Chuyện học sinh thi hành lệnh cô giáo tát bạn đến nhập viện đang chứng tỏ một điều chúng ta đã và đang thất bại trong việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.
Dù nhiều em ý thức được việc làm ấy là sai, là không đúng nhưng lại chẳng em nào trong lớp dám phản biện với giáo viên.
Tình huống này nếu xảy ra ở nhiều lớp khác thì kết quả cũng y chang như thế.
Nhiều người đặt câu hỏi “sao không dạy học sinh biết phản biện?”, biết từ chối lời yêu cầu đề nghị của giáo viên khi bản thân mình cho là không đúng?
Thế nhưng trong thực tế, giáo viên còn không dám phản biện lại những điều mình cho là sai thì làm sao có thể dạy được học trò?
Nhất nhất tuân theo mệnh lệnh cấp trên
Có lẽ chưa có ngành nghề nào cấp dưới phục tùng mệnh lệnh cấp trên gần như tuyệt đối như trong ngành giáo dục.
Cái tư tưởng cấp trên luôn đúng đã ngấm sâu vào máu, vào nếp nghĩ của nhiều người làm trong ngành giáo dục.
Bằng chứng hùng hồn nhất, một bất cập nào đó trong ngành được phản ánh trên mặt báo hoặc các phương tiện truyền thông thì lập tức các trường học từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái giáo viên, các nhà quản lý đều phải thốt lên rằng “sao giống trường mình đến thế?”. Đây chính là hệ quả của việc rắm rắp tuân theo mệnh lệnh từ bên trên chỉ đạo xuống.
Cấp trên chỉ đạo, cấp dưới biết sai nhưng hầu như không có phản ứng và nhất nhất làm theo (chỉ số ít thầy cô mới dám nêu chính kiến của mình).
Cụ thể, cấp sở chỉ đạo về, cấp phòng biết sai nhưng vẫn chỉ đạo về các trường học thực hiện. Ban giám hiệu thấy những chỉ đạo ấy chưa đúng hoặc khó thực hiện hiệu quả cũng chẳng ai dám có ý kiến mà buộc giáo viên phải làm theo.
Giáo viên là người nắm thực tế nên biết chắc những chỉ đạo ấy không phù hợp nhưng chẳng ai dám phản ứng mà chỉ râm ran, to nhỏ bên ngoài và tìm cách thực hiện (khi không thể thực hiện mà phải tìm cách thì dối trá cũng sinh ra từ đây).
Đơn cử là chuyện triển khai mô hình VNEN - Bàn tay nặn bột ở các trường học hiện nay. Nếu giờ làm cuộc điều tra kín về tính hiệu quả của chương trình VNEN, về ý kiến đồng ý hay không đồng ý triển khai? Dám chắc hơn 90% ý kiến phản đối và sẽ có không ít ý kiến “vạch tội” những nhược điểm, những thiếu sót của mô hình này.
Nhưng nếu chúng ta mở các biên bản cuộc họp từ cấp tổ đến cấp trường đều chỉ đọc được những lời nhận xét “kêu như chuông”.
Nguyên nhân vì giáo viên không dám nói thật, không dám trả lời thật vì có nói thật người ta cũng chỉ cho rằng giáo viên ấy là thành phần cứng đầu, là kẻ chống đối…
Riêng Ban giám hiệu dù biết rõ những hạn chế ấy cũng không dám đánh giá thực chất trong bảng báo cáo. Chính họ cũng sợ bị cấp trên phản ứng.
Hay như việc học sinh yếu kém phải có quyền ở lại lớp, nếu buộc các em lên lớp sẽ làm hại chính các em sau này. Dù biết rõ hậu quả như thế nhưng mấy thầy cô dám cương quyết không chấp hành?
Ban giám hiệu nhà trường không thể ra lệnh chỉ đạo giáo viên cho học sinh yếu lên lớp, cũng không có Thông tư Nghị định hay Công văn nào bắt buộc chuyện này.
Thế mà thầy cô giáo vẫn cứ phải âm thầm lặng lẽ tìm nhiều cách hợp thức hóa việc kiểm tra để đưa các em lên lớp một cách hợp pháp.
Giáo viên không dám phản biện sao có thể dạy trò
Không ít giáo viên hiện nay vẫn cho rằng cấp dưới phải phục tùng cấp trên mới là đạo lý (hoặc biết im lặng phục tùng để mưu cầu lợi ích cho bản thân).
Với suy nghĩ như thế, sẽ chẳng bao giờ thầy cô lại dạy cho học trò tính phản biện, biết có ý kiến để bảo vệ những điều mình làm đúng. Biết nói lời từ chối khi mình thấy việc đó là sai.
Xưa đến nay, chúng ta luôn dạy học sinh chỉ một chiều, dạy các em biết vâng lời thầy cô, ông bà và cha mẹ. Vì thế nếu cãi lại chứng tỏ đã không vâng lời.
Và như thế, những gì giáo viên nói đều là đúng hết, học sinh chỉ có quyền thực hiện mà không được phản đối. Nếu em nào có ý kiến trái chiều cũng sẽ bị thầy cô liệt vào dạng hay cãi, hay lý sự.
Việc dạy các em kiểu vâng lời như thế mặc nhiên xem người lớn làm trung tâm mà bất chấp người lớn chúng ta đúng hay sai, trẻ con cũng phải phục tùng.
Và câu chuyện cả lớp phải phục tùng lệnh cô đánh bạn chính là hệ quả tất yếu của cách giáo dục phiến diện như trên.
Thay đổi cách dạy cho học trò tính phản biện trừ phi chính các thầy cô giáo phải có sự thay đổi trước./.