(Baonghean) - Nghệ An là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Tại vùng “địa linh nhân kiệt” này đã hình thành đội ngũ những nhà nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân văn khá đông đảo và đã để lại nhiều công trình, trước tác có giá trị.
Hiện nay Nghệ An có một lực lượng làm công tác Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH & NV) tương đối đông, gần 250 người. Hầu hết cán bộ đều say mê, tâm huyết trong tìm tòi nghiên cứu khoa học, trong đó có những nhà nghiên cứu lớn tuổi, thành danh đã để lại nhiều công trình có giá trị khoa học. Tuy nhiên, đội ngũ nghiên cứu KHXH & NV của tỉnh chưa tập trung, cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực còn bất cập, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực văn hóa, lịch sử. Có một số lĩnh vực thiếu cán bộ trầm trọng, thậm chí có những ngành không có cán bộ nghiên cứu như khảo cổ học, dân tộc học, nhân học… và một số ngành xã hội học, kinh tế đang rất ít...
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập, phát triển. Chưa xây dựng được đội ngũ làm công tác KHXH & NV chuyên nghiệp; đang có tình trạng thừa cán bộ quản lý, thiếu cán bộ nghiên cứu chuyên nghiệp có trình độ cao, say mê, tâm huyết trong nghiên cứu. Trong khi đó, đội ngũ có trình độ chuyên sâu, có phương pháp nghiên cứu, tích lũy nhiều tư liệu đang bị lão hóa, mặc dù rất nhiệt huyết nhưng sức làm việc hạn chế.
Thực trạng hẫng hụt thế hệ cán bộ kế thừa đang diễn ra. Qua khảo sát, đội ngũ làm công tác KHXH & NV dưới 30 tuổi có gần 30%, trên 30 tuổi khoảng 45%, trên 50 tuổi là 25 %. Vấn đề đặt ra ở chỗ, để trở thành một cán bộ nghiên cứu KHXH & NV thực thụ, ngoài kiến thức được đào tạo, sau khi ra trường phải hàng chục năm lăn lộn thực tế, tích lũy vốn kiến thức, tư liệu, phương pháp làm việc khoa học mới đảm đương được công việc.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu KHXH&NV giữa Viện KHXH Việt Nam và UBND tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2015.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên:
- Chúng ta đang thiếu môi trường làm việc theo cả 2 nghĩa (nơi làm việc và điều kiện làm việc). Các cơ quan có chức năng chuyên về nghiên cứu KHXH & NV trước đây có 2 đơn vị: Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) và Viện Nghiên cứu văn hóa ngôn ngữ (trực thuộc Trường Đại học Vinh), nay chỉ còn lại 1 đơn vị. Cán bộ được tuyển dụng ít bởi chỉ tiêu biên chế rất hạn chế. Do vậy, sinh viên, học viên học xong đại học, cao học thiếu môi trường làm việc để rèn luyện, tự đào tạo trong thực tiễn và tiếp tục học tập nâng cao kiến thức.
- Thế hệ trẻ chưa tích lũy được kiến thức tư liệu, phương pháp nghiên cứu còn yếu và thiếu. Chưa có điều kiện giao lưu với các nhà khoa học trong nước, chưa nói đến các nhà khoa học quốc tế.
Để góp phần vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ và thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực KHXH & NV của tỉnh, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ: Trên quan điểm xây dựng nội lực, đi lên từ nội lực là chính, do đó việc đào tạo nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực KHXH & NV có vị trí quyết định. Muốn đào tạo được nguồn lực tại chỗ, trước hết cần phải có môi trường làm việc. Hiện nay, tỉnh ta còn quá ít môi trường, cơ sở làm việc tại chỗ cho nhân lực KHXH & NV.
Nghệ An là 1 trong 5 tỉnh, thành phố thành lập cơ quan nghiên cứu KHXH & NV địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An). Tuy nhiên, Nghệ An hiện nay mới có Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Sở Khoa học & Công nghệ) và 3 hội có hoạt động nghiên cứu trên lĩnh vực này (Văn nghệ dân gian, Khoa học Lịch sử, Văn học nghệ thuật). Trong khi đó ở Thành phố Hồ Chí Minh có: Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Kinh tế, Hội đồng Khoa học Xã hội trực thuộc thành phố và 9 hội hoạt động trên lĩnh vực KHXH & NV nằm trong Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật thành phố; đó là chưa kể các trung tâm, các cơ sở nghiên cứu KHXH & NV trực thuộc Sở Khoa học Công nghệ thành phố. Với số lượng các cơ sở như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo được nhiều chỗ làm việc để tuyển dụng, hình thành nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào để tiếp tục đào tạo, hình thành đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đông đảo, có trình độ cao.
