(Baonghean) - Có thể nói như vậy về giải Nhì cuộc thi Ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng” lần thứ 2 (năm 2013) của Báo Nghệ An dành cho phóng sự ảnh “Khai thác vàng ở Cắm Muộn”. Những bức ảnh của Đào Tuấn không chỉ thể hiện sự dũng cảm, dấn thân của một nhà báo, mà  hơn thế, còn là một góc nhìn đầy xa xót, căm phẫn mà chan chứa nhân văn. 

images883256_03.jpgPhóng sự ảnh: "Khai thác vàng ở Cắm Muộn"
 
Từ cuối năm 2012, đến khoảng tháng 7 năm 2013, nạn khai thác vàng trái phép ở Quế Phong diễn ra nóng bỏng. Để thực hiện được những bức ảnh đắt giá này, nhà báo Đào Tuấn (Báo Nghệ An) đã phải 2 lần lên Cắm Muộn, mảnh đất “Vàng vui” (dịch nghĩa tiếng Thái) mà nói như tác giả “chưa thấy vui đã chất chứa đau buồn”.
 
Lần đầu, anh đi cùng một đồng nghiệp, trong vai những người tứ xứ đổ về mảnh đất này tìm may mắn vào tháng 5/2013. Lần sau, anh theo chân đoàn công tác của lực lượng Cảnh sát Môi trường vào tháng 7/2013. 2 chuyến đi, 7 ngày trời lăn lộn nơi vùng đất hỗn độn,  phức tạp về an ninh trật tự, mỗi ánh chớp máy ảnh lóe lên là một lần đối mặt cùng những hiểm nguy. Để rồi, sự khốc liệt ấy đã hiện ra trước mắt bạn đọc báo qua những bức ảnh sống động, chân thực: Rừng núi, sông suối bị đào xới. Những lán trại mấp mô, nhầu nhĩ và tạm bợ nơi ven khe, sườn núi. Những cái hầm, hố xoáy sâu vào lòng đất được đặc tả trong bức ảnh nhìn như mũi khoan nhói buốt. Những vũng nước đặc quánh, đỏ ngầu với chằng chịt đường ống vòi hút chẳng khác nào những vết thương trên cơ thể đất đai xứ sở.
 
Và trên cơ thể đó, những con người, mải miết và tất bật, những làn da tái xám hoặc đen nhẻm dưới ánh  nắng hè, những ánh mắt như hoang hoải, như đợi chờ, như âu lo, chán nản và đâu đó vẫn ánh lên hy vọng. Trong đám người đang bòn đãi hy vọng ấy, có rất nhiều gương mặt phụ nữ, trẻ em. Có bức ảnh dành đặc tả những đứa trẻ, khuôn mặt sớm nét dãi dầu lấp dưới vành mũ, nhiều đứa khác đầu trần dưới nắng, chân tay ngâm sục trong bùn đỏ và đá sỏi. Chúng mải miết mà không biết rằng mình đã bị cướp đi tuổi thơ bởi sự tham lam, thờ ơ, cả những vô tình của người lớn...
 
Nhà báo Đào Tuấn chia sẻ, anh đã đến, đi và trở lại với nỗi xót xa, day dứt nơi mảnh đất này. Khi anh đứng trên đỉnh Huồi Hang, để nhìn con sông Quàng quặn mình ngầu đục, nhìn những bản làng, nương ruộng ở Cắm Nọc, Cắm Pỏm, Cắm Cáng như hoang tàn bởi gần 200 hầm hố cày xới; nhìn từng đoàn người bỏ việc nương rãy, bỏ cửa, bỏ nhà để lập lán tìm may rủi... anh đã quên đi những hiểm nguy của chính mình. Chính sự trăn trở của một nhà báo yêu nghề, lăn lộn với nghề, có trách nhiệm với xã hội đã thúc giục anh bấm máy. Những bức ảnh, vì thế còn nói với chúng ta: Thế đấy, nghề báo vì sao được gọi là nghề nguy hiểm.
 
T.V