Vợ mới sinh con đã xung phong ra điểm nóng
Chốt kiểm dịch số 9 ở đường Quốc lộ 1 – giao nhau với Bệnh viện Phổi Nghệ An được xem là điểm nóng trong số 13 chốt chống dịch ở thành phố Vinh. 9h sáng, khi nhiệt độ ngoài trời đang xấp xỉ 40 độ thì tại khu vực này lượng xe cộ có nhu cầu qua lại nơi này vẫn rất đông. Từ thành phố Vinh nhìn sang, từng hàng xe dài từ phía Bắc đổ về đang xếp hàng chờ qua chốt. Phía bên này, xe từ Nam đi ra cũng liên tục không nghỉ…
Từ ngày thành phố Vinh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, lượng người đi ra đường đã giảm hẳn. Tuy vậy, tại điểm quan trọng này, người có nhu cầu đi ra, đi vào hàng ngày vẫn rất nhiều… Chỉ riêng việc dừng xe, kiểm tra giấy tờ, phiếu xét nghiệm Covid – 19 cũng đã là một khối lượng công việc rất lớn…
Trực chốt được 3 ngày và làm việc vào khung giờ sáng từ 6h đến 12h trưa, thầy giáo Phùng Ngọc Thạch – giáo viên Trường THCS Nghi Kim gần như không được nghỉ.
Nhiệm vụ của thầy và đồng nghiệp là trực tiếp kiểm soát các xe đi từ thành phố ra và hướng dẫn người dân có nhu cầu đi lại thực hiện nghiêm túc các quy định về giãn cách xã hội: Ngày nào cũng vậy, người ra vào liên tục. Bà con qua chốt cũng thực hiện nghiêm túc lắm, trước khi qua chốt đều chuẩn bị giấy xét nghiệm Covid – 19. Tuy vậy, không phải giấy nào cũng có thể qua được vì có thể đã xét nghiệm qua ngày… Chúng tôi phải giải thích cặn kẽ - thầy Thạch chia sẻ.
Thực tế, nói thì đơn giản nhưng để làm tròn trách nhiệm các thầy cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, chuyện “to tiếng”, “nạt nộ” do người dân cố tình không hiểu cũng không ít. 3 ngày trực chốt chống dịch cùng với các lực lượng Cảnh sát cơ động, Giao thông, thầy Thạch càng thấm thía hơn sự vất vả và tin rằng quyết định tình nguyện đi chống dịch là hoàn toàn đúng đắn. "Vợ tôi mới sinh cháu được gần 1 tháng nên ban đầu cũng có sự phân vân. Nhưng rồi, tôi nghĩ, dịch đang kéo dài. Công việc chống dịch đang còn rất khó khăn. Mình cố gắng một tý sẽ góp được một phần nhỏ cho quê nhà…" - Thầy Thạch trải lòng.
Do tính chất đặc biệt nên điểm chốt ở Nghi Kim cũng là điểm chốt có số lượng giáo viên tăng cường đông nhất – 9 người. Hàng ngày, các thầy chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 2 – 3 người và thay nhau trực chốt 24/24h. Làm việc cả ngày lẫn đêm, đứng dưới thời tiết nắng nóng 40 độ nên chỉ trong 1 ngày, tất cả anh em trực chốt đều bị cháy nắng. Trên gương mặt đen xạm, mồ hôi rịn kín mặt, thấm ướt qua hai lớp khẩu trang.
Thầy giáo Đậu Văn Tuyên – giáo viên Trường THCS Trường Thi cho biết: Hàng ngày, có hàng trăm xe đường dài chạy tuyến Bắc Nam đều đi qua chốt này và nhiệm vụ chúng tôi là phải kiểm soát chặt chẽ xe đi qua vùng dịch. May mắn là thời điểm này, mọi người đều biết sự nguy hiểm của dịch bệnh nên đa phần đều hợp tác… Cá nhân tôi trước khi ra vùng dịch cũng đã biết sẽ vất vả nhưng mình may mắn còn được về nhà hàng ngày. Công việc của chúng tôi không thấm gì so với các lực lượng khác ở tuyến đầu chống dịch…
Sẵn sàng nhận nhiệm vụ
Vợ chồng thầy giáo Trần Tiến Thành – Trường Tiểu học Đội Cung đã có hơn 10 năm cắm bản tại xã Mường Típ – một trong những xã khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn. 4 năm trước, thầy Thành được chuyển về Vinh nhưng vợ thì vẫn đang ở lại. Vì đường xa, một năm chị mới được về nhà 2 lần và dịp hè là thời gian dài nhất mà cả gia đình mới được đoàn tụ đầy đủ.
