(Baonghean) - “Bước chân vào nghề xiếc, ai cũng phải xác định là đi trên con đường gian khổ đầy mồ hôi, nước mắt. Bị thương là chuyện đương nhiên”.
NSƯT Lê Quang Ngọc (SN 1953), người đã có 44 năm gắn bó, làm việc trong ngành xiếc nhớ lại, ông đến với nghề xiếc như một cái duyên. Ông sinh ra ở thành phố Vinh nhưng theo gia đình ra miền Bắc từ bé. Đến năm 20 tuổi, ông lại về quê được một thời gian thì có người của Liên đoàn xiếc Việt Nam đến tổ chức tuyển sinh ở Vinh.
Từng đi xem xiếc và rất ấn tượng với loại hình nghệ thuật này, ông Ngọc đăng ký tuyển sinh và nhanh chóng được nhận học. 5 năm học ở Trường xiếc Việt Nam, 1 năm đi tu nghiệp ở Nga, 38 năm rong ruổi cùng các thành viên trong Liên đoàn Xiếc Việt Nam, ông được xem là bậc cha, chú trong đoàn cũng như là người hiểu rõ những khó khăn, cực nhọc của cái nghề này.
Thời mới vào nghề, ông Ngọc cùng 3 người đồng đội nữa trình diễn các tiết mục xà bay. Nhào lộn, quay tít người trên những thanh xà, nhảy từ xà này sang xà kia... là những tiết mục ông đã diễn suốt 23 năm trước khi chuyển sang huấn luyện thú. Ông Ngọc tâm sự: “Bước chân vào nghề xiếc, ai cũng phải xác định là đi trên con đường gian khổ đầy mồ hôi, nước mắt. Còn việc bị thương đã trở thành chuyện như cơm bữa với mỗi người nghệ sĩ”.
Với những tiết mục trình diễn trên không mạo hiểm, càng hấp dẫn người xem bao nhiêu thì nguy cơ tai nạn càng tăng với diễn viên xiếc bấy nhiêu. Chỉ cần sơ sẩy hay mất tập trung một chút thì nghệ sĩ xiếc có thể gặp tai nạn. Nhẹ thì bị thương phần mềm, nặng thì tàn tật phải từ bỏ nghiệp diễn. Chính bản thân ông cũng 3 lần đứng trước lằn ranh sinh tử khi đang biểu diễn trên sân khấu phục vụ bà con.
Vào khoảng thời gian tầm năm 1980, ông 2 lần ngã từ xà ngang xuống đất khi đang biểu diễn ở Nga và Hà Nội. Tai nạn nặng nhất của ông phải kể đến cú ngã khi biểu diễn ở TP. Hồ Chí Minh năm 1982. Ông chỉ nhớ lúc mình tỉnh dậy đã được anh em trong đoàn đưa vào bệnh viện chữa trị gấp vì bị chấn thương ở đầu.
Cho đến nay, cứ mỗi lần trái gió trở trời, vết thương trên đầu của ông lại đau âm ỉ. Không chỉ riêng ông, mỗi người diễn viên trong đoàn trên người không thiếu những vết thương nặng nhẹ sau những lần luyện tập, biểu diễn. Thậm chí, mọi người còn đùa nhau, học xiếc không bị thương thì không gọi là xiếc!
Nghệ sĩ xiếc Đỗ Ngọc Bích, người có hơn 20 năm kinh nghiệm biểu diễn và đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước cho biết, để có 1 tiết mục công phu kéo dài 5 phút cho khán giả thưởng thức, những người nghệ sĩ xiếc phải luyện tập đến 2 tiếng đồng hồ. Tất nhiên, 2 tiếng này mới luyện tập được phần “thô”, còn để cho ra 1 tiết mục bài bản, hấp dẫn hơn thì số giờ tập phải tăng lên gấp đôi, gấp ba. Tuổi nghề của những người nghệ sĩ xiếc cũng không dài.
Mặc dù không có quy định nhưng những người nghệ sĩ xiếc vẫn ngầm hiểu với nhau rằng, những tiết mục biểu diễn trên cao, tiết mục nguy hiểm nên dành cho nam giới tuổi từ 28, nữ giới từ 25 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, cũng không ít người đã trên 30 vẫn gắn bó với những tiết mục mà mình đã trình diễn, luyện tập hàng chục nghìn lần.
Như trường hợp của ông Ngọc, phải đến năm hơn 45 tuổi, ông mới rời bỏ tiết mục xà bay gắn bó với nghiệp diễn xiếc của mình. Không như những người đồng đội lựa chọn nghỉ hưu hoặc chuyển nghề, ông vẫn tiếp tục gắn bó với sân khấu bằng cách chuyển sang dạy thú.
Tuy đã có kinh nghiệm lão làng với xà bay nhưng khi chuyển sang dạy thú, ông phải mất đến 5 năm mới có thể tự tin biểu diễn tiết mục của mình cùng các con vật. Vất vả, cực khổ luyện tập là vậy nhưng những nghệ sĩ xiếc như ông Ngọc, chị Bích vẫn yêu nghề, muốn gắn bó với nghề. Với họ, được thỏa niềm đam mê, mang lại niềm vui cho bà con là niềm hạnh phúc không gì sánh nổi.
Chu Thanh