(Baonghean.vn) - Con dốc thuộc tuyến đường vất vả, gian nan bậc nhất miền Tây này được gọi là “Dốc 10 triệu” bắt nguồn từ lời thách đố vui của các thầy cô giáo Mường Típ, Mường Ải (Kỳ Sơn).

Kỳ Sơn được biết đến là huyện biên giới rẻo cao đặc biệt khó khăn của tỉnh, với trên 95% đất tự nhiên là đồi núi có độ dốc cao, hiểm trở giao thông đi lại cực kỳ khó khăn. Đặc biệt tuyến đường từ trung tâm thị trấn Mường Xén vào các xã Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải … là tuyến đường vất vả, gian nan nhất cho người và phương tiện lưu thông qua đây.
Đây là con dốc thuộc địa phận bản Pủng, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn. Do có độ dốc cao, hiểm trợ, trơn trượt, nhất là vào những ngày mưa, đoạn này gần như là “đoạn đường chết” các phương tiện không thể lưu thông qua đây.
Dốc có chiều dài khoảng chừng 300m, nhưng lại là đoạn đường khó đi nhất của cung đường từ trung tâm xã Mường Ải vào bản Pủng. Các thầy cô giáo ở các trường tiểu học và mầm non của Mường Típ, Mường Ải đã từng treo "giải thưởng": Ai đi qua được con dốc này vào ngày mưa sẽ được cán bộ, giáo viên của các trường kể trên tặng 10 triệu đồng.
Không chỉ trời mưa, những ngày nắng ráo thì việc đi lại trên cung đường này cũng không hề đơn giản.
Mỗi ngày cung đường này có gần 100 cán bộ giáo viên của 4 nhà trường là: trường Tiểu học Mường Típ 1, trường Mầm Non Mường Típ, trường Tiểu học Mường Ải, và trường Mầm non xã Mường Ải cùng hàng trăm lượt người và phương tiện lưu thông
Để vượt qua 300 m đường trơn trượt này, người dân phải giúp nhau đẩy từng phương tiện qua dốc.
Không chỉ phương tiện xe máy, mà ô tô vào thu mua nông sản của người dân cũng không thể qua dốc khi không may gặp trời mưa.
Đôi dép của một người đi đường khi vượt qua đoạn dốc này.
Để tránh những tai nạn, bất trắc cho người và phương tiện tham gia giao thông, người dân bản Pủng thường xuyên tu sửa, san lấp, dọn bùn, tuy nhiên việc tu sửa như thế này cũng chỉ là giải pháp tạm thời.Về lâu dài, cần sự vào cuộc của các ngành chức năng, các cấp chính quyền sớm tu sửa và nhựa hóa tuyến đường để tạo điều kiện cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa và đi lại của cán bộ và nhân dân các xã biên giới.

Clip vượt dốc "10 triệu"

 Lữ Phú

TIN LIÊN QUAN