Ngày 26/11, tại Hà Nội, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương (Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới) tổ chức Hội thảo “Đề xuất giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững ở các xã khó khăn”.
 
images1416309_hoithaontm1.jpg
Hội thảo “Đề xuất giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững ở các xã khó khăn”.
 (Ảnh: BT)
 
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, sau 5 năm triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, vào cuộc tích cực của toàn xã hội, nhất là cộng đồng dân cư nông thôn với nhiều cách làm sáng tạo, Chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến hết tháng 11/2015, cả nước đã có 1.298 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân trên xã đạt 13,56 tiêu chí; số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên là 214 xã. Dự báo đến hết 31/12/2015 cả nước sẽ có khoảng 1.450 xã đạt chuẩn NTM.
 
Đối với cấp huyện, tính đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 10 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, gồm: Xuân Lộc, Thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh), Đông Triều (Quảng Ninh), Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Đan Phượng (Hà Nội), thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Thực tế cho thấy, ở hầu khắp các địa phương, nhất là các xã đạt chuẩn NTM, nông thôn đã khang trang, văn minh hơn, hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ người dân nông thôn ngày càng được hoàn thiện. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao; công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những thành tựu vượt bậc.
 
Tuy nhiên, hiện nay, trên cả nước có 2.535 xã khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu với số tiêu chí bình quân đạt khoảng 5,94 tiêu chí/xã. Trong đó, số xã đạt từ 5-9 tiêu chí là 1.374 xã, số xã đạt dưới 5 tiêu chí là 552 xã. Thu nhập bình quân của các xã khó khăn là 14,07 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các xã khó khăn18,56% (cả nước 4,5%).
 
Nhằm tạo tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng NTM ở các vùng khó khăn, theo ông Nguyễn Minh Tiến – Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương, cần có mục tiêu và cách làm phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng khó khăn; xác định xã là địa bàn cơ bản, thôn, bản là địa bàn xung kích, tăng cường phân cấp cho chính quyền cơ sở và người dân gắn với nâng cao năng lực và phát huy tinh thần cộng đồng.
 
Trong đó, 6 nhiệm vụ cần ưu tiên gồm: nâng cấp 6 hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, điện, nước sạch, thủy lợi, trường học, trạm y tế; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn về xử lý nước thải, rác thải; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội nông thôn; nâng cao hiệu quả truyền thông, đào tạo đội ngũ cán bộ và tăng cường năng lực đánh giá, giám sát thực hiện Chương trình.
 
Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác giám sát và đánh giá, tạo điều kiện cho người dân trực tiếp đánh giá tiến độ, chất lượng của Chương trình; điều tra sự hài lòng của người dân đối với xây dựng NTM. Chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng công trình; xây dựng thể chế, cơ chế phù hợp quản lý, vận hành các công trình sau đầu tư. Nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội như Mặt trận Tổ quốc đối với sử dụng nhà văn hóa thôn, bản; bố trí đủ kinh phí duy tu, bảo dưỡng; hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, người dân về quản lý và sử dụng các công trình./.
 
Theo ĐCSVN