Nhà 3 người con, con út đang nhỏ nên mấy ngày trước khi có thông báo về việc huy động giáo viên tham gia vào tuyến đầu phòng chống dịch, thầy Thành có nhắn đùa là “xin cho em ở nhà gần vợ con vài hôm”. Nhưng, ngay sau đó thầy lại tình nguyện xung phong bởi “trường chủ yếu là giáo viên nữ, mình không đi thì có ai gánh vác”…
Cùng trực chung một điểm với thầy Thành ở điểm chốt đường Quốc lộ 46B (cầu chợ Già) có thầy giáo Nguyễn Văn Phúc - Trường Tiểu học Hưng Đông. Hoàn cảnh hai người giống nhau, vợ thầy Đông hiện cũng đang dạy ở Trường PT DTBT THCS Quỳ Châu, lâu lâu vợ chồng con cái mới được gặp nhau một lần…
Từ ngày trực chung chốt, cả hai cũng có nhiều điều kiện để nói chuyện với nhau. Thế nhưng, thời gian rỗi cũng không có nhiều, bởi điểm cầu chợ Già là tuyến đường có chung hai Khu công nghiệp là Khu công nghiệp Bắc Vinh và Khu công nghiệp VSIP – hàng ngày lượng xe qua lại rất nhiều với nhiều đối tượng khác nhau. Thầy giáo Nguyễn Văn Phúc cũng chia sẻ: Trước đây, công nhân có thể ở Hưng Nguyên và đi làm việc ở Khu công nghiệp Bắc Vinh là chuyện bình thường. Nhưng giờ thì ngăn cách, công nhân không đi làm được họ cũng sốt ruột lắm. Có những người ra vào chốt đến 6 lần xin được vào đi làm. Chúng tôi biết tâm trạng lo lắng của người dân nhưng vẫn phải động viên để mọi người yên tâm ở nhà để hạn chế dịch bệnh…
Tại chốt kiểm soát Nghi Ân tiếp giáp xã Nghi Trường (huyện Nghi Lộc), thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai cùng các đồng nghiệp và lực lượng chức năng căng mình kiểm soát người qua lại. Vợ cũng là giáo viên, hai con còn nhỏ, tuy nhiên, khi thành phố có chủ trương tăng cường giáo viên lên tuyến đầu phòng, chống dịch, thầy Cường không ngần ngại lên đường. "Các chiến sỹ y tế đã quá vất vả rồi. Mình đang trong thời gian nghỉ hè, nhà lại ở thành phố Vinh trong khi thành phố đang có dịch nên không chỉ tôi mà tất cả anh chị em đều sẵn sàng đóng góp một phần công sức nhỏ của mình, tiếp sức cùng thành phố chống dịch", thầy giáo Mạnh Cường tâm sự.
Làm việc giữa trưa nắng, nhưng thầy Phúc, thầy Thành, thầy Cường, thầy An vẫn không cho đó là vất vả, bởi “công việc của chúng tôi chỉ mang tính chất hỗ trợ, không quá nặng nhọc. Vất vả hơn vẫn là lực lượng chức năng. Tôi cũng không biết mình sẽ thực hiện nhiệm vụ đến lúc nào, nhưng anh em xác định khi nào thành phố hết lệnh phong tỏa thì mình mới nghỉ”.
Trong số này cũng có những giáo viên nữ hoặc các nhân viên y tế được tăng cường cho các khu cách ly. Chị Lê Thị Thanh Hà – nhân viên y tế Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 tham gia trực chốt tại cầu Bến Thủy 1 từ ngày đầu thành phố Vinh thực hiện giãn cách xã hội: “Tôi và một đồng nghiệp khác ở Trường Tiểu học Trường Thi cùng trực với nhau, nhưng khối lượng công việc vẫn quá tải. Mỗi ngày trực 2 ca, ca ngày thì nắng nóng, ca đêm thì căng thẳng. Nhưng so với lực lượng tuyến đầu trong ngành, liên tục mặc đồ bảo hộ thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân... thì chúng tôi vẫn còn nhẹ việc hơn”.
Từ ngày tham gia chống dịch, việc nhà chị cũng phải nhờ cậy các con bởi chồng chị đi công tác xa. Trong khi đó, con trai đang học lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng… Con gái chị hiện cũng theo nghề mẹ, tốt nghiệp ngành Y và đang làm tại Biện viện Bưu điện TP Hồ Chí Minh. Thời gian này, hai mẹ con trực liên tục nên không nói chuyện được nhiều. Tuy vậy, mỗi khi có dịp cả nhà chị lại tự động viên nhau: Gia đình ta cùng cố gắng, chỉ mong dịch bệnh qua đi, cuộc sống trở lại bình thường…
Những ngày này, thành phố Vinh vẫn tiếp tục nắng nóng… Và ở những chốt dịch, các lực lượng vẫn miệt mài, không ngại khó khăn, không ngại gian khổ với niềm tin ngày mai quê nhà sẽ bình an!.