Còn đúng một tuần nữa, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về mức 50% (giảm 10% so với trước). Đây là áp lực không nhỏ cho các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước khi mà lộ trình giảm thuế sẽ tiếp diễn và chỉ dừng lại khi cán mức 0% vào năm 2018.
Cùng với thuế giảm, nhiều nhận định cho rằng, giá xe nhập khẩu từ khu vực này sẽ giảm tương ứng theo lộ trình. Cụ thể, năm 2014 thuế nhập khẩu sẽ giảm 10% còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, 2017 xuống 10% và đến năm 2018 là 0%.
Đây là tin vui đối với những người đã và đang muốn sở hữu ô tô. Bởi hiện nay, số lượng xe nhập khẩu tại những nước trong khu vực đang chiếm một tỷ trọng khá cao trên thị trường xe nhập khẩu.
Theo thống kê mới nhất của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 11 tháng qua, đã có 31.268 ô tô nhập khẩu nguyên chiếc với kim ngạch 624 triệu USD được đưa vào VN. Điều đáng nói là trong đó có đến 8.826 ô tô nhập từ Thái Lan và Indonesia với kim ngạch gần 150 triệu USD.
Đây là hai nước có nền công nghiệp ô tô phát triển nhất khu vực và có sự tham gia của hầu hết các hãng xe lớn nhất thế giới. Thời gian qua, những thương hiệu ô tô nhập về VN chủ yếu là Toyota, Honda, Ford - vốn đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp trong nước.
Với những ưu đãi về thuế quan cho xe nhập khẩu, nhiều nhận định cho rằng, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ gặp không ít khó khăn vì phải cạnh tranh với ô tô nhập giá rẻ. Và trong cuộc chiến xe nội - ngoại này, người tiêu dùng sẽ được sở hữu những chiếc xe ưng ý với giá rất... mềm.
Bởi lâu nay, giá ô tô trong nước được xem là cao nhất nhì thế giới (bằng 2 - 4 lần so với các nước) nên việc giảm thuế nhập khẩu sẽ khiến lượng xe về VN tăng lên và như vậy sẽ góp phần giảm giá bán.
Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, chưa biết giá xe có giảm như bàn luận hay không thì phải đợi... hạ hồi phân giải. Còn hiện tại, hiện nay, hầu hết các hãng xe ở VN đều đang "đi hai chân", cùng lúc thực hiện hai vai trò: nhà sản xuất và nhà nhập khẩu ô tô. Vì thế, dù là xe nhập hay xe lắp ráp trong nước thắng thế thì DN cũng có thể điều chỉnh giá bán sao cho có lợi nhất. Nếu sản xuất, lắp ráp không có lợi thì họ sẽ chuyển sang nhập khẩu và ngược lại.
Hiện nay, mặc dù Chính phủ vẫn dành nhiều hỗ trợ cho DN sản xuất nhưng thực tế do thị trường không còn nhiều lợi thế, đã có nhiều DN đẩy mạnh việc nhập khẩu xe. Với xe nhập khẩu thì gần như các hãng xe đều nắm "quyền sinh sát". Cũng có một số DN chuyên nhập xe về kinh doanh nhưng vẫn không thể cạnh tranh lại với... chính hãng. Điều này là hẳn nhiên vì muốn muốn nhập khẩu xe từ nước ngoài về, các chủ DN phải trực tiếp làm việc với các các hãng để thương lượng. Và hiện nay, các liên doanh hầu hết đều là đại diện cho hãng, đảm nhận luôn vai trò kinh doanh xe nhập.
Nếu đặt giả thuyết xấu nhất là áp lực xe nhập đã khiến cho thị trường chỉ còn một vài DN sản xuất, phần còn lại chuyển sang nhập khẩu thì giá bán xe trên thị trường chưa chắc đã giảm vì việc này đều do nhà sản xuất quyết định. DN có thể "liên kết với nhau" đưa ra giá bán nên việc mua được ô tô nhập có giá rẻ điều rất khó.
Vấn đề quan trọng nhất cho đến thời điểm này là các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc để DN nhanh chóng đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, những DN ít ỏi còn sản xuất, lắp ráp xe cũng nên có những đối trọng để cạnh tranh với xe nhập.
Năm 2014, thị trường ô tô đang dự đoán sẽ tăng trưởng 15% so với năm nay, trong đó, một phần tăng trưởng nhờ vào lộ trình giảm thuế nhập khẩu. Ngoài ra, việc giảm phí trước bạ xuống còn 10% cho khu vực TP.HCM từ 1/1/2014 được xem là gỡ nút thắc cho thị trường vì TP.HCM vẫn là thị trường tiêu thụ ô tô lớn nhất nước với khoảng 30% thị phần. Khi đó, chưa biết áp lực xe ngoại có nhẹ hơn không nhưng tăng trưởng là tín hiệu đáng mừng cho một ngành đã được "nuôi" từ nhiều năm nay!
Theo.thoibaokinhte