Từ thực tế trên, vấn đề quan trọng nhất trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đội ngũ làm công tác KHXH & NV là ở chỗ: Tạo được môi trường làm việc và môi trường thực tế bằng cơ chế đặc thù trong ưu tiên số lượng tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao học, nghiên cứu sinh các ngành đang thiếu hoặc chưa có cán bộ như: Kinh tế, Xã hội học, Dân tộc, Tôn giáo để làm việc trong thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm sau đó tiếp tục gửi đi đào tạo. Phải thống nhất quan điểm là ưu tiên – kiên trì – lâu dài (cả 2 phía: cơ quan quản lý và cán bộ). Để từng bước hình thành đội ngũ cán bộ KHXH&NV chuyên nghiệp tập trung.
Thứ hai, xây dựng cơ chế liên kết đội ngũ cán bộ nghiên cứu, tham gia nghiên cứu KHXH & NV trên địa bàn. Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay có 5 trường đại học và 6 trường cao đẳng. Đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ rất lớn; chỉ riêng Đại học Vinh đã có 642 cán bộ giảng dạy, trong đó có 56 giáo sư, phó giáo sư, 137 tiến sĩ và 328 thạc sĩ là nguồn nhân lực dồi dào trong nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, còn có lực lượng đông đảo học viên cao học và nghiên cứu sinh. Điều thuận lợi là Trường Đại học Vinh hầu như có đủ các khoa chuyên ngành thuộc lĩnh vực KHXH & NV như: Lịch sử, Văn, Địa lý, Kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua mới chỉ liên kết phối hợp nghiên cứu trên lĩnh vực lịch sử, văn hóa, còn những vấn đề đương đại đang đặt ra cần nghiên cứu hiện nay như kinh tế, môi trường đầu tư, tôn giáo, văn hóa đô thị... hầu như chưa có công trình nào xứng tầm. Vì vậy, để thu hút trí tuệ, nguồn lực của các nhà khoa học trên địa bàn; hàng năm, ngành khoa học tham mưu tỉnh đặt hàng những nội dung cần nghiên cứu, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, khảo cổ, xã hội học, tôn giáo, nông thôn, nông nghiệp, nông dân, cho các nhà khoa học đang công tác ở các cơ sở Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời gợi mở một số định hướng trong nghiên cứu KHXH & NV của tỉnh đặt hàng cho các nghiên cứu sinh gắn với luận án tiến sĩ, từ đó chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống ở Nghệ An.
Thứ ba, kết nối các chuyên gia công tác trên lĩnh vực KHXH & NV ở các viện, ngành Trung ương, thu hút trí tuệ nghiên cứu về Nghệ An. Tháng 4/2012, tỉnh ta đã ký với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm) chương trình phối hợp hoạt động nghiên cứu về KHXH & NV ở Nghệ An. Hơn 1 năm qua, 2 cơ quan đã triển khai một số hoạt động bước đầu như: Phối hợp tổ chức hội thảo Khoa học quốc gia về: Di sản thiên nhiên và di sản văn hóa khu vực Bắc miền Trung: Bảo tồn và phát huy giá trị; đề tài huy động nguồn lực người Nghệ trong và ngoài nước xây dựng quê hương và một số hoạt động phối hợp khác.
Thông qua chương trình ký kết, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút trí tuệ của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nghiên cứu về Nghệ An. Mặt khác, tỉnh chọn những nội dung chuyên sâu mà tỉnh chưa có nguồn nhân lực đảm nhận để đặt hàng cho các tổ chức, cá nhân các nhà khoa học như: xác định các khâu đột phá phát triển trên lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh, lĩnh vực tôn giáo: kinh tế vùng, thu hút đầu tư. Hàng năm tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các chuyên gia, nhà khoa học trong xây dựng cơ chế chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đang triển khai Nghị quyết số 26 ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; trong đó: trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, thể thao, công nghiệp công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ. Để góp phần thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, KHXH & NV tỉnh nhà từng bước vươn lên khắc phục hẫng hụt về nguồn nhân lực kế cận và xây dựng được chiến lược phát triển gắn với lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Quốc Hồng