Học sinh Nghệ An nhận định về đề thi môn Ngữ văn. Clip: Đức Anh - Mỹ Hà |
Gia đình và quê hương là cội nguồn sinh dưỡng
Cô giáo Dương Thị Ngà là giáo viên dạy môn Ngữ văn - Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh), từng tham gia dạy ôn trực tuyến trên sóng truyền hình trong năm học 2019 - 2020. Nhiều năm giảng dạy môn Ngữ văn, cô giáo DươngThị Ngà nhận định: Đề thi năm nay rất cơ bản, rõ ràng, tường minh, phù hợp với năng lực mọi đối tượng học sinh, bám sát vào cấu trúc đề thi của Sở Giáo dục và Đào tạo...
Về nội dung, các vấn đề trong đề thi rất gần gũi, thiết thực với học sinh, phù hợp với năng lực vốn sống học sinh THCS. Cụ thể: Ở phần đọc hiểu, ngữ liệu mới hay và có giá trị nhân văn khi đề cập đến cội nguồn sinh dưỡng đầu tiên của mỗi con người là gia đình.
Ở phần nghị luận xã hội đã yêu cầu các em nghị luận về một vấn đề rất gần gũi và thiết thực với học sinh, nhất là với học sinh lớp 9 THCS - khi các em chuẩn bị bước vào chặng đường mới của mình đòi hỏi phải tự lập.
Ở phần nghị luận văn học, đề ra rất sát và chọn một văn bản rất trọng tâm của chương trình ngữ văn THCS và yêu cầu nhẹ nhàng, đơn giản. Với phần thi này, thí sinh cần phải cảm nhận được 2 cội nguồn sinh dưỡng trong cuộc đời mỗi người, thứ nhất là gia đình, thứ hai là quê hương. Các luận điểm rõ, nếu bám vào các tín hiệu nghệ thuật như hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ, giọng điệu thơ thì học sinh có thể triển khai làm rõ được cội nguồn sinh dưỡng của mỗi người.
Để có điểm cao ở đề này không quá khó, bởi lẽ ở phần đọc hiểu các kiến thức rất cơ bản nên thí sinh có thể ăn trọn điểm.
Ở phần Nghị luận xã hội cấu trúc đề giáo viên đã ôn tập công phu và học sinh có thể vận dụng nhuần nhuyễn cấu trúc của đề nghị luận xã hội để giải quyết. Tuy nhiên phải đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò của tính tự lập.
Ở phần Nghi luận văn học, sự phân hóa thể hiện ở kỹ năng xác lập luận điểm thật rõ, chặt chẽ, đặc biệt phải bám vào các tín hiệu nghệ thuật để cảm nhận nội dung, tránh tính trạng diễn xuôi, diễn nôm đoạn thơ, câu thơ.
Đặc biệt đề này, phong cách của nhà thơ Y Phương đậm chất miền núi nên thí sinh phải phân tích để thấy được cách tư duy đậm màu sác miền núi, hình ảnh chân thực cụ thể của nhà thơ người dân tộc Tày.
Đề Văn có tư duy mạch lạc, thống nhất
Cô giáo Phan Thị Vân Hường - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Hồng Thành - Yên Thành cũng là giáo viên cốt cán của Sở Giáo dục và Đào tạo, tham gia giảng dạy trực tuyến trên truyền hình và trong danh sách hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới lớp 6.
Qua nghiên cứu đề thi năm nay, cô giáo Vân Hường cho rằng đề thi năm nay gần gũi, vừa sức với học sinh: Lần đầu tiên đề thi được xây dựng dựa trên một chủ đề thống nhất, vừa hướng học sinh đến lối sống nhân văn, vừa giúp học sinh có tư duy mạch lạc, xuyên suốt quá trình làm bài. Mặt khác, đề thi có tính phân loại học sinh ở tất cả các câu hỏi, chú trọng đến kỹ năng và kiến thức của học sinh, sẽ khiến học sinh hào hứng khi làm bài.
Cũng theo cô giáo Vân Hường, đề thi năm nay đồng thời một lúc thực hiện được nhiều nội dung “kép”: Ở câu 1, với một văn bản ngoài sách giáo khoa có nội dung về tình cảm của con cái đối với cha mẹ, bên cạnh việc kiểm tra kiến thức của học sinh, đề thi còn làm nổi bật tình yêu thương, tính nhân văn của mỗi học sinh khi làm bài. Qua đó các em cần thể hiện trách nhiệm của mình với cha mẹ, với gia đình, với quê hương đồng thời rèn luyện lối sống tự lập...
Câu nghị luận xã hội với cách ra đề không lạ nhưng không phải là dễ mà vẫn có độ phân hóa. Điều này thể hiện qua cách đặt vấn đề gợi mở, tạo điều kiện cho học sinh thể hiện năng lực bản thân, thể hiện kỹ năng viết nghị luận.
Riêng với phần nghị luận văn học, đây là một tác phẩm tiêu biểu của thơ hiện đại Việt Nam. Tuy nhiên, để có điểm cao đòi hỏi năng lực phân tích, cảm thụ đoạn thơ của học sinh. Tác phẩm "Nói với con" của nhà thơ Y Phương rất hay, đề cập đến vấn đề thiết thực trong đời sống gia đình và quê hương, gần gũi với học sinh.