(Baonghean) - Lễ Trao giải Sáng tạo KH-CN tỉnh Nghệ An năm 2013 đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà giáo, kỹ sư, cán bộ nghiên cứu và người dân. Điểm nổi bật của các công trình tham gia Giải thưởng Sáng tạo KH-CN lần này, các tác giả và nhóm tác giả đã chú trọng đến tính hiệu quả và tiện ích của công trình, bám sát yêu cầu từ cuộc sống, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội. 
 
images917097_3a.jpgLãnh đạo tỉnh trao bằng chứng nhận cho nhóm tác giả đạt giải.
 
Cũng như những năm trước, lĩnh vực giáo dục đào tạo và y tế luôn thu hút nhiều tác giả tham gia với nhiều công trình. Trong đó, lĩnh vực y tế với 2 công trình đạt giải Điều trị bệnh ung thư dạ dày bằng phẫu thuật nội soi kèm nạo vét hạch của Nguyễn Văn Hương và cộng sự - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An; Điều trị bệnh dị dạng mạch não bằng can thiệp nội mạch của Dương Đình Chỉnh và Nguyễn Tất Thắng - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Lĩnh vực giáo dục với 2 công trình đoạt giải Công trình Xây dựng và giảng dạy một số hệ thống các bài toán trong chương trình THPT của tác giả Võ Thanh Hải - Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu; Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và dạy học của tác giả Cao Trường Sinh và Nguyễn Thị Mai Thơ - Trường Đại học Y khoa Vinh. Mặc dù có khá nhiều giải pháp tham gia Giải thưởng Sáng tạo KH-CN nhưng các công trình thuộc lĩnh vực này thường không đạt giải cao, do hạn chế trong ứng dụng và mở rộng các giải pháp này vào thực tiễn giảng dạy. Vì vậy, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần tiếp tục tuyên truyền để các giải pháp đoạt giải của thầy, cô giáo được mở rộng, ứng dụng trong các trường học.
 
Những công trình đạt giải Sáng tạo KH-CN năm nay, chiếm phần lớn vẫn là các giải pháp, sáng kiến cải tạo khoa học kỹ thuật, cải tiến hữu ích nhằm tạo ra sản phẩm mới, không ngoài mục đích nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, đem lại lợi ích thiết thực cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động trong quá trình sản xuất và ứng dụng như công trình: Lồng nuôi cá trên hồ chứa bằng nhựa chi phí thấp của tác giả Hoàng Văn Hợi - Trường Đại học Vinh; Thiết kế băng chuyền mía khổ rộng 1 mét của Lê Văn Minh - Công ty cổ phần mía đường Sông Lam; Nghiên cứu đầu tư cải tiến máy diệt men chè xanh của Chu Quang Vinh - Công ty TNHH chè Trường Thịnh; Cải tiến quy trình tách dịch và thanh trùng sản phẩm gấc của Ngô Sỹ Mạnh và Lê Doãn Lệ - Công ty cổ phần thực phẩm Nghệ An; Mô hình pha sơn tự động của tác giả Phạm Quang Thành và Nguyễn Minh Sự - Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc; Cải tạo, thay đổi bộ giá máy ép mía số 1 của Hoàng Văn Hùng - Công ty cổ phần mía đường Sông Lam; Mô hình Nhà rửa xe tự động của Phan Hải Nam và Nguyễn Minh Sự - Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.
 
Đặc biệt hơn, giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo KH-CN năm nay lại thuộc về lĩnh vực an ninh với công trình Phần mềm hỗ trợ công tác giam giữ của tác giả Nguyễn Xuân Lâm và cộng sự - Công an tỉnh Nghệ An. Qua đó, thấy rằng khoa học công nghệ không chỉ ứng dụng trong sản xuất kinh doanh mà còn đi vào nhiều lĩnh vực khác nhau, và ngày càng mở rộng đối tượng tham gia. Đây cũng là tiền đề để các lần tổ chức sau sẽ khuyến khích, thu hút nhiều hơn nữa các tác giả thuộc lĩnh vực này. Đại diện nhóm tác giả đoạt giải cao nhất của Giải thưởng Sáng tạo KH-CN năm 2013, ông Trần Thăng Long (Công an tỉnh) cho biết: “Phần mềm này không chỉ giúp giải quyết nhanh gọn các công việc, những tiện tích phần mềm còn giúp giảm thiểu những sai sót, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tạm giữ, tạm giam, góp phần cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thi hành án hình sự nói chung, trong công tác quản lý giam giữ nói riêng. Theo tôi, để công trình đạt giải phát huy được giá trị của nó, các cấp lãnh đạo cần có sự quan tâm để tác giả công trình tiếp tục sáng tạo để cải tiến, hoàn thiện sản phẩm, mở rộng ứng dụng vào sản xuất, tạo ra sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng”. 
 
Bên cạnh đó, giải Sáng tạo KH-CN năm 2013 có sự tham gia của lĩnh vực nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như công trình “Ứng dụng tiến bộ KHCN đầu tư công nghệ nuôi trồng, chế biến tảo xoắn Spirulina trên vùng biển Quỳnh Lưu, Nghệ An” của tác giả Trần Thị Thao - Công ty TNHH công nghệ sinh học phục vụ đời sống sản xuất - thương mại - du lịch Thanh Mai. Với việc chế biến thành công sản phẩm tảo xoắn Spirulina bằng nguyên liệu được nuôi trồng tại huyện Quỳnh Lưu đã mở ra một hướng đi mới góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi mặn lợ, cũng như tạo ra những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao và cho thấy khả năng ứng dụng KHCN cao vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
 
Điểm mới ở Giải thưởng Sáng tạo KH&CN năm nay là sự ra đời của Quyết định số 60/2013/QĐ-UBND ngày 20/11/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về xét thưởng công trình sáng tạo KH&CN trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong đó, nâng cao tiêu chí đánh giá và nâng mức thưởng cho các công trình đoạt giải gấp 4 lần so với các năm trước đã góp phần khuyến khích, khơi dậy khả năng sáng tạo, mạnh dạn tham gia của các cá nhân, tổ chức. Kết quả của những công trình sáng tạo đó, ngoài việc mang lại lợi ích thiết thực cho tập thể, cá nhân về mặt kinh tế và các lợi ích xã hội còn mang đến một nguồn thu nhập về vật chất, khuyến khích về mặt tinh thần cho những người lao động sáng tạo. Và điều quan trọng hơn là nhiều tác giả hiểu giá trị đích thực của giải pháp sáng tạo không đơn thuần là giải thưởng mà chính là sự đóng góp của bản thân đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Qua 13 lần tổ chức Giải thưởng Sáng tạo KH-CN tỉnh, những kết quả đạt được đã đáp ứng phần nào sự mong đợi của nhân dân, của xã hội. Tuy nhiên, Sáng tạo KH-CN tỉnh vẫn còn bộc lộ một số thiếu sót, hạn chế trong khâu tuyên truyền, phát động, tổ chức, chỉ đạo, sự phối hợp liên ngành... Số lượng các công trình, giải pháp, sản phẩm của ý tưởng sáng tạo chưa nhiều, đặc biệt là những sáng chế xuất phát từ nông dân như thường thấy ở nhiều địa phương khác… Tuy nhiên, để các công trình đạt giải thực sự được ứng dụng vào cuộc sống, các ngành cần có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành các cơ chế, chính sách để nhanh chóng hỗ trợ, nhân rộng, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật hữu ích vào sản xuất, đời sống. Có như thế mới khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức tích cực tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo KHCN hơn nữa.
 
Thanh Hoa
(Trung tâm TTKHCN&TH)