(Baonghean) - Liên quan đến việc xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình mình, bà Nguyễn Thị Dung ở phường Hưng Bình (Tp. Vinh) đã viết đơn “tố” các cán bộ thừa hành thiếu đạo đức công vụ khiến bà cực nhọc hàng năm trời nhưng vẫn không xong. Tìm hiểu, sự “chậm” là có nhưng nguyên nhân không đúng như đơn đã viết. Người hiểu chuyện đều bảo là do bà “giận cá, chém thớt”…
Theo đơn, bà Nguyễn Thị Dung trình bày: Cuối năm 2009, bà Dung cùng chồng làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Chính quyền địa phương sau khi tiếp nhận đơn đã kiểm tra xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất; lập biên bản công nhận bà đủ điều kiện đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ; đồng thời đã thực hiện niêm yết công khai tại trung tâm giao dịch một cửa của địa phương 15 ngày theo Nghị định 181/2004/NĐ.CP. Sau đó, bà đã đưa hồ sơ lên cấp thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Năm 2010, chồng bà lâm trọng bệnh và qua đời.
Rối ren trong cảnh tang gia, bà chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện đất đai, cấp bìa. Bẵng đi hơn một năm, khi tiếp tục trình hồ sơ thì cán bộ thừa hành lấy lý do chồng bà đã mất, trong khi hồ sơ vẫn là cả hai vợ chồng nên yêu cầu bà làm lại, bổ sung thêm một số giấy tờ mới như giấy chứng tử, biên bản thừa kế… để một mình bà đứng tên trên giấy chứng nhận QSDĐ. Và chuyện rắc rối bắt đầu từ đây. Liên tục gần 3 năm trời, bà đôn đáo xuôi ngược, cực nhọc trăm bề nhưng chẳng làm lại được hồ sơ, không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Bức xúc, bà viết đơn gửi đi nhiều cơ quan để hỏi. Và nơi nào cũng nói chính quyền các cấp liên quan tắc trách, với hồ sơ của bà đã lập năm 2009, đã quá đủ để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Vì vậy, bà mong báo chí phê phán sự thiếu đạo đức công vụ của cán bộ có liên quan…
Nguyên là công nhân lao động, thế nên gia cảnh của bà Nguyễn Thị Dung chẳng lấy gì làm dư giả. Bà có hai người con gái, một đi lấy chồng, một đang học nghề ở cùng với mẹ. Trao đổi, bà Nguyễn Thị Dung công nhận đơn do bà viết và khẳng định nội dung đơn đúng sự thật. Bà kể, năm 1993, bà và chồng mua đất và nhà của một người cùng địa phương. Khi mua, có giấy tờ bàn giao nhà; giấy biên nhận tiền (có ghi số xê ri)… nhưng thiếu hiểu biết pháp luật nên chỉ có ký nhận giữa hai bên, không có xác nhận của cơ quan chức năng. Sau này, vợ chồng bà đã gặp gia đình bán đất làm lại giấy mua bán, nhưng họ đòi phải trả tiền công 10 triệu đồng. Vì gia đình bà đã ở ổn định hàng chục năm, không hề xẩy ra điều tiếng gì nên chồng bà cũng không quan tâm đến nữa…
Bà Nguyễn Thị Dung đưa cho chúng tôi xem bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì quả nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của gia đình bà khá rõ ràng, đã được chính quyền địa phương và cả những người có trách nhiệm ở cơ sở xác nhận. Hỏi rằng, chính quyền địa phương từng công nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, tại sao gây khó khăn khi thực hiện lại hồ sơ? Bà Nguyễn Thị Dung một mực không biết nguyên nhân, và cho rằng, tất cả chỉ là vì cán bộ thiếu trách nhiệm, hạch sách này nọ gây khó khăn. Gặng hỏi mãi, bà cho biết có chút chuyện với gia đình phía nhà chồng, vì bà chỉ có 2 người con gái nên sau khi chồng mất, em trai của chồng “có thế này thế nọ”.
