Gian nan hành trình ra Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Chuyến đi đến với Trường Sa, đến với những cán bộ, chiến sĩ và cả nhân dân đang ngày đêm sinh sống, bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc thực sự là một niềm vinh dự, tự hào vô cùng lớn lao mà chúng tôi có dịp được trải qua.

“Đạp sóng” ra khơi

Tác nghiệp tại vị trí đài điều khiển. Ảnh: Tiến Đông

Tác nghiệp tại vị trí đài điều khiển. Ảnh: Tiến Đông

Theo lịch trình, 2 con tàu 490 và 561 chở đoàn công tác gần 100 phóng viên và nhiều cán bộ, chiến sĩ đến chúc Tết quân và dân tại 21 đảo, điểm đảo và 33 điểm đóng quân của Quân đội nhân dân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Phóng viên Báo Nghệ An được sắp xếp đi trên con tàu 490 đến thăm các đảo phía Bắc, gồm Song Tử Tây, Đá Nam, Len Đao, Cô Lin, Sinh Tồn.

Tại quân cảng Cam Ranh, sau khi Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức xong Lễ tiễn đoàn công tác đi Trường Sa. Đúng 16h30 phút các tàu đồng loạt kéo vang 3 hồi còi chào tạm biệt và lần lượt nhổ neo rời cảng. Tất cả các thành viên trong đoàn công tác xếp hàng ngay ngắn trên boong tàu vẫy chào đất liền. Ai nấy đều rưng rưng.

Lúc này, tranh thủ tàu chưa ra khỏi vịnh, anh em phóng viên tập trung hết trên boong, viết vội tin, bài kèm hình ảnh gửi về tòa soạn. Khi tàu đã rời xa đất liền, sóng bắt đầu đánh mạnh. Những con sóng cao từ 5m vỗ mạnh vào hai bên mạn khiến con tàu rung lắc dữ dội. Màn đêm dần buông, xung quanh chúng tôi toàn một màu đen kịt, chỉ còn tiếng động cơ, tiếng sóng vỗ cùng gió rít qua khe cửa. Con tàu vẫn đạp sóng thẳng hướng Trường Sa.

Các chiến sĩ trên tàu theo dõi hải trình. Ảnh: Quang An

Các chiến sĩ trên tàu theo dõi hải trình. Ảnh: Quang An

Những anh, chị em lần đầu tiên ra khơi dường như cũng đã cảm nhận được sự khắc nghiệt giữa muôn trùng sóng biển. Những đợt sóng dồn dập khi gió mùa Đông Bắc đột ngột kéo về đã khiến cơn say sóng đến nhanh hơn nhiều người nghĩ. Bữa cơm tối đầu tiên trên tàu, đoàn phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí có 50 người nhưng đã thiếu hơn phân nửa, đặc biệt là các phóng viên nữ. Say sóng khiến họ không thể rời khỏi giường. Một số người chỉ dám cầm hơi bằng chút cháo trắng hay miếng lương khô mang theo. Đêm đầu tiên trên biển đối với nhiều người thực sự là một trải nghiệm khó quên.

Đảo Sinh tồn trong quần đảo Trường Sa. Ảnh: Tiến Đông

Đảo Sinh tồn trong quần đảo Trường Sa. Ảnh: Tiến Đông

Bước sang ngày thứ 2, khi cơn say sóng tạm lắng xuống, đoàn phóng viên bắt đầu “khám phá” con tàu, làm quen với các cán bộ, chiến sĩ. Những câu chuyện vui, những lời chia sẻ thân tình khiến cho hải trình dường như ngắn lại. Trên tàu có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ra Trường Sa công tác. Có những chiến sĩ mới mười tám, đôi mươi, lần đầu tiên ra đảo xa. Cũng có những cán bộ, chiến sĩ đã nhiều lần ra đảo, lần này lại tiếp tục vượt sóng tăng cường cho Trường Sa. Dù là lần đầu hay nhiều lần, điểm chung ở họ chính là một tình yêu mãnh liệt với biển, đảo quê hương. Họ nóng lòng ra Trường Sa để sẻ chia khó khăn với những người đồng đội, nhân dân đang ngày đêm bám trụ trên đảo.

