Trong hai ngày 20 và 21/1/2019, Không quân Israel đã mở những đợt đánh phá ác liệt vào các vị trí bên trong lãnh thổ Syria nhằm tiêu diệt các căn cứ quân sự của Iran cũng như trả đũa việc Quân đội chính phủ Syria bắn đạn rocket phóng loạt vào lãnh thổ của họ.
Kết quả của những trận không kích do máy bay chiến đấu Israel tiến hành là rất đáng kể khi chính truyền thông Nga cũng phải thừa nhận có tới 10 binh sĩ Syria thương vong, nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy và đặc biệt là có tới 2 tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 bị tiêu diệt.
Những lúc như thế này thì câu hỏi S-300 Syria ở đâu mà không bảo vệ các mục tiêu khi tiêm kích Israel tấn công lại được đặt ra một cách dồn dập, nhất là khi cách đây 1 tháng kíp huấn luyện viên người Nga đã được rút về nước để binh lính Syria độc lập vận hành vũ khí.
Cần lưu ý rằng đã có khá nhiều giả thiết được đưa ra để giải thích nguyên nhân vì sao S-300 Syria vẫn "tàng hình", một trong số đó là kíp trắc thủ Syria đã tránh giao chiến bởi vì lo ngại mình sẽ trở thành mục tiêu của máy bay không người lái cảm tử Harop như trường hợp Pantsir-S1.
Thậm chí còn có ý kiến khác nhận định rằng nguyên nhân thực sự đó là các đài radar cảnh giới cũng như kiểm soát hỏa lực của S-300 bị tác chiến điện tử Israel "bịt mắt", khiến chúng không thể nhận biết mối nguy cơ từ cự ly xa.
Trước những thông tin bất lợi về vũ khí của mình sản xuất liên tục được đưa ra, cơ quan có trách nhiệm thông tờ Kommersant gửi lời giải thích tới giới truyền thông quốc tế và bảo vệ danh tiếng cho S-300.
Theo báo cáo chính thức được tờ Kommersant đưa ra thì nguyên nhân chủ chốt dẫn tới việc tổ hợp S-300PM tối tân vẫn chưa tham chiến là vì binh lính Syria vẫn chưa vượt qua được các bài huấn luyện mà những chuyên gia người Nga đưa ra.
Tờ báo Nga còn thông tin thêm rằng có thể phải tới tháng 3/2019 thì hệ thống S-300PM đầu tiên của Syria mới đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu và nó sẽ được triển khai để bảo vệ sân bay quân sự T4.
Còn hiện tại Nga vẫn giữ quan điểm không can thiệp của mình nếu Không quân Israel chưa gây hại đến quân nhân của họ.
Thông tin của tờ Kommersant cũng gây ra không ít thắc mắc khi trước đó chính người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga đã khẳng định quá trình huấn luyện binh lính Syria làm chủ hệ thống S-300 chỉ là 3 tháng, tức là trùng khớp thời điểm Nga rút chuyên gia về nước.