(Baonghean) - Ngày 7/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 62/NQ - CP, trong đó nêu rõ người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 1/9/2015 đến hết ngày 31/12/2015 thì không bị phạt tiền theo quy định trước đó. Đây được coi là một trong những giải pháp để Nghệ An tăng cường vận động, giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

1.216 lao động cư trú bất hợp pháp

Bà Hoàng Thị Đông ở xóm 1, xã Hậu Thành (Yên Thành) có con là anh Nguyễn Viết Thường đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc từ năm 2012, đã hết hạn hợp đồng từ tháng 3/2015 nhưng đến nay vẫn chưa về nước. Bà cho biết: “ Vẫn biết việc con trai hết hạn hợp đồng lao động nhưng vẫn ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là sai luật, nhưng vì điều kiện kinh tế còn khó khăn nên cháu nán lại để kiếm tiền gửi  về  trả nợ ”. 

image_6199260.jpgTuyển dụng lao động đi xuất khẩu tại Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Công Quang ở xóm 3, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc), bố của anh Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Năm 2012, con trai tôi  sang làm việc tại Hàn Quốc và đến ngày 22/1/2015 đã hết hạn hợp đồng. Tuy nhiên, do khi làm thủ tục xuất cảnh qua nhiều khâu trung gian, chi phí lớn nên con tôi vẫn ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp, đến nay chưa về nước. Chúng tôi cũng đang có ý định khuyên nhủ cháu trở về nước”.

Theo số liệu từ Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), Nghệ An là tỉnh có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc rất cao. Đến ngày 31/8/2015, toàn tỉnh còn 1.216 lao động cư trú bất hợp pháp trong tổng số hơn 5.400 lao động hết hạn hợp đồng, chiếm 46,6% (trong khi đó, tỷ lệ này của cả nước hiện xuống dưới 40%).

Các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Thanh Chương và Thị xã Cửa Lò là những địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất. Ông Phạm Xuân Tuyết, Trưởng phòng LĐ-TB&XH Yên Thành cho biết: “Hiện vẫn còn 100/157 (chiếm 63,64%) lao động đang cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng lao động ở Hàn Quốc. Qua tìm hiểu  đa số đều giải thích rằng chi phí xuất cảnh cao, sự chênh lệch mức thu nhập ở Hàn Quốc và trong nước là nguyên nhân khiến con em họ không muốn trở về quê hương sau khi hết hạn hợp đồng lao động”.

Lao động Việt Nam học về an toàn lao động tại Hàn Quốc. Ảnh: CTV.

Ông Lê Huy Vinh, Phó trưởng Phòng Việc làm - Lao động - BHXH (Sở LĐ - TB&XH) khẳng định: “Vấn đề ở đây chính là ý thức tuân thủ pháp luật của lao động. Từ tháng 5/2015, Hàn Quốc thực hiện chính sách ân xá không phạt tiền, tạm giam đối với những người tự nguyện hồi hương, nhưng số lao động bất hợp pháp của Việt Nam đăng ký tự nguyện về nước vẫn thấp nhất trong số 14 nước có lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Một số doanh nghiệp Hàn Quốc thích sử dụng lao động cư trú bất hợp pháp bởi không mất các loại phí tuyển dụng, đào tạo, bảo hiểm. Có những doanh nghiệp còn cố ý bao che cho lao động bất hợp pháp khi có sự kiểm tra của cơ quan chức năng Hàn Quốc...”.

Quyết liệt trong tuyên truyền, vận động
 
Để giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, từ năm 2011 đến năm 2014, Sở LĐ-TB&XH và các huyện, thành, thị đã tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền, vận động với thành phần tham gia là thân nhân gia đình có con em đang làm việc tại Hàn Quốc sắp sửa hết hạn hợp đồng lao động phải về nước trong năm 2014 và đại diện những người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Còn riêng trong năm 2015, tỉnh đã tổ chức 15 hội nghị.
 
Ảnh minh họa.
Ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: Đối với những lao động cư trú bất hợp pháp từ năm 2014 trở về trước, việc tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt công tác tuyên truyền, vận động đến từng gia đình, đặc biệt là về chính sách miễn xử phạt lao động cư trú bất hợp pháp theo Nghị quyết 62/NQ - CP; yêu cầu các gia đình ký cam kết vận động con em mình về nước đúng thời hạn và những người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhanh chóng tự nguyện về nước.
 
Minh Quân