Một điều dễ nhận thấy, những ngày cuối năm, khi các đơn vị hành chính sự nghiệp đều có mức thưởng cao cho cán bộ, công chức, viên chức thì các giáo viên vùng sâu vùng xa của tỉnh Nghệ An may mắn lắm cũng chỉ được mức thưởng cao nhất 500 nghìn đồng. Một số trường học khác thì do ngân sách eo hẹp nên chỉ biết “động viên” các thầy cô giáo số tiền 50-70 nghìn cùng gói mì chính, gói trà.
Trường PTDTBT THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn) nằm ở khu vực biên giới đặc biệt khó khăn với 25 cán bộ, giáo viên những ngày cuối tuần cũng chuẩn bị chộn rộn về Tết.
Năm nay, theo các giáo viên, nhờ có sự hỗ trợ của nhà trường, chi bộ và công đoàn nên mỗi người cũng nhận được 400 nghìn tiền thưởng. Ấy cũng là một niềm động viên an ủi lớn đối với những thầy cô giáo đã cống hiến sức mình cho vùng biên viễn này.
Thầy Hồ Đăng Quyền, một giáo viên chia sẻ: Quê tôi ở tận Quỳnh Lưu, lên đây công tác đã 12 năm, mỗi học kỳ chỉ tranh thủ về nhà được vài ba lần vì đường sá xa xôi. Nghe nói đến nghỉ Tết chỉ muốn được nhanh chóng về với gia đình. Trong nhà là chủ gia đình nhưng từ khi lên đây công tác chưa một lần nào được tự tay mình sửa soạn đồ đạc cúng ông công ông Táo. Số tiền thưởng năm nay của nhà trường cũng đã phần nào giúp tiền xe cộ đi về trong dịp này. “Cũng may năm nay nhận được 2 tháng lương một lúc, chứ với tiền Tết được 400 nghìn thì chẳng biết mua sắm, chi tiêu thế nào” - thầy Quyền ngậm ngùi.
Khác với các thầy giáo cùng trường, vốn có bàn tay khéo léo, nhiều giáo viên nữ của trường này lại tranh thủ thời gian rỗi làm nhiều loại bánh kẹo để đưa về gia đình đón Tết. Cô Nguyễn Thị Tình, quê ở Thanh Chương tâm sự rằng, do năm nào cũng vậy, thời gian nghỉ Tết ít ỏi, tính cả ngày đi, ngày về đã mất 2 ngày nên dù về nghỉ nhưng chẳng bao giờ cô tự tay sửa soạn Tết cho gia đình được. Đồng lương eo hẹp, tiền thưởng được bốn trăm bạc nên nhiều thứ phải chuẩn bị tại trường rồi mới đem về. “Nhờ chị em trong trường nữa nên năm nay ngoài cành đào, lá dong tôi còn làm thêm được kẹo cà, mứt mang về cho gia đình đón Tết. Về nhà được mấy ngày vừa lo cho con cái vừa lo cúng đơm không có thời gian nữa” - cô Nguyễn Thị Tình chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Kỳ Sơn cho biết: “Việc thưởng Tết đều do các trường tự cân đối ngân sách còn phòng giáo dục cũng không có chủ trương chỉ đạo phải thưởng bao nhiêu. Có trường nhiều thì 500 nghìn, trường ít 300-400 nghìn/người. Chi hoạt động cho nhà trường ngoài lương chỉ có hơn 100 triệu mỗi năm chứ ngoài ra không có gì hơn. Các trường có khoản thu nhiều thì còn có thưởng cao chứ ở Kỳ Sơn hầu như không thu khoản nào, do vậy việc thưởng Tết cũng rất eo hẹp”.
Thầy Lô Khăm Phu - Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Nậm Càn cho biết: “Việc thưởng Tết cho cán bộ, giáo viên còn phải tùy thuộc vào việc cân đối ngân sách nhà trường. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, dù ít hay nhiều đơn vị cũng dành ra một ít để thưởng cho mọi người về ăn Tết gọi là động viên”.
Tại trường Tiểu học Hữu Khuông (Tương Dương), một trong những địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An thì việc thưởng Tết năm nay lại eo hẹp hơn. Thầy Bùi Văn Hảo, hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Do kinh phí nhà trường eo hẹp, ngày 20/11 chúng tôi cũng đã thưởng cho mỗi cán bộ, giáo viên 200 nghìn đồng/người nên lần này đơn vị không thưởng Tết nữa. Ở các nơi khác còn có nguồn thu chứ trường chúng tôi chỉ dựa vào chi khác do nhà nước cấp về. Mà nguồn này chủ yếu dùng để hoạt động chuyên môn và các công việc trong nhà trường. Chính vì thế, đợt này cán bộ, giáo viên chỉ được hỗ trợ 50-70 nghìn cùng với gói mì chính, gói trà về quê ăn Tết”.
Cô Hoàng Thị Hiền, giáo viên trường Tiểu học Hữu Khuông là người lấy chồng ở tận tỉnh Ninh Bình ngậm ngùi chia sẻ: Lấy chồng xa, năm nào cũng vượt gần 500 km về nhà. Tiền lương một tháng không đủ để đi lại và mua sắm cho gia đình trong mấy ngày Tết. Dù sao có được gói mì chính, gói trà mang về cũng đã là an ủi lắm rồi.
Như vậy có thể thấy rằng, việc thưởng Tết cho các giáo viên vùng cao hầu hết đều dựa vào việc các nhà trường cân đối ngân sách. Nhưng chung quy lại cũng chỉ ở mức ít ỏi mang tính động viên. Ấy cũng là một thiệt thòi cho những người gieo chữ nơi “thâm sơn cùng cốc” của xứ Nghệ.