(Baonghean) -Đó là những tấm gương “Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy” một cách âm thầm, lặng lẽ nhưng rất đỗi kiên trung của các cựu chiến binh từng bị địch bắt tù đày qua hai cuộc chiến tranh của huyện Nam Đàn.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Trần Văn Vinh, sinh năm 1938 tại xã Nam Cường. Sau trận chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ bị thương cụt cả hai tay và hai chân, bị địch bắt giam cầm ở nhà tù Phú Quốc từ 1970 đến 1973 mới được trao trả. Ra tù, trở về quê, vẫn kiên cường vượt lên số phận, sống vui, sống khỏe động viên vợ con gắng sức làm lụng, học hành. Ba người con của ông đều thành đạt.
Người thứ hai là ông Nguyễn Công Huy (tên khai sinh là Nguyễn Công Huyền), sinh năm 1947 tại xã Nam Xuân, dưới chân núi Đại Huệ. Năm 1965, ông lên đường vào Nam chiến đấu và trong một trận đánh ác liệt gần Biên Hòa liệt cả hai tay, hai bàn chân rồi bị địch bắt. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông trở về với thương tật vĩnh viễn hơn 90%, là thương binh ¼. Nhớ lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông tìm tài liệu về tự học nghề sửa chữa điện tử, rồi trở thành thợ sửa chữa tivi nổi tiếng trong vùng. Từ nghề sửa chữa tivi, cộng thêm phụ cấp thương tật, ông đã nuôi 4 người con học hành thành đạt.
Ông Nguyễn Công Huy đang sửa chữa điện tử tại nhà.
Trường hợp thứ ba là Nhà giáo Ưu tú Hoàng Nguyên, ông vừa là thành viên Hội Giáo chức, đồng thời là hội viên Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Nam Đàn, sinh năm 1932 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, hiện nay nghỉ hưu và sinh sống tại xã Kim Liên. Ông Nguyên nhập ngũ từ 1952 thời chống Pháp. Trong cuộc chiến ở Nam Trung bộ (Phú Yên), ông bị thương nặng, cụt mất một chân, sau đó bị địch bắt. Sau Hiệp định Giơnevơ, ông được trao trả rồi tập kết ra Bắc và xuất ngũ. Là thương binh 2/4, ông chọn nghề giáo để tiếp tục cuộc sống. Trong 10 năm liên tục (1955-1965), ông vừa tham gia dạy cấp I rồi bổ túc văn hóa, ông vừa tự học hàm thụ để tốt nghiệp đại học sư phạm trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Sau hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, liên tục đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, đến năm 1988, trong đợt đầu tiên xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, ông là người đầu tiên của ngành Giáo dục Nghệ An vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này khi đang là Hiệu phó Trường THCS xã Kim Liên.
Ông Trần Đình Hệ - Chủ tịch Hội Chiến sỹ bị địch bắt tù đày huyện Nam Đàn cho biết: Nam Đàn là địa phương sớm thành lập Hội các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày (từ 2009). Qua gần 4 năm thành lập, Hội vận động xây 1 ngôi Nhà tình nghĩa cho hội viên Nguyễn Văn Trinh ở xã Nam Tân; các ngày lễ, Tết đều đến thăm hỏi, tặng quà cho các hội viên... Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chiến sỹ năm xưa vẫn một lòng phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, của Bác, đó là “thương binh tàn nhưng không phế”.