(Baonghean.vn) - Những ngày cuối năm, được theo chân đoàn tình nguyện đi tặng quà cho học sinh tại điểm trường bản Mường Lống, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 - xã Tri Lễ, huyện Quế Phong chúng tôi mới thấy hết sự gian khó trên con đường vào bản.

Trung tâm bản Mường Lống
Trung tâm bản Mường Lống

Đường đi vào bản Mường Lống – là một bản nằm trên đỉnh núi trên độ cao hơn 1000 m so với mực nước biển. Đường vào bản dốc ngược, trơn trượt, quanh co. Những chiếc xe máy nối nhau đi theo vệt xe theo một đường lòng máng. Vang trong rừng là tiếng xe rú ga ầm ầm và mùi khói xe khét lẹt. Đưa chúng tôi lên bản là những tay lái rất cừ khôi. Chính nhờ gắn bó với con đường mà họ đã trở nên lão luyện. Họ chính là những thầy giáo đã từng gắn bó với nơi này từ 5 - 7 năm.

Vì đường trơn và dốc mỗi xe không thể chở được nhiều hàng. Cứ đến 1 dốc cao cả người lái xe, lẫn người ngồi theo xe lại phải xuống đi. Tất cả mọi người ai cũng như ai quần áo đều lấm lem bùn đất. Càng đi càng thấy dốc càng ngược càng cao lên, mây che mờ trước mặt. Đi cứ được khoảng 30 phút thì dừng xe để lấy cành cây chòi bớt bùn đất bám vào bánh xe, chống trơn trượt rồi mới có thể tiếp tục hành trình. Chỉ có gần 20 km nhưng phải mất gần 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới vượt qua con đường đầy khổ ải để đến trung tâm bản Mường Lống.

Thầy giáo Lê Minh hiệu trưởng trường Tri Lễ 4, tâm sự: “Do đặc thù các giáo viên nhà trường toàn phải dạy ở các bản vùng sâu, vùng xa nên toàn bộ 41 giáo viên đều là thầy giáo. Hôm nay, các anh vào đường đi được xe máy như thế này là đỡ nhiều rồi đấy, trước chúng tôi toàn phải đi bộ vào bản”. 

Lúc vào đã khó đi, lúc đi ra lại còn khó hơn. Xe chủ yếu xuống dốc, gặp đường trơn chúng cứ như con ngựa bất kham, cứ chực chồm ra khỏi con đường ven núi mà lao xuống vực…

Xin gửi tới độc giả những hình ảnh về con đường tới bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong:

Bắt đầu con dốc đường vào bản Mường Lống
Lên dốc nứa
Đường trơn khiến xe xoay ngang
Bánh xe sau luôn phải lọt vào lòng máng của bánh xe đi trước tạo ra
Vào bản Mường Lống còn phải đi qua 1 cây cầu gỗ nhỏ

Phương Linh