(Baonghean.vn) -Những ngày gần kề đêm thánh, trên mọi ngả đường, ngõ hẻm ở Giáo xứ Vạn Lộc (Nam Lộc, Nam Đàn), nơi đâu cũng lung linh ánh sáng đặc trưng mùa Noel. Những cây thông điểm xuyết dây kim tuyến lấp lánh, những hang đá giản dị, mỗi ngôi nhà đều treo một ngôi sao trước ngõ... Giáng sinh năm nay bà con giáo dân phấn khởi hơn, bởi đời sống không ngừng được cải thiện, khấm khá, sung túc hơn…
Năm nay, gia đình giáo dân Nguyễn Văn Đồng tràn ngập niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên được đón một Giáng sinh ấm áp trong ngôi nhà mới xây còn thơm mùi vôi vữa sau mấy chục năm lênh đênh trên sông nước. “Trước ở trên nốc (thuyền) chật hẹp không có điều kiện để trang hoàng, trang trí, đến dịp noel cũng chỉ treo đèn ông sao ở đầu mũi thuyền. Năm nay có nhà trên đất liền, dù khó khăn đến mấy chúng tôi cũng phải mua cây thông noel về trang trí cho các cháu được vui…”, anh Đồng tâm sự. Cùng chung niềm vui với gia đình anh còn có 41 gia đình giáo dân thuộc xóm vạn chài Nam Lộc đã được lên bờ nhờ Dự án tái định cư cho người dân Vạn Chài chính thức khởi động từ năm 2009.
Niềm vui được đón Noel trong căn nhà mới
của gia đình giáo dân Nguyễn Văn Đông
Ông Hoàng Nghĩa Hùng - Chủ tịch UBND xã Nam Lộc (Nam Đàn) phấn khởi cho biết: Nam Lộc là xã có đông đồng bào giáo dân (chiếm 93,7%) sinh hoạt tập trung ở 2 cơ sở thờ tự: nhà thờ xứ kiêm họ Vạn Lộc và nhà thờ họ Đặng Phúc. Những năm qua được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cùng sự phối hợp ủng hộ của Cha quản xứ, Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ, bà con giáo dân ở Giáo xứ Vạn Lộc đều rất phấn khởi, chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống gia đình, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do các cấp phát động. Nhờ vậy mà các mô hình điển hình trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội xuất hiện ngày càng nhiều.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, bà con giáo dân đã cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn, phát huy tính tự lực tự cường năng động sáng tạo, mạnh dạn nhận thầu thêm đất, ruộng, ao hồ, lập trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, chăn nuôi để tạo ra năng suất và hiệu quả cao. Điển hình như gia đình ông Đậu Văn Đồng (giáo dân xóm 4), nuôi hàng trăm con lợn, hàng chục con bò, gia cầm 120 con, 1 trang trại cây lâm nghiệp… ước tính doanh thu 320 triệu đồng /năm. Gia đình ông Nguyễn văn Quý (giáo dân xóm 3) nuôi 70 con lớn, 6 con bò, thu nhập 135.000.000 đồng / năm.
Phát huy thế mạnh vườn đồi, bà con giáo dân đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp, đất trống đồi trọc trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp đến nay cơ bản diện tích đồi núi được quản lý, sử dụng và phát huy có hiệu quả kinh tế, có từ 400 đến 500 hộ giáo dân có nguồn thu nhập từ cây ăn quả chủ yếu từ cây chanh mùa và chanh trái vụ, nhiều mô hình có thu nhập từ hàng chục triệu đồng trở lên / năm, điển hình như Gia đình ông Nguyễn Văn Bát (giáo dân xóm 5), trồng 300 gốc chanh, có năm thu từ 40 đến 50 triệu đồng, gia đình Ông Bùi Xuân Ngọc (giáo dân xóm 10) trồng 700 gốc chanh thu từ 50 đến 60 triệu đồng mỗi năm.
Ngành nghề TTCN – dịch vụ thương mại phát triển đa dạng cũng góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân trong xã, đến nay có gần 100 gia đình kinh doanh dịch vụ trong đó có 70 hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ buôn bán hàng tạp hoá, vật liệu xây dựng vật tư phân bón, may mặc, cưa xẻ gỗ, nghề mộc dân dụng, và xuất khẩu lao động ra nước ngoài có kết quả thu nhập cao, cải thiện đời sống mọi mặt của gia đình, làm giàu thêm cho xã hội và khởi sắc bộ mặt nông thôn.
Người dân giáo xứ Vạn Lộc trang trí cho ngày lễ Noel
Phong trào thi đua sống “tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng gia đình giáo dân văn hoá, khu dân cư tiên tiến, các hoạt động văn hoá văn nghệ thể dục thể thao diễn ra sôi nổi khắp giáo xứ. Linh mục và các chức việc trong giáo xứ, giáo họ thường xuyên nhắc nhở việc thực hiện quy chế nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang, loại bỏ dần những tập tục lạc hậu như cưới hỏi không hút thuốc lá, không ăn uống trong đám tang, hạn chế dần tập tục kết hôn sớm… Phong trào toàn dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất phúc lợi xã hội, theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được cộng đồng giáo dân đồng tình hưởng ứng, nhất là trong xây dựng nhà văn hóa, hiện nay 8/11 khu dân cư có nhà văn hóa xóm. Phong trào học tập của con em giáo dân ngày càng được gia đình. Giáo xứ, giáo họ quan tâm hơn, chất lượng học tập được nâng lên, đội ngũ học sinh THPT vào trung cấp, cao đẳng và đại học ngày càng tăng nhanh. Từ năm 2007 đến năm 2012, con em giáo dân đậu vào trung cấp có 76 người, cao đẳng 122 người, đại học 144 người, trên đại học có một người đang học thạc sỹ. Thông qua tuyên truyền vận động của các ban ngành đoàn thể, đã hạn chế dần tập quán sinh đông con, kết hôn sớm, đại bộ phận các cặp vợ chồng dừng lại ở 2 con, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên giảm 1.01 % năm 2007 xuống còn 0.9 % năm 2012.
Các em học sinh ở giáo xứ Vạn Lộc háo hức bên mô hình hang đá
Phát huy tinh thần hiệp thông bác ái, “phúc âm trong lòng dân tộc” của giáo hội công giáo, trong thời gian qua, bà con giáo dân giáo xứ Vạn Lộc đã tích cực đóng góp quỹ ủng hộ người nghèo, giúp đỡ nạn nhân thiên tai lũ lụt, quỹ tình nghĩa, quỹ phụng dưỡng người cao tuổi hàng năm hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu giao… góp phần cùng với địa phương chăm lo giúp đỡ người nghèo, người tàn tật trẻ mồ côi, quan tâm động viên gia đình TBLS, gia đình có công với cách mạng. Các khu dân cư đều xây dựng được hương ước, phát huy tốt quy chế dân chủ giữ gìn tốt an ninh trật tự ở khu dân cư, tăng cường có hiệu quả công tác tự quản, công tác hoà giải, đấu tranh ngăn ngừa phòng chống tội phạm tệ nạn xã hội….
Về giáo xứ Vạn Lộc những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí Giáng sinh ấm cúng, bình an và hạnh phúc. Những khuôn mặt rạng rỡ, tiếng nói tiếng cười vui vẻ của bà con giáo dân nơi đây đã minh chứng cho một cuộc sống yên bình, no ấm, yên vui trên Giáo xứ Vạn Lộc