(Baonghean) - Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia đang có tác động quan trọng đến “bàn cờ” chính trị của thế giới, vì thế, những thỏa thuận, mặc cả, hay những bất đồng, đối lập giữa hai “ông lớn” này đều tác động đến tình hình khu vực và thế giới. Vì thế, một trong những sự kiện trở thành tâm điểm được quan tâm mấy ngày nay chính là các nội dung hoạt động trong chuyến thăm Trung Quốc của Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ - bà Susan Rice. 
 
images1045622_1_5450a__1_.jpgCố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice gặp Tướng Trung Quốc Phạm Trường Long tại Bắc Kinh. Ảnh Internet
 
 
Giữa lúc quan hệ Mỹ - Trung đang diễn biến theo chiều hướng trượt dài trên con đường “cơm chẳng lành, canh không ngọt”, đợt “tiền trạm” cho chuyến thăm của Tổng thống Obama vào thời gian tới của bà Susan Rice lần này nhằm xác định những nội dung nghị sự sắp tới giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình, hay đơn giản chỉ là tháo gỡ những vướng mắc diễn ra trước cuộc gặp, đó là những điều khiến cho “điệp vụ” mà bà Susan Rice đang lãnh nhận càng tăng thêm sự chú ý. Ngay trong nội dung cuộc hội đàm giữa bà Susan Rice và ông Phạm Trường Long - Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc ngày 9/9 cho thấy, có nhiều dấu hiệu mối quan hệ này tiếp tục rơi vào tình cảnh ảm đạm.
 
Trước tiên, bà Cố vấn An ninh Mỹ không bỏ qua vụ chiến đấu cơ Trung Quốc “chặn đầu nguy hiểm” máy bay Mỹ hôm 19/8. Nhắc lại vụ chiếc J-11 của Trung Quốc “vờn” rất gần máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ tại địa điểm cách đảo Hải Nam 220 km về phía Đông, bà cố vấn đã yêu cầu Trung Quốc phải ngừng ngay “những vụ chặn đầu nguy hiểm” tương tự, bởi đó là những hành động “có thể làm phức tạp quan hệ hai nước”. Dường như không quan tâm đến nội dung đề đạt của bà Susan Rice, vị Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc lại đưa ra lời kêu gọi phía Mỹ phải “giảm rồi ngừng hẳn những hoạt động hải quân và trinh sát trên không ở gần Trung Quốc”. Không những thế, ông Phạm Trường Long còn cho rằng, hành động của phi công Trung Quốc ngày 19/8 là không có gì sai trái. Không những thế, ông còn thể hiện quan điểm hành động tuần tra trinh sát của Mỹ gây tổn hại tới an ninh Trung Quốc.  
 
Vậy là, giữa bà Susan Rice và ông Phạm Trường Long tiếp tục bất đồng quan điểm về vụ máy bay hai nước “chạm trán” ngày 19/8. Điều này chứng tỏ, so với cuộc gặp mặt giữa quan chức quân đội Trung Quốc và Mỹ được tổ chức tại Lầu Năm góc ngày 27, 28/8 vừa rồi, cuộc gặp mặt tại Trung Quốc lần này chưa có diễn biến gì tốt hơn. Tại cuộc gặp ở Lầu Năm Góc, phía Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay trong không phận quốc tế như Mỹ vẫn thường làm và đang làm. Hơn nữa, phía Mỹ còn khẳng định đó là trách nhiệm mà Mỹ phải thực hiện với 5 trong số 7 đồng minh hiệp ước của Mỹ ở khu vực này. Một quan chức quốc phòng Trung Quốc còn kêu gọi Trung Quốc thực hiện những cuộc đối đầu đe dọa gần hơn với máy bay Mỹ. Ông này cho rằng, đã đến lúc máy bay Trung Quốc đủ khả năng kỹ thuật để gây “áp lực” đối với Mỹ, thậm chí, Trung Quốc nên bắt đầu các chuyến bay giám sát Mỹ như là hành động trả đũa (Đô đốc Zhang Zhaoxhong). 
 
Được biết, trước vụ “bay chặn đầu nguy hiểm” mà máy bay Trung Quốc chỉ cách máy bay Mỹ 6m hôm 19/8, hồi tháng 8/2001 đã có một cuộc va chạm cùng khu vực trên khiến một phi công của Trung Quốc tử nạn, trong khi phi hành đoàn của Mỹ 24 người vẫn bình thường. Sau chuyến va chạm này, Trung Quốc đã tạm giữ 24 thành viên phi hành đoàn của Mỹ trong 11 ngày cho đến khi phía Mỹ có lời xin lỗi. 
 
Từ nội dung tranh luận không thể tìm kiếm được tiếng nói chung liên quan đến vụ “chạm mặt nguy hiểm” của hai máy bay diễn ra ngày 19/8 vừa rồi, cuộc hội đàm giữa bà Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ và ông Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc ngày 9/9 vừa qua được cho là tín hiệu báo trước về những khó khăn, vướng mắc sẽ còn chồng chất trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Trung Quốc vào cuối năm. Có thể, để phục vụ cho chuyến viếng thăm đặc biệt đó, hai bên sẽ còn phải tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ khác, bởi cuộc gặp vừa rồi của Susan Rice và ông Phạm Trường Long tuy “giáp mặt” nhưng vẫn “cách lòng”.
 
Chí Linh Sơn