"Không phải Luật có hiệu lực là những người không có đủ tiêu chuẩn trình độ thì loại ra khỏi ngành" - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học nhấn mạnh.

Ngày 30/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục nhằm lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký có đề xuất nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng.

Cụ thể, Dự thảo sửa đổi bổ sung điểm a khoản 1 Điều 77 như sau: "Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên tiểu học".

Đồng tình với đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Thế Bình - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay, trình độ giáo viên tiểu học đã vượt xa nhiều so với quy định của Luật Giáo dục trước đây nên việc nâng chuẩn là hợp lý.

images2073541_bna_5a209e4ac4a50.jpg"Không phải Luật có hiệu lực là những người không có đủ tiêu chuẩn trình độ thì loại ra khỏi ngành" - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo)- Nguyễn Đức Hữu nhấn mạnh. Ảnh: Xuân Trung

Ông Bình thông tin, tại Hà Giang – địa phương vừa miền núi, nhiều dân tộc ít người, vừa là tỉnh biên giới nhưng trình độ giáo viên tiểu học đạt trên chuẩn là hơn 70%. 

Tuy nhiên, ông Bình cũng đề xuất, nếu Luật giáo dục sửa đổi có nâng chuẩn đối với giáo viên tiểu học thì cần có lộ trình thực hiện cụ thể với những địa bàn, khu vực khó khăn chưa đáp ứng được ngay các chuẩn đặt ra để giúp các địa phương này thực hiện theo chuẩn mới.

Ngoài ra, vị này cũng góp ý rằng, Bộ giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu để đưa ra khái niệm về “cán bộ quản lý giáo dục” trở thành một chương hay một điều nào đó trong Luật bởi thực tế hiện nay cho thấy khi giáo viên nhận công tác tại phòng hay sở giáo dục và đào tạo thì đương nhiên mất hết phụ cấp hay tình trạng đưa cán bộ ngành khác sang làm quản lý ngành giáo dục thì có nên hay không?

Liên quan tới vấn đề này, bà Chu Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lãng Sơn, Yên Dũng, Bắc Giang cho rằng, việc đi học để nâng chuẩn đối với các giáo viên trẻ thì có thể khả thi tuy nhiên đối với những giáo viên lớn tuổi, sắp về hưu thì việc nâng chuẩn sẽ khiến giáo viên gặp nhiều khó khăn. Do đó Bộ cần tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên này.

Trao đổi về những băn khoăn này của các đại biểu, ông Nguyễn Đức Hữu - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:

Việc nâng chuẩn trình độ là phù hợp với xu hướng thế giới, hiện nhiều quốc gia đã yêu cầu giáo viên tiểu học có trình độ thạc sĩ. 

Tại Việt Nam, tính tháng 9/2017, 33/63 tỉnh thành phố có tỉ lệ 90% giáo viên tiểu học trên chuẩn, chỉ có 3 tỉnh là Hà Giang, Tuyên Quang và Lào Cai có tỉ lệ dưới 70% trong đó thấp nhất là Tuyên Quang, 63,86%.

Từ con số này, ông Hữu cho rằng, đây là lý do để ban soạn thảo đề xuất đưa việc nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học vào dự thảo lần này.

Về lộ trình thực hiện nâng chuẩn giáo viên tiểu học, ông Hữu thông tin:

“Dự kiến, những người có trình độ trung cấp còn công tác từ 1-5 năm thì địa phương bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu đổi mới, không yêu cầu đi đào tạo lại để có bằng cao đẳng. 

Còn những người còn công tác trên 5 năm thì nâng chuẩn với các hình thức đào tạo linh hoạt và phù hợp".

"Không phải Luật có hiệu lực là những người không có đủ tiêu chuẩn thì loại ra khỏi ngành" - ông Hữu nhấn mạnh.

Theo Giaoduc.net

TIN LIÊN QUAN