(Baonghean) - Năm học mới sắp bắt đầu, thời điểm này nhiều điểm trường ở các vùng tái định cư không khí chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh đang rất khẩn trương. Tuy nhiên, ở những nơi cuộc sống của người dân vẫn nhiều khó khăn thì sự học của các em còn không ít gian nan…

Xã Thạch Sơn là nơi đứng chân của một điểm Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 (huyện Con Cuông). Đây là mái nhà chung của 39 học sinh dân tộc Đan Lai. Các em là con em các gia đình dân tộc Đan Lai ở đầu nguồn Khe Khặng chuyển đến định cư tại xã Thạch Ngàn năm 2007 đến nay. Ở điểm trường tái định cư này, để vận động được phụ huynh đưa trẻ đến trường đầy đủ là cả một quá trình đầy gian nan. Ngay trong hè, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền thường xuyên trên loa phát thanh ngày đưa trẻ đến trường. Nhờ vậy mà trong ngày tựu trường, hầu như các em có mặt đầy đủ. Tuy nhiên, đời sống của người dân ở vùng tái định cư này còn nghèo, nên để huy động kinh phí sửa chữa, xây mới phòng học cho các em là rất khó khăn. Bởi vậy, trong hè, nhà trường chỉ tu sửa lại hàng rào bao quanh trường, hàng rào xanh làm từ tre, nứa. Thế nhưng, vừa qua, nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng tặng số tiền tài trợ xây dựng công trình Nguồn nước Thanh niên trị giá 32 triệu đồng và khởi công công trình này tại trường. Cô Đặng Thị Nhàn - Phó Hiệu trưởng nhà trường vui mừng cho biết: “Sắp tới, học sinh, thầy, cô giáo trong trường nói riêng và người dân trên địa bàn nói chung không còn cảnh thiếu nước sinh hoạt, phải xách nước từ khe suối lên dùng từng bữa như trước nữa, mà có cơ hội được sử dụng nước sạch”. 

Học sinh vùng tái định cư Tân Sơn, Môn Sơn (Con Cuông) sắp xếp bàn ghế chuẩn bị năm học mới.
Học sinh vùng tái định cư Tân Sơn, Môn Sơn (Con Cuông) sắp xếp bàn ghế chuẩn bị năm học mới.

Điểm Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 ở bản Thạch Sơn có 5 lớp (trong đó có 1 lớp ghép) nhưng chỉ có 3 phòng học. Trong năm học mới này, nhà trường cố gắng ghép lớp và phải nhờ vào phòng công vụ để bố trí lớp học cho học sinh. Mặc dù chính quyền địa phương cũng như nhà trường đã có nhiều nỗ lực tạo điều kiện học tập cho các em, nhưng học sinh ở vùng tái định cư này vẫn còn phải học tập trong điều kiện thiếu thốn. 

Còn ở điểm Trường Tiểu học Môn Sơn 3 (bản Tân Sơn) - nơi có 34 học sinh người dân tộc Đan Lai theo học, mặc dù cuộc sống của những hộ dân dân tộc Đan Lai tái định cư ở bản Tân Sơn và Cửa Rào chưa dư dả, nhưng nhờ sự chung tay của chính quyền địa phương, nhà trường đã tạo điều kiện học tập cho học sinh nơi đây. Thầy Trần Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Môn Sơn 3 cho biết: “Để chuẩn bị cho năm học mới, ngay từ trong hè, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh tổ chức chỉnh trang khuôn viên sân trường, dọn dẹp phòng học. Đặc biệt, ở xã Môn Sơn, chính quyền địa phương giao chỉ tiêu cho các bản, mỗi bản đóng 10 bộ bàn, ghế cho nhà trường trong năm học mới. Ngoài ra, hàng năm, nhà trường còn đầu tư từ 12 - 15 triệu đồng mua sắm sách vở, trang thiết bị cho học sinh mượn phục vụ việc học tập”. 

Trong không khí các trường học trên toàn tỉnh đang nô nức chuẩn bị tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2014 - 2015, từ lớp học của con em Đan Lai, chúng tôi đến điểm trường tại khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ xã Thanh Sơn, Thanh Chương. Sau 9 năm kể từ ngày người dân vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) xuống tái định cư ở xã Thanh Sơn, cuộc sống của họ đã có những thay đổi đáng kể. Trình độ dân trí được nâng cao, con cháu được học hành đầy đủ.  

