Khi nhà du hành vũ trụ ở ngoài không gian, sự giảm trọng lực về gần như bằng không sẽ đồng nghĩa với việc khung xương của họ không còn phải nâng đỡ trọng lượng cơ thể như trên Trái Đất. Tuy nhiên, bộ xương được “nghỉ ngơi” lại không đồng nghĩa với việc nó sẽ trở nên khỏe mạnh hơn hay hồi phục được các thương tổn, mà trái lại sẽ dẫn đến hệ quả là chứng loãng xương.
Loãng xương chính là tình trạng cố hữu mà các phi hành gia luôn phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ trong không gian suốt một thời gian dài. Chứng loãng xương sẽ khiến kết cấu của “bộ khung” cơ thể không còn vững chắc và nguy cơ gãy xương do các chấn động sẽ tăng lên, đặc biệt là khi về già.
Để hạn chế tối đa triệu chứng này, phương pháp phổ biến được các nhà du hành vũ trụ áp dụng từ trước đến nay vẫn là thực hiện các bài tập thể chất, đặc biệt là chạy bộ. May mắn thay mới đây, nhóm nghiên cứu đến từ Vương quốc Anh đã tìm ra một cách làm đơn giản và hiệu quả hơn để đối phó với căn bệnh loãng xương, đó là dùng máy rung.
Từ những nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, chúng ta có thể kích thích tế bào gốc phân hóa thành xương bằng cách rung chúng ở một nhịp độ chính xác, bắt chước những rung động xảy ra một cách tự nhiên trong cơ thể để thúc đẩy sự phát triển của xương.
Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Strathclyde hy vọng rằng, căn bệnh loãng xương của các phi hành gia cũng sẽ được ngăn ngừa bằng cách đều đặn rung cơ thể của họ với máy móc chuyên dụng.
Để đưa nghiên cứu của mình vào thực tiễn, trong thời gian 2 năm tới đây, nhóm các nhà khoa học của trường đại học Strathclyde sẽ tiến hành thử nghiệm biện pháp rung kích thích xương trên 15 tình nguyện viên bị bại liệt chân do tổn thương cột sống để kiểm chứng hiệu quả, cũng như tìm ra quy trình chuẩn xác nhất.