Thí sinh dễ có điểm cao ở môn thi Địa lý
Nhận xét về môn Địa lý, cô giáo Phạm Thị Lành - giáo viên Trường THPT Thái Lão cho biết: Về mức độ đề phù hợp với đề thi minh họa của Bộ. Kiến thức bao phủ chương trình và có trừ những phần giảm tải. Đề có kiến thức lớp 11 ở 2 câu về phần kỹ năng nhưng không khó, trong đó, có 1 câu thông hiểu phải biết vận dụng, tính toán để xử lý số liệu.
Đề năm nay, các câu khó tập trung ở các câu cuối, thuộc về phần địa lý tự nhiên, phân vùng. Trong đề Địa lý có những câu mang tính thời sự như vấn đề hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long hay những câu hỏi về biển đảo (2 câu). Với những câu khó ở phần địa lý tự nhiên thì thí sinh phải có kiến thức tổng hợp, kể cả kiến thức Địa lý lớp 10 và kiến thức thực tiễn.
Với đề này, do có tới hơn 10 câu về Atlat, học sinh có tài liệu mang vào và có những câu địa lý ngành, vùng dân cư nên học sinh trung bình dễ có điểm 6, 7. Điểm 8, 9 cũng không khó, nhưng điểm 10 thì phải có kiến thức tổng hợp, chuyên sâu. Cá nhân tôi thấy hài lòng về đề thi môn Địa lý năm nay.
Thầy Nguyễn Minh Chiến - giáo viên Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn) cũng đánh giá đề thi môn Địa lý năm nay hay, phân hóa đối tượng học sinh. Nội dung bám sát kiến thức trọng tâm và chuẩn kiến thức kỹ năng môn Địa lý lớp 12. Cấu trúc đề tương đối trùng khớp với đề minh họa. Đề có độ phân hóa phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp và căn cứ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có sử dụng môn thi này.
Về phạm vi kiến thức:
+ Đề thi có 40 câu trắc nghiệm, hoàn toàn thuộc khối kiến thức Địa lý 12.
+ Kiến thức Địa lý có 21 câu, gồm các chuyên đề: Địa lý tự nhiên (4 câu), Địa lý dân cư (2 câu), Địa lý các ngành kinh tế (7 câu), Địa lý vùng kinh tế (8 câu).
+ Kỹ năng Địa lý có 19 câu, trong đó: 15 câu Atlat, 2 câu bảng số liệu và 2 câu biểu đồ.
Về độ khó và sự phân bổ kiến thức.
+ Câu hỏi được sắp xếp với mức độ khó tăng dần, đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học: 75% cơ bản (nhận biết, thông hiểu) ; 15% nâng cao (vận dụng và vận dụng cao).
+ Phần nâng cao tập trung vào 2 chuyên đề Địa lý các ngành kinh tế và Địa lý các vùng kinh tế, từ câu số 71 trở đi, mức độ khó có tăng lên gắn với các câu hỏi tìm hiểu nguyên nhân, ý nghĩa, tác động.
Với đề thi này, thầy Nguyễn Minh Chiến nhận định sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm giỏi, kể cả bài thi đạt điểm 10.
Về đề thi môn Sinh học, cô giáo Phan Thị Hưởng - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đánh giá đề nhìn chung là khá dễ thở. Đối với những học sinh thi để đạt điểm tốt nghiệp thì chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thì dễ dàng đạt điểm 6, điểm 7.
Với những thí sinh thi đại học, tôi nghĩ mặt bằng chung sẽ khá cao, bởi ở những câu hỏi lý thuyết từ câu 81 - 105 đơn thuần là lý thuyết và khá dễ, những câu hỏi vận dụng thấp cũng đơn giản.
Ngoài ra, từ câu 105 - 115 để ở mức vừa sức. Từ câu 115 - 120 có phần tính toán nhiều hơn, nhưng những dạng này khá quen thuộc và thí sinh sẽ được ôn luyện nhiều và việc lấy điểm 9 dễ dàng hơn năm ngoái.
Cô giáo Phan Thị Hưởng cũng cho rằng, dù đề khá dễ nhưng để đạt điểm cao thí sinh phải biết cân đối thời gian, nghĩa là những câu 100 trở xuống học sinh đọc nhanh, giải nhanh để dành thời gian cho những câu bài tập.
Nếu học sinh xử lý nhanh các câu đầu sẽ có thời gian dành cho bài sau, vì những câu này cần khá nhiều thời gian và cần có kỹ năng tính toán. Đề năm nay không đánh đố học sinh và tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều thí sinh có điểm cao, kể cả điểm 10.
Không dễ có điểm 10 môn Vật lý
Ở đây không so sánh về câu khó nhất giữa đề này với đề kia hoặc so với đề năm trước, vì mức độ tương đương. Nhưng đối chiếu với đề thi tham khảo thì số lượng câu vận dụng cao của đề thi Vật lý chính thức năm nay nhiều hơn. Điều này khiến cho đề thi không phân hóa được học sinh giỏi và học sinh khá. Vì sẽ có nhiều thí sinh không kịp thời gian, cùng “đoán mò” phần câu hỏi vận dụng cao.