Cuộc gặp gỡ những người Nghệ

Từ khu vực phòng nghỉ của phóng viên, chúng tôi có mặt tại đài chỉ huy của con tàu. Từ đây phóng tầm mắt ra xa cũng chỉ có thể nhìn thấy xung quanh toàn là mênh mông nước biển. Chỉ có theo dõi qua những màn hình, sóng ra đa mới biết được con thuyền đang ở vị trí nào trên Biển Đông. Vinh dự hơn khi chúng tôi được trò chuyện với Thuyền trưởng - Đại uý Trần Văn Nhật, quê ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, người đã có 15 năm trong quân ngũ, chưa kể thời gian được đào tạo tại Học viện Hải quân. Đây là con tàu thứ 4 anh vinh dự được đồng hành. Ngoài những thời gian đi làm nhiệm vụ trên biển, với vai trò Thuyền trưởng, anh phải thường xuyên gắn bó với tàu. Phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện công tác bảo quản máy móc, thân vỏ, tổ chức huấn luyện, bảo quản trang thiết bị kỹ thuật.

Chia sẻ về những hành trình làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, Đại uý Trần Văn Nhật cho biết, đối với những hải trình dài ngày, thường sẽ phải có một ca hàng hải và ca vận hành động lực. Ngoài đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn, nhiều khi tàu còn tham gia nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ vào mùa mưa bão. Có những lúc, khi nghe tin ngư dân gặp nạn, từ vị trí làm nhiệm vụ, anh em lại tức tốc vượt sóng để kịp thời có mặt.

Đại uý Nhật kể lại, lần gần nhất tàu tham gia cứu nạn là vào năm 2020, có một tàu cá của ngư dân Quãng Ngãi bị chìm gần đảo Đá Nam. Sau khi nhận tín hiệu, tàu đã mất khoảng 6 tiếng để tiếp cận vị trí các ngư dân gặp nạn. Sau đó, đã kịp thời cứu được 6 ngư dân lên tàu an toàn.

“Khi tàu cá gặp nạn, thường họ sẽ phát tín hiệu cấp cứu. Sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu, trạm bờ sẽ thông báo ngay cho các lực lượng cứu hộ ở gần đó để có thể kịp thời đến ứng cứu. Tuy nhiên, do tín hiệu cấp cứu chỉ phát được trong một thời gian ngắn, ngay trước thời điểm tàu chìm cho nên lực lượng cứu hộ phải căn theo gió, dòng nước để tiến đến vị trí phát tín hiệu lần cuối một cách nhanh nhất. Trong quá trình đến vị trí cứu hộ phải lập kế hoạch trên hải đồ, xác định vùng cần tìm kiếm. Các tàu sẽ phân vùng, kết hợp với ra đa để tiếp cận vị trí cứu hộ. Bởi nếu để kéo dài ngư dân sẽ gặp nhiều nguy hiểm” - Đại uý Trần Văn Nhật chia sẻ.

Trên hành trình này, chúng tôi còn được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều cán bộ, chiến sĩ người Nghệ An ra Trường Sa công tác. Đại uý Nguyễn Ngọc Dương, quê tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, công tác tại Lữ đoàn 146. Trải qua 25 năm trong quân ngũ, anh đã từng có 5 năm công tác tại các đảo Trường Sa, Phan Vinh. Lần này anh tiếp tục lên đường tăng cường cho đảo Sinh Tồn Đông. Do đã quá quen với sóng gió Trường Sa nên trước mỗi giờ cơm, anh lại xuống nhà bếp hỗ trợ các anh nuôi quân nấu ăn. Anh Dương bảo, ngồi trên tàu đã khó, nấu ăn trên tàu lại càng vất vả hơn. Nhiều lúc cơm canh đã chuẩn bị trên bàn cả rồi, chỉ một cơn sóng làm nghiêng tàu là bao nhiều công sức của anh em đổ “xuống sông, xuống biển”. Để nấu được bữa ăn cho mọi người, nhiều lúc anh em phải một tay vịn vào lan can, một tay bưng bê nồi niêu xoong chảo. Khó khăn là thế nhưng anh em lúc nào cũng vui vẻ, đoàn kết để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Dù đã có nhiều lần ra đảo, trong đó đã từng có mặt tại 33 điểm đảo, nhưng lần nào đến với Trường Sa của Đại uý Nguyễn Ngọc Dương cũng dâng lên những cảm xúc khó tả. Với anh, được cống hiến những năm tháng tuổi trẻ cho Trường Sa, cho quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào mà chắc chắn anh sẽ không bao giờ quên.

Sau 1 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển, con tàu 490 đã đưa đoàn công tác chúng tôi tiếp cận với đảo Song Tử Tây. Thế nhưng, do sóng to giật đến cấp 8, cấp 9 khiến việc tiếp cận hòn đảo gặp rất nhiều khó khăn. Trưởng đoàn công tác thông báo trên loa rằng, việc lên đảo có thể phải đợi từ 1 đến 2 ngày sau khi biển lặng sóng. Nhận được thông tin ai nấy cũng buồn. Chỉ biết động viên nhau bằng câu hát “Không xa đâu Trường Sa ơi/Không xa đâu Trường Sa ơi/Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh…”.

Tin mới