(Baonghean.vn) - Sáng 11/3, Trường Đại Vinh tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ môn và phát triển đội ngũ trưởng bộ môn ở trường đại học, cao đẳng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học.
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, việc nâng cao chất lượng hoạt động của bộ môn và trình độ của trưởng bộ môn hướng tới hội nhập giáo dục đại học khu vực và quốc tế là việc làm hết sức quan trọng. Bộ môn và trưởng bộ môn là nơi trực tiếp đào tạo sinh viên, quyết định chất lượng đầu ra của “sản phẩm”.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số bộ môn, trưởng bộ môn các trường trên địa bàn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tồn tại lớn nhất là việc “ngại” đổi mới, dẫn đến không phát huy được sự sáng tạo của sinh viên; một số giáo viên trưởng bộ môn thiếu kỹ năng thực hành...
Chính vì thế hội nghị là diễn đàn để lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà khoa học, đội ngũ trưởng bộ môn trao đổi, đánh giá thực trạng vai trò hoạt động của bộ môn ở các trường ĐH, CĐ trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện GD; thống nhất các giải pháp nâng cao chất lượng của bộ môn và phát triển đội ngũ trưởng bộ môn hiện nay theo tinh thần NQ số 29 và NQ 44 của Chính phủ và kế hoạch hành động của ngành giáo dục.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều kinh nghiệm, sáng kiến và giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng bộ môn và năng lực, trình độ của các trưởng bộ môn. Trong đó vấn đề được quan tâm nhiều nhất vẫn là sự chủ động sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, truyền thụ kiến thức chứ không nên hoàn toàn phục thuộc vào sự chỉ đạo của khoa, trường.
Đồng thời, khuyến khích sinh viên chủ động tham gia, gợi mở cho sinh viên hướng nghiên cứu và cách thức thực hiện một đề tài. Căn cứ vào các đề tài mà sinh viên đăng ký, nhà trường và các khoa sẽ phân công giảng viên hướng dẫn có chuyên môn phù hợp nhằm hỗ trợ tích cực cho sinh viên trong quá trình thực hiện...
Kết luận hội nghị PGS.TS Thái Văn Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Vinh nhấn mạnh, chất lượng giáo viên chính là nhân tố quyết định chất lượng của nguồn nhân lực sau đào tạo. Vì thế bộ môn, các trưởng bộ môn ngoài giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ sự phạm còn cần đến thiết phải tự đổi mới chính mình. Bởi nếu bộ môn, trưởng bộ trì trệ, chậm đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với tình hình thực tiễn thì nguồn nhân lực đầu ra từ các trường đại học, cao đẳng sẽ thấp.
Thực tế này đòi hỏi các bộ môn, trưởng bộ môn phải nhanh chóng tiếp cận với cách giảng dạy hiện đại, tăng cường tương tác với sinh viên. Có như thế khi ra trường các em mới tiếp cận công việc, nghề nghiệp một cách chủ động, tích cực và sáng tạo.
Cảnh Nam