Đưa chúng tôi xem qua các phòng học tại Trường THCS Kim Lâm, xã Thanh Sơn, thầy Nguyễn Văn Lương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mặc dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, điểm trường xa khu dân cư, hệ thống nước sạch đã bị hư hỏng... nhưng cán bộ, giáo viên trong trường quyết tâm nỗ lực để làm tốt công tác giảng dạy. Kế hoạch trong năm học mới 2014 - 2015, ngày 12/8 học sinh sẽ tựu trường bước vào năm học mới với 9 lớp và 275 học sinh. Gần đến ngày khai trường, nhưng chỉ còn 6 em đang theo bố mẹ bỏ về quê cũ làm nương rẫy chưa nhập trường. Khu tái định cư có 40% là đồng bào dân tộc Khơ mú, do thiếu đất sản xuất tại nơi ở mới, nhiều hộ tái định cư đã bỏ về quê cũ đưa theo con cái của họ, khiến việc quản lý học sinh sau hè rất khó khăn. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, hội cha, mẹ học sinh vận động các em về nhập học đúng thời gian”.

Ngoài vấn đề khó khăn trong công tác quản lý học sinh mỗi dịp hè, nhà trường cũng đang “khổ sở” vì thiếu nhà công vụ cho giáo viên. Hiện Trường THCS Kim Lâm có 34 cán bộ, giáo viên, đa số đều là những thầy, cô công tác xa nhà, thế nhưng, trường chỉ có 8 phòng công vụ. Nhiều thầy, cô đang phải ở ghép, bình quân mỗi phòng chỉ có 2 người nên chỉ có 16 thầy cô gặp khó khăn hơn được ưu tiên bố trí chỗ ở. Nhà trường muốn có nhà nội trú cho các thầy, cô ở gần trường để yên tâm công tác, thế nhưng, trường có ít phòng quá. Năm ngoái, được các cấp quan tâm, hỗ trợ sửa sang lại phòng học cho các em, nhưng trường vẫn còn thiếu thốn cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy học, thí nghiệm... Nhà trường đã lập tờ trình với UBND huyện, Sở Nội Vụ, Sở GD - ĐT xem xét việc xây dựng trường thành trường dân tộc bán trú nhưng vẫn chưa thấy hồi âm.

Nỗ lực để cho học trò vùng tái định cư có được môi trường học tập tốt, trong thời gian qua, cấp trường và chính quyền đã có những việc làm thiết thực. Trong dịp nghỉ hè, trường đã tiến hành tu sửa, nâng cấp một số cơ sở: nhà vệ sinh, công trình nước sạch... Từ ngày 2/8-14/8, giáo viên trường không quản khó khăn, quay lại trường sớm để vận động và bồi dưỡng kiến thức cho các học sinh yếu kém, giúp các em có được nền tảng kiến thức tốt để vững vàng tự tin bước vào năm học mới. Ngoài ra, để hỗ trợ nâng cao kiến thức cho con em vùng tái định cư, trường đã được các điểm Trường THCS thị trấn, Trường THCS Đông Tường hỗ trợ 400 đầu sách tham khảo, sách giáo khoa... Đó là món quà quý giá, động viên các em trong năm học mới.

Ngày tựu trường cận kề, bỏ qua những bộn bề lo toan, thầy cô và giáo viên trường đang cùng nhau nhổ cỏ, trồng cây tại khuôn viên trường, bàn ghế đã được nép gọn để sẵn sàng bước vào năm học mới. Chia tay Trường THCS Kim Lâm, trở về thành phố khi trời đã nhá nhem tối. Mong ước của em La Văn Yêu, học sinh người Khơ mú vẫn khắc khoải trong chúng tôi: Năm học mới, em mong không phải lặn lộn về bản quê mà được no bụng, đi học với quần áo và cặp sách mới...  

Mặc dù ở các điểm trường tái định cư nơi này, nơi khác còn những thiếu thốn phòng học, phòng xuống cấp, thiếu các công trình phụ trợ… Nhưng ở các bản làng vùng sâu, vùng xa này, năm học mới đã đến, nhưng không ít em không có nổi chiếc áo mới để mặc, chiếc cặp sách cũng đã cũ, đôi dép mòn… vì thế vận động được các em đến trường học cái chữ đã là sự nỗ lực lớn của giáo viên, nhà trường và chính quyền địa phương. 

Bài, ảnh: Đình Nguyệt - Phạm Ngân