(Baonghean.vn)- Sau khi được giải cứu và điều trị ổn định sức khỏe, 2 nạn nhân người Nghệ An trong vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng đã trở về quê nhà Thanh Chương trong niềm vui khôn xiết của mọi người.

TIN LIÊN QUAN

Từ nhiều ngày nay, ngôi nhà nhỏ của ông Diệm - bà Bình ở xóm 10, xã Cát Văn, huyện Thanh Chương lúc nào cũng vang tiếng nói cười của các thành viên trong gia đình và tiếng hỏi thăm của bà con hàng xóm. Đặc biệt, tối 25/12, khi cô con dâu Đặng Thị Hồng Ngọc trở về đến quê, bà con hàng xóm đến đông hơn, ông Diệm - bà Bình cũng nhấp nhổm đứng ngồi vì quá mừng. Khi chị Ngọc trở về đến ngõ, cậu con trai 5 tuổi Phạm Viết An chạy một mạch từ trong nhà xuống dưới cổng, ôm chầm lấy mẹ và reo lên: “mẹ về rồi, mẹ về rồi. Con không cho mẹ đi nữa đâu”. Mấy ngày trước, khi xảy ra vụ sập hầm, mọi thông tin của sự việc đều bị ông Diệm bà Bình dấu kín cháu An. Cả nhà không dám mở ti vi nhiều vì sợ cháu sẽ biết việc mẹ mình đang mắc kẹt trong hầm. Mỗi khi phóng viên hay người lạ đến nhà, ông Diệm đều đưa cháu An đi gửi ở nhà bà con.

Cháu An ôm chầm lấy mẹ.

Không cầm được nước mắt khi ôm con trai trong lòng, chị Đặng Thị Hồng Ngọc, tâm sự, khi mắc kẹt trong hầm thủy điện, cháu An là người chị nghĩ đến nhiều nhất: “Những lúc tuyệt vọng nhất, mọi người ôm chặt lấy nhau để giữ ấm cơ thể. Riêng em, cứ nghĩ đến hình ảnh của cháu nhỏ ở nhà lại thì thấy mình càng phải cố gắng. Mình phải sống để về với con”. Khi đã trở về nhà, trong vòng tay của bố mẹ và người thân, chị Ngọc vẫn nghĩ mình vừa trải qua một giấc mơ có thật. Năm nay 26 tuổi, chị Ngọc có khuôn mặt ưa nhìn, nước da trắng, ánh mắt hiền và dọng nói dễ gần. Cách đây 6 năm, chị về làm vợ anh Phạm Viết Bắc, người hơn mình đúng 1 giáp. Anh Bắc là công nhân thủy điện, từng thi công thủy điện Yaly ở Tây Nguyên cũng như nhiều công trình thủy điện nhỏ khác trong tỉnh Nghệ An. Năm 2009, hai vợ chồng sinh con đầu lòng. Lương công nhân thủy điện ba cọc, ba đồng nhưng anh Bắc vẫn muốn đưa vợ vào làm cùng để có vợ, có chồng.

Niềm vui của những người vừa trở về từ cõi chết.

Trước đó, anh Phạm Viết Nam, anh trai anh Bắc cũng đi theo em làm thủy điện. Năm 2012, chị Ngọc gửi con cho ông bà nội, đi theo chồng làm công nhân thủy điện. Nhiệm vụ chính của chị là phục vụ hậu cần cho kíp công nhân với mức lương từ 3 – 4 triệu đồng. Anh Bắc được tin tưởng giao nhiệm vụ đội trưởng đội thi công, lương gần 5 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, hai vợ chồng gửi tiền về đóng tiền học và đỡ đần bố mẹ già nuôi con. Cuộc sống tuy vất vả nhưng mấy anh em làm việc gần nhau nên cũng nguôi ngoai được phần nào nỗi nhớ gia đình, quê hương.

Ngày 16/2, hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng bị sập, anh Bắc cùng 19 công nhân khác tháo chạy thoát ra ngoài, chị Ngọc, anh Nam, người cháu Phạm Viết Lành và 9 người khác cùng mắc kẹt trong hầm. Nhờ nỗ lực của lực lượng cứu hộ, đến ngày tìm kiếm thứ 4, các nạn nhân được cứu thoát. Sau khi được điều trị phục hồi sức khỏe và tinh thần tại bệnh viện, chị Ngọc và mọi người được hỗ trợ vé máy bay để trở về quê. Riêng anh Bắc vẫn phải ở lại giải quyết một số công việc liên quan đến sự cố sập hầm.

Những ngày qua, ông Diệm – bà Bình là những người vui nhất. Trong chốc lát, cả con trai, con dâu và người cháu mới 20 tuổi Phạm Viết Lành đều được cứu sống một cách diệu kỳ và trở về nhà bình an. “Sống gần hết đời người rồi nhưng có lẽ đây là thời khắc hai vợ chồng già tui mừng nhất. Mấy ngày nay, chúng tôi cứ nghĩ như đang có phép màu đến với gia đình mình”, ông Diệm tâm sự.

Ông Diệm - Bà Bình tâm sự, cả hai như trẻ thêm vài tuổi khi con, cháu được cứu và trở về nhà an toàn.

Nói về dự định sắp tới, chị Đặng Thị Hồng Ngọc cho biết, trước mắt sẽ quay trở lại Nha Trang, vào thăm và cảm ơn lực lượng công binh, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã cứu sống mình. Sau đó, khi sức khỏe đã ổn định trở lại, chị sẽ tiếp tục đi làm công nhân thủy điện theo sự phân công của công ty. “Sinh nghề - tử nghiệp, nghề nào cũng có rủi ro. Em sẽ không trở lại thủy điện Đạ Dâng nữa nhưng sẽ tiếp tục đi làm các công trình khác vì ở nhà cũng không có thu nhập. Hai vợ chồng còn phải cố gắng làm lụng để nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ già. Chắc ông trời không để mình mắc kẹt trong hầm lần nữa đâu”, chị Ngọc cười vui phấn khởi.

Từ mấy ngày nay, ngôi nhà nhỏ của gia đình nạn nhân luôn ngập tràn tiếng cười.

Được biết, trong thời gian diễn ra sự cố sập hầm, nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị đã giúp đỡ các nạn nhân bị sập hầm. Hiện nay, mỗi nạn nhân đã nhận được khoảng 100 triệu đồng, trong đó có những đơn vị giúp đỡ nhiều như Tôn Hoa Sen (mỗi nạn nhân 30 triệu đồng, riêng chị Ngọc 50 triệu đồng), tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Hungthinh Land  đều hỗ trợ mỗi nạn nhân 10 triệu đồng,…

Nguyên Khoa