(Baonghean) - Nhiều năm qua, ở TP. Vinh và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng người lang thang, ăn xin đeo bám du khách, gây phản cảm, mất mỹ quan. Trước thực tế đó, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn tỉnh.
Những điều trông thấy…
Một buổi sáng tại quán cà phê ở số 201, Nguyễn Văn Cừ, TP. Vinh, thời điểm này khá đông khách, một người đàn bà chừng hơn 50 tuổi, dáng vẻ mệt mỏi, đến từng bàn chìa tay xin tiền. Theo lời kể của bà, chồng bà mất sớm, một mình bà phải nuôi 3 người con, nhà rất nghèo. Vài ngày trước, con trai bà bị tai nạn giao thông, gãy xương đùi, đang phải điều trị ở bệnh viện tỉnh, nếu không phẫu thuật sẽ phải tàn tật suốt đời nhưng gia đình không có tiền. Nhiều người nghe vậy rủ lòng thương cho bà tiền. Một số khách trong quán lại cho biết, vài tuần trước, họ gặp người đàn bà này, lúc ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, lúc ở đường Lê Hồng Phong, cũng đi xin ăn với giọng kể lể tương tự. Còn chị Linh – một nhân viên phục vụ của quán cho biết, sáng nào họ cũng gặp phiền hà bởi sự xuất hiện quá nhiều người ăn xin, bán hàng rong "ghé thăm". “Họ đến từng bàn để xin, khiến nhiều khách rất khó chịu. Một số người còn bồng vác theo cả những đứa trẻ để lấy lòng thương của khách” – chị Linh kể.
Còn tại chợ Quán Bánh (hay còn gọi là chợ chiều Nghi Phú), chúng tôi gặp một người đàn ông bị khoèo cả 2 chân, bế theo một đứa trẻ lê lết ăn xin. Một chị bán rau ở phía ngoài chợ cho biết: “Một tuần người đàn ông này lại có 2-3 ngày ăn xin ở chợ, có ngày tính ra thu nhập của ông ta còn cao hơn cả mấy người bán hàng như chúng tôi”.
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, TP. Vinh cũng là nơi tập trung đông nhất người lang thang – đặc biệt là đối tượng lang thang ăn xin. Từ các công viên, quán cà phê, các ngã tư, các chợ, đền chùa… gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, các tuyến phố có nhiều hàng quán như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Phan Đình Phùng, Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo, ven bờ Hồ Goong… thường là những điểm tập trung đông người ăn xin, người bán hàng rong. Ngoài TP Vinh, Thị xã Cửa Lò và một số điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trên địa bàn tỉnh như đền Hoàng Mười, đền Cờn… cũng có rất đông người ăn xin, đặc biệt vào mùa du lịch, mùa lễ hội, tạo nên một cảnh tượng hết sức nhếch nhác.
Cần giải pháp đồng bộ và quyết liệt
Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu đặt ra là hàng năm 95% người lang thang trên địa bàn tỉnh được đưa về với gia đình hoặc đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội, để đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh không còn người lang thang. Đối tượng người lang thang được phân loại thành 3 nhóm: người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, giả khuyết tật (kể cả người đi kèm) lang thang xin ăn; những người bị bệnh tâm thần đi lang thang; những người sử dụng vỉa hè, đường phố, vườn hoa, công viên, bến tàu, bến xe, nhà bỏ hoang làm nơi ăn ngủ.
Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 206, cho biết: “Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 111 người ăn xin, tâm thần lang thang. Trong những năm qua, toàn tỉnh đã chuyển trả về các tỉnh khác 142 trường hợp người ăn xin, người tâm thần lang thang; tiếp nhận 64 trường hợp người Nghệ An đi ăn xin ở tỉnh khác về; đưa 78 người về với gia đình và 46 người vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Với Kế hoạch 206, đây là lần đầu tiên ở cấp tỉnh, vấn đề người lang thang được xem xét, bàn bạc một cách nghiêm túc và có kế hoạch giải quyết cụ thể”.
Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch 206, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các ban, ngành và địa phương. Thực tế cho thấy, để giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên: chính quyền địa phương nơi người lang thang hoạt động, các ngành chức năng và chính quyền địa phương nơi người lang thang có hộ khẩu thường trú. Chính quyền địa phương nơi những người lang thang hoạt động cần tăng cường công tác quản lý hộ khẩu, các thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng, kiểm tra nhà trọ có người lang thang để vận động, tư vấn, giúp đỡ họ hồi hương, về gia đình và hòa nhập cộng đồng.
Các ban, ngành liên quan cần thực hiện các chính sách an sinh xã hội, khuyến khích các tổ chức nhân đạo, từ thiện hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ em thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp họ không phải lang thang kiếm sống; điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi tổ chức, xúi giục người khác đi lang thang, xin ăn. Chính quyền các địa phương nơi người lang thang có hộ khẩu thường trú cần chú trọng phát triển kinh tế để tạo thêm việc làm tại chỗ, đồng thời tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nêu cao vai trò và nghĩa vụ của các bậc cha mẹ, của chính quyền các cấp trong việc bảo vệ, chăm sóc người già, trẻ em.
Thời gian qua, một số địa phương cũng đã thực hiện tốt vấn đề này, tiêu biểu là xã Diễn Trung (Diễn Châu). Trước đây, Diễn Trung là xã có số trẻ em bỏ học đi lang thang kiếm sống nhiều nhất tỉnh với số lượng xấp xỉ 30 em mỗi năm. Tuy vậy, từ năm 2009, nhờ sự chung tay nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, đến nay tình trạng trẻ em bỏ học, đi lang thang cơ bản đã chấm dứt. Theo ông Lê Công Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Trung, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền đến từng gia đình có trẻ lang thang, Ban chính sách xã phối hợp Hội Khuyến học tổ chức tốt các cuộc vận động vào các dịp như ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), Trung thu, Tết Nguyên đán, đặc biệt quan tâm giúp đỡ các em đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa… Do đó, số trẻ em bỏ học đi lang thang kiếm sống giảm hẳn, nhiều em trước đây đi lang thang nay đã trở lại trường học. Thiết nghĩ, đó là mô hình để nhiều địa phương khác có thể học tập.
Minh Quân