(Baonghean) - Một trong những nhiệm vụ chiến lược được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng là: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực”.

Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong buổi khai giảng năm học mới. Ảnh Hữu Nghĩa
Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong buổi khai giảng năm học mới. Ảnh H.N.

Trên cơ sở đánh giá khái quát tình hình phát triển giáo dục, đào tạo, nêu rõ những hạn chế yếu kém hiện nay; Dự thảo Báo cáo chính trị xác định phương hướng chung và 6 nhiệm vụ trọng tâm để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong những năm tới. Những nội dung này đã được nêu trong Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, với dung lượng chỉ 3 trang (từ trang 35 đến trang 37), nội dung phần này trình bày đơn giản, chưa đề cập những mâu thuẫn đang tồn tại trong nội bộ nền giáo dục hiện nay. Theo chúng tôi, Dự thảo Báo cáo chính trị cần nói rõ những mâu thuẫn sau đây để có hướng giải quyết:

Một là, mâu thuẫn giữa trang bị kiến thức với phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Dự thảo Báo cáo chính trị nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”. Quan điểm này xuất phát từ thực trạng nền giáo dục Việt Nam là chỉ tập trung trang bị kiến thức cho học sinh, chưa chú ý phát triển phẩm chất, năng lực. Trong giáo dục, để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh phải trên cơ sở trang bị kiến thức. Nhưng do phương pháp giáo dục lạc hậu hiện nay nên việc trang bị kiến thức đang có sự mâu thuẫn với phát triển phẩm chất, năng lực. Ví dụ, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc cho học sinh là một yêu cầu để nâng cao phẩm chất. Nhưng với phương  pháp dạy lịch sử như hiện nay cộng với việc đưa môn này vào tự chọn trong thi cử làm cho học sinh ngày càng ít hiểu biết về truyền thống dân tộc, khó nâng cao tinh thần yêu nước.

Với các môn học khác, do cách dạy nhồi nhét kiến thức cho học sinh nên không gắn với quá trình hình thành nhân cách, không tạo điều kiện để phát triển phẩm chất, năng lực. Mâu thuẫn giữa trang bị kiến thức với phát triển phẩm chất, năng lực biểu hiện dưới nhiều dạng như: chỉ học lý thuyết mà không rèn luyện kỹ năng thực hành; “học tủ” những môn dự thi, không học các môn khác; chạy theo các môn học tự nhiên, không thích học các môn xã hội, đặc biệt là môn sử; dạy học theo kiểu “đọc chép” không kích thích tư duy độc lập của học sinh. Tình trạng học thêm, học quá tải, học không có thời gian để vui chơi giải trí... làm cho học sinh không phát triển được trí tuệ và nhân cách. Nhìn bề ngoài, học sinh được trang bị rất nhiều kiến thức nhưng thực chất bên trong không tạo nền tảng để phát triển phẩm chất, năng lực. Để khắc phục mâu thuẫn này phải cải cách triệt để phương pháp giáo dục lạc hậu hiện nay, áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến gắn việc trang bị kiến thức với phát triển phẩm chất, năng lực.

Học sinh Trường Tiểu học phường Hòa Hiếu, Thị xã Thái Hòa học theo phương pháp VNEN. Ảnh Hữu Nghĩa.

Hai là, mâu thuẫn giữa giáo dục mở và nâng cao chất lượng giáo dục. Dự thảo Báo cáo chính trị nêu rõ: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”. Xây dựng hệ thống giáo dục mở là một yêu cầu tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo điều kiện cho kinh tế tri thức phát triển. Nhưng giáo dục mở là một thách thức gay gắt đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, khi giáo dục không còn khép kín trong các trường học chính quy mà được xã hội hóa với nhiều hình thức đào tạo phong phú (đào tạo tại chức, đào tạo từ xa, liên kết đào tạo, đào tạo qua hình thức tự học…) thì chất lượng ngày càng giảm. Từ trung cấp, cao đẳng, đại học và dạy nghề đều nở rộ các hình thức đào tạo tại chức làm cho chất lượng đào tạo không thể kiểm soát được. Giáo dục mở sẽ tạo điều kiện cho công dân học tập suốt đời, nhưng chúng ta sẽ xây dựng xã hội học tập như thế nào khi chất lượng đào tào chính quy với đào tạo tại chức ngày càng xa cách, đến mức nhiều địa phương không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học tại chức.

Hàng chục vạn sinh viên tốt nghiệp đại học (kể cả chính quy và không chính quy) đang thất nghiệp hiện nay phản ánh một thực trạng: chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu xã hội. Xây dựng xã hội học tập sẽ không có động lực khi hàng chục vạn người học xong không có việc làm. Mâu thuẫn giữa phát triển hệ thống giáo dục mở với nâng cao chất lượng giáo dục là một thực tế cần phải nhìn nhận để có hướng giải quyết.

Sinh viên Trường Cao đẳng GTVT miền Trung thực hành nghiên cứu kết cấu dầm thép. Ảnh Hữu Nghĩa.

Ba là, mâu thuẫn giữa thi cử và đánh giá chất lượng giáo dục. Thi cử là một hình thức đánh giá chất lượng học tập. Nhưng với hàng triệu học sinh đi học như hiện nay, chất lượng học tập được đánh giá qua thi cử ngày càng không chính xác. Từ nhiều năm nay, ngành giáo dục đào tạo đã duy trì một hệ thống thi cử dày đặc: kiểm tra bài, kiểm tra học phần, thi học kỳ, thi cuối năm, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi đại học cao đẳng, thi vào trường chuyên lớp chọn. Hầu hết các hình thức thi cử này đều không đánh giá đúng chất lượng học sinh.

Tỷ lệ học sinh thi đậu tốt nghiệp không phản ánh chất lượng học tập mà biến thành thước đo của bệnh thành tích. Để khắc phục mâu thuẫn này, ngành giáo dục đào tạo đã không ngừng cải tiến các hình thức thi cử theo hướng ngày càng đơn giản tiện lợi hơn. Một cuộc “cách mạng” trong thi cử là gộp kỳ thi tốt nghiệp với thi đại học thành kỳ thi quốc gia vừa đánh giá chất lượng học sinh vừa lấy kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Việc đơn giản hóa thi cử được dư luận rất đồng tình, nhưng các nhà chuyên môn đang đặt ra câu hỏi: khi không còn điểm thi (hoặc điểm kiểm tra) thì lấy cơ sở nào để đánh giá chất lượng học sinh. Đánh giá bằng kết quả học tập thì phải trên cơ sở học bạ, trong đó vẫn phải có điểm số và nhận xét của giáo viên. Điểm số ghi vào học bạ liệu có chính xác để làm thước đo năng lực của học sinh. Nhận xét của giáo viên ghi vào học bạ liệu có khách quan và toàn diện để đánh giá đúng phẩm chất của học sinh. Xem ra, thi cử dù được cải tiến nhưng vẫn đang mâu thuẫn với việc đánh giá chất lượng giáo dục. Để giải quyết mâu thuẫn này phải tiếp tục đổi mới cách thi cử theo phương châm vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để điều chỉnh kịp thời. Phải làm thế nào để kết quả thi cử phản ánh đúng chất lượng học tập của học sinh.

Theo chúng tôi, Dự thảo Báo cáo chính trị phải đề cập một cách khái quát những mâu thuẫn trên đây và đề ra những giải pháp thực thi để đổi mới giáo dục, đào tạo một cách căn bản và toàn diện.

 TRẦN HỒNG CƠ

TIN LIÊN QUAN