Một giáo viên tiểu học ở TPHCM tiết lộ, có hàng loạt cách để giáo viên “kéo” điểm cho học sinh. Phổ biến nhất gần như nơi nào cũng có là lúc coi thi, giáo viên làm lơ đi. Học sinh ngồi cạnh nhau, không chia phòng, mỗi học sinh rất đông nên các em rất dễ để nhìn bài nhau.

Chưa kể, khi xếp vị trí học sinh, nhiều giáo viên đã khéo léo xếp em giỏi với một em học lực yếu cạnh nhau, có thể cô đã “gửi gắm” em giỏi hỗ trợ làm “đôi bạn cùng tiến”.

071605-1.jpg
Giáo viên có rất nhiều cách để "nâng" điểm cho học trò. Ảnh mang tính minh họa

Ở bậc tiểu học, quy định mỗi khối sẽ nộp ba đề cho Ban giám hiệu. Giáo viên dồn sức ôn tập cho học sinh theo “cụm” đề là học sinh có thể làm bài dễ dàng. Ngoài ra, điểm đọc của học sinh được giáo viên tự hiểu ngầm là 5 điểm dù học sinh đọc được hay không, không cần biết.

Giáo viên này còn cho hay, trong khi dư luận thấy sốc khi học sinh lớp 4, lớp 5 không biết đọc, ai cũng xem đó là chuyện thật như đùa thì với giáo viên là chuyện… ai ai cũng biết. Đó là hậu quả của bệnh thành tích, tất cả mọi thứ đánh giá bằng thi đua không thực chất.

Giáo viên đối phó để không bị trừ điểm thi đua, nên hiện tượng học thuộc lòng, bài mẫu ai cũng biết là phản giáo dục nhưng vẫn được áp dụng triệt để. Chí ít dễ dàng giúp học sinh vượt được "cửa ải" điểm số, giáo viên không bị trừ thi đua.

Vào các dịp thi cuối kỳ, có thể thấy học trò ôn luyện bằng cách đọc thuộc như con vẹt, hay chép thuộc những bài văn mẫu, câu trả lời mẫu vẫn còn là tình trạng phổ biến. Thầy cô ôn tập cho học sinh nhưng chỉ cần thuộc để làm bài kiểm tra, không cần hiểu.

Để học sinh đạt điểm cao, nhiều giáo viên lại gây áp lực với các em và gia đình, bắt ép các em phải học, ra đề cương ôn thi khủng khiếp. Lâu nay, ai cũng biết ngành giáo dục quy định không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học nhưng đó chỉ là... lý thuyết, nhất là vào mùa thi, các em vẫn phải làm bài, làm đề cương, chép học thuộc văn mẫu.

Tại TPHCM, vào các dịp thi học kỳ, lãnh đạo Sở GD-ĐT đều chỉ đạo các trường tiểu học cần tổ chức nghiêm túc, chu đáo, công bằng và khách quan. Tuyệt đối giáo viên không được nhắc bài, giải bài trong khi coi và tùy tiện nâng điểm, hạ điểm khi chấm bài làm của học sinh.

Trường học cũng phải có kế hoạch ôn tập cho học sinh và có kế hoạch riêng phụ đạo học sinh yếu kém. Tuyệt đối không chạy theo thành tích để đối phó, gây áp lực tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên, học sinh và gia đình các em.

Thi gian dối, dạy lấy điểm

Không chỉ là gian dối trong thi cử để “kéo” điểm học trò mà áp lực điểm số của học sinh đến thi đua của giáo viên còn tác động ngược đến phương pháp giảng dạy.

Dù ngành hô hào đổi mới theo hướng dạy học phát triển năng lực, phẩm chất người học thì đích đến của cả thầy lẫn trò vẫn là điểm số. Việc dạy học thực chất bị xem nhẹ dẫn đến rất nhiều nghịch lý.

Việc thi cử, nặng thành tích điểm số áp lực tác động rất nhiều đến chất lượng dạy học.

Nhiều giáo viên lười thay đổi phương pháp dạy học, dạy đối phó... nhưng… thành tích cứ cao vời vợi. Ngược lại, những giáo viên đổ nhiều công sức sáng tạo, đổi mới cho dạy học thì khi thi cử, thầy trò có thể bị điểm trừ. Dạy học chạy theo lối để học sinh đạt điểm cao dù họ biết rõ đó không phải cách hay cách tốt cho các em đang là ưu tiên của nhiều giáo viên.

Cô Nguyễn Lê Anh, giáo viên THCS ở Đồng Nai cho biết, muốn chống thành tích trong giáo dục thì trước hết phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá, thi đua cho cả thầy lẫn trò. Việc thi cử phải làm sao phải kiểm tra được khả năng thật sự của học sinh chứ không phải là học thuộc, học nhồi.

Còn với giáo viên, để sáng tạo, để dạy thực chất, họ cần một không gian mở. Còn hiện nay hầu hết ở các trường, từng ly từng tý của giáo viên đều được quy ra điểm thi đua dẫn đến giáo viên làm việc rất ngột ngạt, như bị giám sát.

Họ làm việc chỉ tập trung vào kết quả mà không đầu tư trong quá trình dạy học. Mà kết quả đó nhiều khi không phản ánh đúng khả năng của người học, người dạy.

Việc chống thành tích trong giáo dục, cốt lõi chính là dạy thật, học thật và đánh giá thật. Còn với việc "áp" thi đua thành tích như hiện nay, nếu "đối phó" không thành, giáo viên gặp phải lớp nhiều học sinh yếu, họ xem như... số xui.