Về phường tìm hiểu, những cán bộ có liên quan tỏ ra ái ngại cho bà Nguyễn Thị Dung. Theo họ, năm 2009, chính quyền đã hoàn tất hồ sơ để bà được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Vậy nhưng, sau khi chồng bà mất thì phát sinh đơn thư khiếu nại của người em chồng (là ông N, sống ở tỉnh khác). Cán bộ địa chính phường nói rằng: “Đã phát sinh khiếu kiện ngay khi bà Nguyễn Thị Dung tiếp tục đề nghị cấp quyền sử dụng đất, sau đó họ đưa nhau ra tòa. Tòa xử, và người em chồng thắng kiện, mảnh đất thuộc quyền sở hữu của ông N. Thế nên bà ấy mới viết đơn từ như thế …”. Cán bộ Phòng TN&MT Thành phố cho biết: Chúng tôi đã nhận được một số công văn chuyển đơn của bà Dung. Chồng bà ấy mất thì phải sửa lại hồ sơ, đấy là quy định. Thế nhưng, ngay sau đó lại phát sinh khiếu nại, nên chúng tôi phải tạm dừng các thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ để chờ giải quyết. Mà bà Nguyễn Thị Dung phải hiểu là kể cả khi đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, nếu phát sinh khiếu kiện, xác định việc cấp sai thì cũng phải thu hồi hủy bỏ...
Tìm hiểu ở toà án được biết: Sau khi chồng bà Nguyễn Thị Dung qua đời, ông N - em chồng, đã làm đơn khiếu nại; sau đó kiện nhau ra tòa án. Năm 2013, tòa án mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự “Kiện đòi lại tài sản”, nguyên đơn là ông N, bị đơn là bà Nguyễn Thị Dung. Tại tòa, ông N cho rằng đất là do ông bỏ tiền ra mua. Vì người anh chưa có chỗ ở, bản thân ông lại ở tỉnh khác chưa có nhu cầu sử dụng nên cho gia đình anh trai mượn đất. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Dung thì lại cho rằng bà cùng chồng trực tiếp mua. Số tiền mua đất là vay của ông N, nhưng đã hoàn trả đầy đủ.
Việc mua bán có giấy tờ, có người bán ký xác nhận... Vậy nhưng, trong quá trình giải quyết vụ án, cả hai vợ chồng người bán nhà lại không công nhận đã bán cho bà Nguyễn Thị Dung, mà xác nhận đã bán cho ông N; khi bán, có người làm chứng và có ghi lại xê ri tiền mặt; đồng thời, không thừa nhận đã ký vào bất kỳ một giấy tờ nào có liên quan đến việc bán nhà, đất mà bà Nguyễn Thị Dung lưu giữ. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Dung có nói đến việc vay tiền của ông N nhưng ông này không công nhận có việc trả tiền; bà Nguyễn Thị Dung cũng không có giấy tờ chứng minh việc trả tiền. Xét các thông tin liên quan, hội đồng xét xử tuyên buộc bà Nguyễn Thị Dung phải trả lại quyền sử dụng đất cho ông N…
Theo quy định của luật đất đai, để thực hiện được việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì một trong những điều kiện đầu tiên là phải được chính quyền địa phương xác nhận đất không có tranh chấp. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Dung, thửa đất đề nghị cấp quyền sử dụng đất không những đang có tranh chấp mà tòa đã tuyên bà không phải là chủ sở hữu của thửa đất. Vì vậy, chính quyền phường Hưng Bình, thành phố không thực hiện cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà là tuân thủ đúng theo quy định của luật. Trong sự việc này, nếu giữa bà, người em chồng và người bán nhà đất có điều gì uẩn khúc, chưa rõ ràng dẫn đến quyết định của tòa án nhân dân huyện T chưa đảm bảo đúng thì bà nên làm đơn kháng cáo để được tòa án cấp tỉnh xem xét xử phiên phúc thẩm. Rất không nên “giận cá, chém thớt”, đơn từ khiếu nại những người không liên can, vừa mất thời gian công sức bản thân, chẳng giải quyết được việc gì lại bị người đời đàm tiếu…
Hà Giang