(Baonghean) -Là một trong những hạng mục quan trọng trong hệ thống thiết chế VHTTTT đồng bộ, những năm gần đây hệ thống thư viện công cộng  được các địa phương quan tâm đầu tư, thế nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở hình thức.

Được đánh giá là 1 trong 9 thư viện hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Nghi Lộc, Thư viện xã Nghi Trường được xây dựng từ năm 2009 với tổng trị giá công trình trên 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Duy Châu – Phó Chủ tịch xã Nghi Trường cho biết: Trước đây, khi xã chưa có kinh phí xây dựng, thư viện nằm trong Nhà văn hóa của xã. Để đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc cho nhân dân, năm 2009, xã quyết định trích ngân sách cộng với xã hội hóa xây dựng hẳn một nhà thư viện chưa phải là to đẹp nhưng đã khang trang hơn để phục vụ nhân dân.

Thư viện hiện có trên 700 đầu sách các loại (gồm sách luân chuyển của thư viện huyện và một số loại sách được nhân dân ủng hộ). Theo quy định, thứ 6 hàng tuần thư viện mở cửa phục vụ nhân dân. Thời gian đầu, thư viện cũng đã thu hút một lượng bạn đọc đáng kể, chủ yếu là học sinh, các cụ cao tuổi, cán bộ xã… nhưng rồi theo thời gian, nhất là những năm gần đây, khi mà hệ thống Internet ngày càng nở rộ thì thư viện hầu như không có độc giả. Vào dịp các em học sinh nghỉ hè mà thư viện vẫn đóng cửa im ỉm, hỏi ra mới biết: thư viện đã đóng cửa hàng tháng trời bởi lý do cán bộ thư viện nghỉ sinh, cộng với không có bạn đọc nên xã cũng không bàn giao lại cho một cán bộ khác.

800118_small_102168.jpg

Ông Phạm Hồng Văn - Xóm trưởng xóm 4A (xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên) 
sắp xếp lại những cuốn sách đã cũ.

Tìm hiểu được biết, Thư viện xã Nghi Trường chưa hấp dẫn bạn đọc bởi nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, đầu sách chưa phong phú, chủ yếu vẫn là sách báo cũ, đã qua nhiều năm sử dụng; Thứ hai, một phần lớn người dân hiện nay đã bỏ thói quen mượn sách mà chuyển sang tra cứu trên mạng, vừa nhanh, vừa hấp dẫn. Chị Nguyễn Thị Hưng - người dân xóm 4, xã Nghi Trường cho biết: Thời gian đầu thư viện mới đi vào hoạt động cũng thấy các con chăm đi mượn sách, chủ yếu là sách truyện. Tôi cũng có đến một hai lần để xem nhưng thấy sách không phù hợp nên từ đó không đến nữa.

Trong thời gian tới, để thư viện hoạt động hiệu quả hơn, Nghi Trường đang có định hướng trích ngân sách cộng với xã hội hóa để có thể mua được từ 2 – 3 máy vi tính nối mạng Internet, may ra lúc đó mới thu hút được nhân dân, nhất là các em học sinh tới với thư viện. Bởi theo như ông Châu thì nếu không sẽ lãng phí, khi trong điều kiện ngân sách hạn hẹp mà xã vẫn cố gắng đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng thư viện.

Trăn trở của ông Châu cũng đang là trăn trở của rất nhiều thư viện cơ sở. Ví như thư viện xóm 4A xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên. Bác Nguyễn Hồng Văn – xóm trưởng kiêm người trông coi thư viện cho rằng: Để có được ngôi nhà cấp 4 khang trang dành riêng phục vụ văn hóa đọc cho nhân dân trong xóm, Ban cán sự đã phải huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa và cũng để có được hơn 200 đầu sách các loại, chúng tôi cũng huy động từ con em xa quê, thế nhưng… hiện tại thư viện vẫn chưa thu hút được bạn đọc.

