Đây là thông tin được PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết tại cuộc họp trực tuyến chiều 10/8 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An để nghe và cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

bna_img_02177294272_1082021.jpgCác đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đồng chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Người đứng đầu ngành Y tế Nghệ An cho biết: Liên quan đến ổ dịch cũ trên địa bàn tỉnh như TP. Vinh và các huyện: Tương Dương, Kỳ Sơn, Yên Thành hiện nay cơ bản đã được kiểm soát, các trường hợp ca bệnh mới đều đã được cách ly và theo dõi kịp thời. Ổ dịch tại huyện Quỳnh Lưu đã có chiều hướng ổn định, các trường hợp ghi nhận mới đều đã được cách ly từ trước.

Tuy nhiên, các ca bệnh tại các khu cách ly tập trung vẫn đang có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng nếu không thực hiện tốt công tác quản lý. 

Nghệ An là địa bàn rộng lớn, nhiều mối giao thông qua lại. Thời gian vừa qua nhiều tỉnh thành trên cả nước đang đồng loạt xuất hiện các ổ dịch phức tạp, tập trung tại các tỉnh phía Nam.

Người dân trở về từ các địa phương trên cả nước đông, một bộ phận lớn trở về theo đường bộ, tự phát và không được quản lý kịp thời, số ca dương tính trong nhóm công dân trở về từ các địa phương có dịch gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng.

Trong 14 ngày trở lại đây trên địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận trên 11.000 trường hợp trở về từ các địa phương có dịch trên cả nước, trong đó ghi nhận trên 9.000 trường hợp trở về từ các tỉnh phía Nam (trở về từ TP. Hồ Chí Minh là 3.770 (1.492 trường hợp trở về theo hỗ trợ của tỉnh); Bình Dương là 4.114..., ngoài ra số công dân về từ Hà Nội là 822 công dân.

Liên quan đến các ca bệnh từ các tỉnh miền Nam về Nghệ An tính từ đầu mùa dịch đến nay, ghi nhận 141 ca.

 

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh nhận định: Mặc dù các ổ dịch nội tại trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên với diễn biến dịch phức tạp trong cả nước và trên thế giới, Nghệ An vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, nguy cơ bùng dịch trên địa bàn tỉnh là rất lớn. 
PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Về thời gian tới, đồng chí đề nghị Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục kiên trì định hướng, chiến lược phòng, chống dịch của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. 

Trong đó tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chiến lược “5K+Vắc xin” với cá nhân, an toàn Covid với cơ sở sản xuất kinh doanh và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi. 

Thống nhất cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành; bảo đảm tuân thủ yêu cầu chuyên môn chống dịch đồng thời ổn định đời sống nhân dân, ổn định xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn, không làm xáo trộn trên mức cần thiết đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Đặc biệt, đồng chí Dương Đình Chỉnh đề nghị: Xây dựng, cập nhật các kịch bản chống dịch đối với các tình huống dịch bệnh xấu nhất trên địa bàn với quan điểm “Chống dịch như chống giặc” sẵn sàng đáp ứng nhanh, kịp thời, không để dịch lây lan rộng trên địa bàn. 

Cùng với đó đẩy mạnh thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nhất là chú trọng công tác điều tra truy vết; lựa chọn, bố trí địa điểm cách ly tập trung phù hợp, vừa khoa học, vừa đảm bảo sắp xếp và quản lý các khu cách ly tập trung nhằm tránh tối đa lây chéo trong khu cách ly; đưa ra quyết định giãn cách phù hợp; chủ động bố trí nguồn lực, vật lực cho tình huống xấu nhất xảy ra trên địa bàn.

Mặt khác, PGS. TS Dương Đình Chỉnh đề nghị tăng cường quản lý người trở về từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Yêu cầu quản lý chặt người đi, đến từng thôn, bản, khối, xóm nhằm kiểm soát dịch từ bên trong và nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài.

Phát huy tối đa vai trò sức mạnh của Nhân dân, đặc biệt là các Tổ Covid cộng đồng, chủ động nắm rõ công dân trên địa bàn hiện đang sinh sống, làm việc tại các địa phương đang ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Giám sát, quản lý chặt chẽ người từ vùng dịch, vùng cách ly xã hội, giãn cách xã hội trở về địa phương.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, địa bàn phụ trách cho từng thành viên Ban chỉ đạo trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 tại cộng đồng, các cơ sở y tế, cơ sở cách ly. Yêu cầu việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid -19 của các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và Nhân dân trên địa bàn.

Khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cấp huyện và xây dựng kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm Chủng vắc xin phòng Covid-19  giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn. Sẵn sàng triển khai ngay khi có sự phân bổ của Bộ Y tế, UBND tỉnh.

Chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác truyền thông, liên tục dưới nhiều hình thức, đa phương tiện nhằm nâng cao ý thức của người dân, phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch ở tất cả các khu dân cư, triển khai hoạt động mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả.