễn Châu, giếng làng có giá trị văn hóa vô cùng sâu sắc. Bởi thế ở nhiều làng quê, giếng làng vẫn được bà con nhân dân giữ gìn sạch sẽ, đồng thời huy động xã hội hóa, đóng góp tiền của, công lao động trùng tu, bảo tồn cẩn thận. Nhiều giếng làng thường ở vị trí bên gốc đa, bên đình, chùa, góp phần làm nên một không gian văn hóa có sức hấp dẫn đặc biệt đối với mọi thế hệ của làng. Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng ở xã Diễn Hoa cho biết: Cây đa, giếng nước, sân đình là nằm trong văn hóa làng, con cháu dù đi xa hay ở lại bao giờ người ta cũng nhớ đến. Vậy nên ngày xưa làng nào cũng có giếng, như xã Diễn Hoa này có giếng Thùng, giếng Chùa, giếng Con, giếng Quan, giếng Phủ. Giếng làng không đơn thuần chỉ để lấy nước mà ở đây còn chứng kiến nhiều kỷ niệm và thăng trầm của mỗi người dân làng, làm nên sự gắn kết cộng đồng từ đời này sang đời khác của bà con nơi đây...

Hiện nay, toàn huyện Diễn Châu có 85 giếng làng cổ. Với mục tiêu giữ gìn “văn hóa làng” trong thời hội nhập, lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của làng quê, bồi đắp tình yêu quê hương trong thế hệ trẻ nên các thế hệ người Diễn Châu, đặc biệt là các bậc cao niên đã vận động hàng trăm triệu đồng và hàng trăm ngày công để trùng tu lại giếng, tổ chức trông coi cẩn thận để giếng luôn được sạch sẽ, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa của các làng quê. Chính vì vậy mà hiện nay, ở Diễn Châu, hình ảnh giếng làng cổ bên cạnh cây đa, đình làng, chùa làng vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn. 

Bài, ảnh: Mai Giang

(Đài Diễn Châu)