Không riêng thư viện xã mà nhiều thư viện huyện cũng đang trong tình trạng vắng bạn đọc. Trao đổi với ông Trần Duy Hưng – Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Thanh Chương được biết: Với 12 nghìn đầu sách các loại và 10 máy tính nối mạng internet do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ, mở cửa vào các ngày thứ 2, 4, 6, lượng bạn đọc đến với thư viện chủ yếu là đọc báo, tạp chí và truy cập mạng. Do nguồn sách không phong phú, nhất là sách tham khảo, sách về khoa học kỹ thuật còn quá ít nên không thu hút được nhân dân trên địa bàn. Có một thực tế phải nhìn nhận rằng hầu hết các thư viện xây ra cho có để báo cáo chứ thực chất không hoạt động.

Vấn đề này đang là thực trạng chung của hệ thống thư viện cơ sở hiện nay. Tìm hiểu được biết, với 167 thư viện cơ sở thế nhưng các thư viện hoạt động không đồng đều, phần lớn hoạt động cầm chừng, thậm chí có nơi không hoạt động. Nguyên nhân chính là do kinh phí dành cho hoạt động thư viện quá thấp. Hơn nữa nguồn sách ở thư viện cấp huyện chưa đáp ứng nhu cầu bạn đọc nên không thể luân chuyển xuống cho các thư viện cơ sở dẫn đến thực trạng nhiều thư viện có số lượng sách quá ít, nghèo nàn.

Có nhiều xã cả năm không bổ sung được một đầu sách nào. Chủ yếu nhìn vào nguồn sách do chương trình mục tiêu quốc gia... Và kể cả sách do chương trình mục tiêu quốc gia cấp có nhiều đầu sách cũng không phù hợp với hệ thống thư viện cơ sở. Bởi sách nhận về hàng năm trời cũng không ai hỏi mượn. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý thư viện huyện chưa xây dựng được chương trình kế hoạch cụ thể cho hoạt động phục vụ bạn đọc tại chỗ và cho công tác luân chuyển sách đến cơ sở, nên chưa đẩy mạnh được phong trào đọc và làm theo sách trong bạn đọc và nhân dân tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Chất - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT Nghi Lộc thừa nhận rằng: Hệ thống thư viện chưa được quan tâm đúng mức, nhiều ban, ngành chưa thấy được vai trò quan trọng của thư viện công cộng. Đành rằng hiện nay nhân dân có thể tìm hiểu thông tin qua rất nhiều kênh khác nhau, nhưng văn hóa đọc vẫn là nhu cầu cần thiết, sách báo vẫn là nơi lưu giữ thông tin lâu nhất, đầy đủ và hiệu quả nhất. Thiết nghĩ, mỗi thư viện cũng nên trang bị 2 – 3 máy tính nối mạng, nếu được như thế chắc chắn sẽ thu hút được bạn đọc nhiều hơn.

Có rất nhiều ý kiến cho rằng: Để hệ thống thư viện cơ sở hoạt động hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, xã hội hóa kinh phí hoạt động dành cho thư viện và xã hội hóa hỗ trợ nguồn sách từ các nhà xuất bản, các công ty in…Vấn đề luân chuyển sách cũng cần thường xuyên hơn, các thư viện cơ sở mỗi năm phải có từ 2 – 3 lần luân chuyển sách nhưng chất lượng sách phải phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc, gần gũi với người nông dân.

Chính quyền địa phương phải ý thức được vấn đề quan trọng của văn hóa đọc để tuyên truyền, huy động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và chính người dân hỗ trợ sách, góp sách… cho thư viện. Thực tế đã chứng minh rất nhiều thư viện, tủ sách hoạt động hiệu quả nhờ xã hội hóa như Thư viện khối 8 phường Quang Trung (TP Vinh), Thư viện tư nhân Cây Tùng (Hưng Tân, Hưng Nguyên); Thư viện dòng họ Hoàng Khiêm (Diễn Cát, Diễn Châu), Thư viện xã Cát Văn, Thư viện xóm Phú Nhuận 2, Thanh Ngọc (Thanh Chương).


Bài, ảnh: Thanh Thủy